Quản lý an toàn lao động - Bài toán còn bỏ ngỏ

15:33 | 17/07/2015
Bộ Lao động- TBXH vừa có cuộc họp với các Bộ, ngành liên quan nhằm đánh giá tình hình tai nạn lao động, công tác đảm bảo an toàn lao động, nhất là trong các lĩnh vực xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động gần đây.
Người lao động có quyền rời bỏ nơi làm việc không an toàn
Thêm một vụ tai nạn lao động trên công trường đường sắt Cát Linh- Hà Dông
Hà Nội phát động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia an toàn lao động
Hơn 150 cán bộ CĐ tham dự tập huấn về an toàn lao động
Tọa đàm chính sách pháp luật về an toàn vệ sinh lao động

Theo báo cáo của Cục An toàn Lao động, Hà Nội là một trong những địa phương có số vụ tai nạn lao động cao trong cả nước, chính vì vậy, vấn đề quản lý an toàn lao động đang được đặt ra cấp thiết đối với TP. Hà Nội

Theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Lao động Hà Nội, từ năm 2012-2014, việc tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn nhiều bất cập, nhất là các lĩnh vực điện, giao thông, xây dựng, khu công nghiệp...

Quản lý an toàn lao động - Bài toán còn bỏ ngỏ
Bộ Lao động- TBXH vừa có cuộc họp với các Bộ, ngành liên quan nhằm đánh giá tình hình tai nạn lao động, công tác đảm bảo an toàn lao động

Ông Đặng Minh Thuần, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội cho biết, tình hình tai nạn lao động bước đầu đã được kiểm soát, song vẫn xảy ra những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, đặc biệt là trong các lĩnh vực có nguy cơ cao.

Việc đo, kiểm tra định kỳ các yếu tố có hại trong môi trường lao động, việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động vẫn chưa được thường xuyên. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại một số doanh nghiệp chưa được quan tâm một cách thực chất.

Có nhiều nguyên nhân, song một nguyên nhân đáng được lưu tâm là việc khai báo, thống kê tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của một số doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm túc, nên số liệu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được khai báo chưa phản ánh đúng tình hình diễn ra trên thực tế, thậm chí một số doanh nghiệp có hành vi che giấu, không khai báo với các cơ quan chức năng khi có tai nạn lao động xảy ra.

Quản lý an toàn lao động - Bài toán còn bỏ ngỏ
Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn 2010-2015, giảm 5% tần suất tai nạn lao động hàng năm, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động; giảm 10% số người lao động mắc mới bệnh nghề nghiệp phổ biến; trên 80% người lao động được tập huấn về an toàn vệ sinh lao động.

Qua khảo sát tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Ủy ban Nhân dân các huyện Chương Mỹ, Thạch Thất và 15 doanh nghiệp, chủ yếu tại Khu công nghiệp Thạch Thất-Quốc Oai, Khu công nghiệp Nội Bài, mặc dù số lượng người được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động năm sau tăng so với năm trước nhưng vẫn đạt tỷ lệ thấp so với tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động và còn khá nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.

Cơ chế quản lý người lao động là lao động thời vụ, lao động tự do, lao động nông nghiệp chưa rõ ràng nên việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho đối tượng này gặp nhiều khó khăn, hầu như chưa thực hiện.

Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 11 vụ tai nạn lao động, làm 11 người chết. Đặc biệt, tình trạng vi phạm pháp luật về lao động trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước diễn ra khá phổ biến.

Lý giải nguyên nhân chủ yếu của tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn thành phố, ông Đặng Minh Thuần cho rằng cần tháo gỡ ngay từ chính sách. Một số văn bản của các cơ quan Trung ương, thành phố ban hành chậm, thiếu nội dung hoặc có nội dung còn mâu thuẫn, chồng chéo, có lĩnh vực chưa có chế tài điều chỉnh. Thành phố mới phân cấp cho các quận, huyện, thị xã nhiệm vụ về an toàn, vệ sinh lao động, kinh phí và biên chế cho việc triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến về an toàn, vệ sinh lao động gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế, thiếu đồng bộ.

Quản lý an toàn lao động - Bài toán còn bỏ ngỏ

Đáng lưu ý là phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh chỉ quan tâm đến lợi nhuận, chưa chú trọng đầu tư cho đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và chỉ đến khi cơ quan Nhà nước đến kiểm tra, thanh tra, những doanh nghiệp này mới bắt đầu thực hiện.

Liên đoàn lao động thành phố cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các ngành liên quan đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến đầy đủ, sâu rộng những văn bản hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong sản xuất, kinh doanh; tích cực tư vấn cho người sử dụng lao động, người lao động nâng cao nhận thức về an toàn, vệ sinh lao động; chú trọng công tác quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động đối với các doanh nghiệp có từ 200 lao động trở lên.

Bên cạnh đó, thành phố chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành về nội dung này định kỳ, đột xuất một cách khoa học để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp.

Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, đoàn phải dành thời gian tiếp xúc với người lao động và người sử dụng lao động để lắng nghe ý kiến của từng đối tượng nhằm kịp thời có những đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền, góp phần hoàn chỉnh các văn bản pháp luật; kịp thời xử lý đúng pháp luật những vụ vi phạm nghiêm trọng; biểu dương khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Quản lý an toàn lao động - Bài toán còn bỏ ngỏ
Những vụ cháy nổ xảy ra ngày một nhiều

Theo báo cáo của Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động- TBXH), trong thời gian từ năm 2005- 2014, cả nước đã xảy ra 58.399 vụ tai nạn lao động, trong đó có 5.232 vụ chết người, làm chết 5.791 người, 14.298 người bị thương nặng. Ngành xảy ra nhiều tai nạn lao động nghiêm trọng nhất là xây dựng, xây lắp các công trình dân dụng và công nghiệp, chiếm khoảng 30% số vụ gây chết người. Riêng trong năm 2014, đã xảy ra 6.709 vụ tai nạn lao động, trong đó có 592 vụ chết người.

Nguyên nhân do thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 18,3%; người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động chiếm 11,4%; người lao động bị nạn vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn lao động chiếm 11,9%

Đáng lưu ý, từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2015, đã có nhiều vụ tai nạn, sự cố công trình, thiết bị thi công gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, như vụ sập giàn giáo tại cảng Sơn Dương (dự án Formosa, Khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) làm 13 người chết và 29 người bị thương; Vụ một cần cẩu bị đứt cáp đã khiến 3 đi đường tử vong tại chỗ ngày 5/5, tại đường ĐT- 842, phường An Lộc, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; các vụ tai nạn lao động trên công trường thi công tuyến đường sắt trên cao tuyến Cát Linh- Hà Đông…

Theo đánh giá chung, nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện năng lực của nhà thầu khảo sát, thi công còn hạn chế; công tác quản lý chất lượng công trình chưa đúng theo quy định; vi phạm các quy định về an toàn lao động.

Thu Hương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này