Lễ hội truyền thống: Cần thay đổi theo sự phát triển của xã hội

05:39 | 19/07/2015
Từ bao đời nay, lễ hội truyền thống giữ vai trò quan trọng trong đời sống nhân dân, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là nơi người dân tìm về nguồn cuội. Song, với sự phát triển của đất nước, nhiều lễ hội với những hủ tục lạc hậu, không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại phải cần được thay đổi.
Tưng bừng lễ hội vang trên đỉnh Bà Nà
Những hình ảnh hiếm có về lễ hội của một bộ tộc 'từ chối' Thế giới văn minh
“Chuẩn hóa” lễ hội: Khó mấy cũng phải làm!

Nên hay không nên?

Thời gian qua, những hình ảnh bạo lực, phản cảm trong các lễ hội như chém lợn, đập đầu trâu, cướp phết, cướp lộc trở thành mối quan tâm... của dư luận. Trong đó, đáng chú ý nhất là lễ hội hiến sinh “Chém lợn” ở làng Nén Thượng – Bắc Ninh và “Cầu trâu” ở Phú Thọ với cảnh đầu rơi máu chảy gây nhiều tranh cãi trái chiều. Diễn ra vào mùng 6 Tết, mỗi mùa lễ hội “Chém lợn” có 2 con lợn khỏe mạnh mà theo dân Ném Thượng gọi là “ông Ỉn” được đem ra tế lễ bằng cách chém cho đầu lìa khỏi cổ trong lúc con lợn đang sống. Sau đó, người dân tham dự lễ hội lấy tiền lẻ chấm máu lợn mang về đặt lên bàn thờ cầu cho một năm may mắn, sung túc. Còn lễ hội “Cầu trâu” diễn ra vào mùng 9 tháng Giêng ở tỉnh Phú Thọ, mới được khôi phục lại, khiến nhiều người phải rùng mình. Thậm chí những người chứng kiến đã rơi lệ khi chứng kiến cảnh 12 thanh niên thay nhau dùng búa đập đầu một con trâu đực cho đến chết.

Mặc dù là những lễ hội hiến sinh mang tính chất tâm linh tồn tại nhiều năm nay nhưng giờ đây theo ý kiến của nhiều người, tục lệ này không còn phù hợp với xã hội văn minh, làm ảnh hướng đến hình ảnh đất nước. Trước những hình ảnh chém giết động vật tàn bạo, tổ chức Động vật châu Á (AAF) đã kêu gọi chấm dứt lễ hội “Chém lợn” làng Ném Thượng. AAF cho đây là lễ hội tàn bạo đã và đang bị nhiều tổ chức trong và ngoài nước lên án.

Lễ hội truyền thống: Cần thay đổi theo sự phát triển của xã hội
Lễ hội Chém lợn ở làng Ném Thượng, Bắc Ninh

Phải thừa nhận, chứng kiến cảnh chém lợn đến người lớn còn ghê sợ huống hồ trẻ em hay những người yếu bóng vía. Nhưng cái gì đã thuộc về truyền thống, là phong tục xa xưa nên khó có thể loại bỏ ngay trong một sớm một chiều. Bởi vậy, việc nên hay không nên loại bỏ những lễ hội hiến sinh, những hủ tục lạc hậu trong lễ hội đã vấp phải nhiều cuộc tranh cãi trái chiều từ phía các nghiên cứu văn hóa và cộng đồng.
lễ hội không phải “nhất thành bất biến”

Trong Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2015 của Bộ VHTT&DL, vừa diễn ra đầu tháng 7, Hội nghị cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý lễ hội vẫn tồn tại một số hạn chế. Để khắc phục những hạn chế này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh yêu cầu các cơ quan liên quan và địa phương tiếp tục tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động nhân dân loại bỏ các nghi lễ, hủ tục hiến sinh, nhấn mạnh về ý nghĩa lễ hội, đảm bảo an ninh, an toàn, văn minh nơi lễ hội.

Trao đổi với LĐTĐ về vấn đề này, PGS - TS Lê Quý Đức – nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển Việt Nam, cho rằng, câu chuyện xoay quanh lễ hội truyền thống đang là vấn đề phức tạp trong xã hội chúng ta. Truyền thống cũ duy trì chưa đầy đủ, nghiêm cẩn theo đúng nguyên bản của lễ hội đó. Nói là phục hồi nhưng thực chất không hoàn toàn phục hồi theo đúng với lễ hội xưa. Hơn nữa, việc phục hồi lễ hội còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhận thức, phương pháp quản lý. Ngày xưa chủ thể quản lý lễ hội là các cộng đồng dân cư, người dân, giờ là nhà nước, cơ quan văn hóa. Lễ hội xuất phát từ cộng đồng nên nhiều người cho rằng nên trả lễ hội cho dân. Nhưng trả như thế nào lại là một điều khó.

“Trong cộng đồng, giữa các thế hệ lại có cái nhìn khác nhau về lễ hội. Bởi vậy, phải tìm hiểu nhu cầu, văn hóa nhân dân một cách toàn diện. Hơn nữa, văn hóa không phải là “nhất thành bất biến” mà văn hóa phải biến đổi theo sự phát triển của đời sống xã hội. Trước đây nhiều phong tục tồn tại gắn với tâm linh, với đời sống tinh thần, nhưng dần cũng tự bị đào thải bởi xã hội phát triển. Cho nên cuộc sống cũng sẽ tự chọn lọc và loại bỏ những yếu tố tiêu cực, lạc hậu không còn phù hợp với xã hội” – PGS, TS. Lê Quý Đức nói.

Lưu Nhi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này