Sabeco bị truy thu thuế 408 tỷ đồng: Dứt khoát có bên sai!

11:00 | 20/07/2015
Vụ việc Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu 408 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt của Tổng công ty Bia-rượu-nước giải khát Sài Gòn phát lộ một số “kẽ hở” trong lĩnh vực này.
Kết luận Sabeco ‘lách thuế’ là áp đặt
Vẫn buộc Sabeco nộp 408 tỉ đồng
Ngoài Sabeco, “đại gia” ngành bia nào có thể bị truy thu thuế?
Tỷ phú Thái tiếp tục mua cổ phần Sabeco?
41
Sabeco đang bị kiến nghị truy thu 408 tỷ đồng thuế TTĐB năm 2013 - Ảnh: Cao Thắng

Mỗi bên một lý

Theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Sabeco đã lập ra Công ty TNHH MTV Sabeco để thực hiện tiêu thụ các sản phẩm của bia Sài Gòn theo mô hình 100% vốn Công ty mẹ. Sau đó, Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn lại thành lập, liên kết các Công ty con, là Công ty CP TM khu vực, trong đó, vốn góp từ Công ty mẹ chiếm 90-94% để phân phối hàng của Sabeco trên toàn quốc. Khi các Công ty CP TM Khu vực không phải cơ sở độc lập, thì Công ty mẹ quyết định giá bán tại các công ty này. Do đó, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) phải là giá bán ra tại các Công ty CP TM khu vực, chứ không phải giá bán ra tại Công ty TNHH MTV Sabeco như Sabeco đang thực hiện. Từ đó, KTNN kiến nghị truy thu thuế TTĐB với Sabeco số tiền 408 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sáng 15/7, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bia-rượu-nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) khẳng định, đúng là Sabeco đã thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn (100% vốn của Sabeco) thay mặt Sabeco thực hiện bao tiêu toàn bộ sản phẩm của Sabeco. Nhưng các Công ty CP TM khu vực là đơn vị liên kết, có pháp nhân độc lập, không thuộc cơ cấu tổ chức nội bộ của Sabeco, nên Sabeco không quyết định giá bán ra của các đơn vị này. “Việc Sabeco lấy giá bán ra của Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn để tính thuế TTĐB là đúng quy định hiện hành. Việc kê khai nộp thuế TTĐB của Sabeco từ năm 2008 đến nay đều có sự hướng dẫn của Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP HCM”, ông Tuất nói.

"Đúng là KTNN đã phát hiện ra “lỗ hổng”, thì KTNN phải kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi chính sách. Khi nào sửa luật xong, thì người dân và doanh nghiệp sẽ thi hành”. Phó Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đề xuất

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương thì cho rằng, Sabeco cũng như các doanh nghiệp không thể tự kê khai thuế mà phải được sự chấp thuận của cơ quan thuế, trên cơ sở đó mới thực hiện nghĩa vụ thuế.

“Vậy nếu kết luận của KTNN là đúng thì trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có liên quan như thuế, thanh tra thuế… sẽ như thế nào?”, ông Cương nêu vấn đề.Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, vấn đề cần làm rõ ở đây là các công ty CP TM khu vực có hạch toán độc lập với Sabeco hay không. “KTNN sẽ đúng nếu các công ty CPTM khu vực của Sabeco hạch toán phụ thuộc.

Nhưng nếu các công ty này hạch toán độc lập, thì phải đối xử như một chủ thể pháp lý độc lập, và Sabeco đã đúng”, ông Trương Thanh Đức nói.

Ông Phạm Công Tham, Phó chủ tịch Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam cũng cho rằng, xung quanh việc này dứt khoát có một anh sai, bia đúng thì kiểm toán sai, kiểm toán đúng thì bia sai.

“Quy định hiện hành, thuế TTĐB là đánh vào sản xuất chứ không đánh vào lưu thông. Chỉ cần làm rõ Sabeco với các công ty CP TM khu vực có hạch toán độc lập hay không là rõ ngay giá nhà sản xuất bán ra ở mức nào. Còn nếu KTNN phát hiện ra “lỗ hổng” là chưa có quy định về thuế TTĐB qua các khâu trung gian, thì nên có kiến nghị, sửa đổi để lấp lỗ hổng”, ông Tham nhìn nhận.

Không thể để doanh nghiệp gánh “lỗ hổng”

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ông Nguyễn Đình Cung đồng tình, nếu pháp luật có “lỗ hổng”, thì việc sửa đổi là của cơ quan chức năng, không thể đổ cho doanh nghiệp.

“Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, việc thành lập công ty con, công ty cháu, thậm chí là công ty chắt là chuyện hoàn toàn bình thường. Cách làm này sẽ cũng có khả năng giúp doanh nghiệp tận dụng được “kẽ hở” của chính sách để “lách”. Tuy nhiên, ngay cả khi DN “lách” luật thì họ cũng không có gì là sai mà thậm chí đó là hành động của người thông minh khi tìm được kẽ hở để tạo ra được lợi ích cho mình”, ông Cung nói.

Theo ông Cương, “lỗ hổng” pháp luật nước nào cũng có, và trách nhiệm của các nhà làm luật là làm sao để các “lỗ hổng” đó càng nhỏ càng tốt, càng ít càng tốt. Luật Thuế hiện hành và Luật thuế TTĐB vừa ban hành, đến 1/1/2016 mới có hiệu lực, đều không hề quy định cụ thể giá tính thuế khâu từ nhà sản xuất bán ra cho nhà tiêu thụ, từ tiêu thụ đến tay người tiêu dùng, hay nói khác đi quy định thuế từ bán buôn đến bán lẻ còn chưa rõ ràng. Do đó, cần có sự bổ sung vào Nghị định, Thông tư hướng dẫn.

Theo Hải Quỳnh/ Giao thông

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này