Trung tâm Huấn luyện TDTT Hà Nội

Lập hồ sơ VĐV khuyết tật “ảo” chiếm đoạt tiền thù lao?

09:26 | 16/07/2015
Quá trình phấn đấu giành huy chương đối với mỗi VĐV khuyết tật thực sự gian khổ và giá trị gấp nhiều lần so với những tấm huy chương thể thao của VĐV bình thường. Việc đầu tư và khuyến khích người khuyết tật tập luyện thể thao là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Vậy nhưng chủ trương này dường như đang bị lợi dụng ở Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội?
Cảnh báo giả danh cán bộ thanh tra của Bộ Y tế để lừa đảo
Phú Yên: Khởi tố trưởng công an xã chiếm đoạt tiền xử phạt
Quảng Ninh: Khởi tố 5 cán bộ huyện xã chiếm đoạt tiền dự án

Biến người lành thành khuyết tật?

Từ đơn của bà Nguyễn Thanh Thủy, ở Hà Nội, tố cáo sai phạm của một cán bộ tại Trung tâm Huấn luyện TDTT Hà Nội đã ngụy tạo hàng chục bộ hồ sơ “ảo” VĐV khuyết tật để chiếm đoạt tiền thù lao, PV báo Lao động Thủ đô đã xác minh và phát hiện ra dấu hiệu hàng chục VĐV khuyết tật “ảo” khác không tham gia tập huấn nhưng vẫn lĩnh tiền hàng tháng!?

Theo đơn tố cáo, ông Ngô Anh Tuấn, phụ trách bộ môn Thể thao khuyết tật tại CLB người khuyết tật Hà Nội (1B Lê Hồng Phong), thuộc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội đã lập hàng hoạt hồ sơ VĐV khuyết tật “ảo” để chiếm đoạt tiền thù lao với số tiền thu lợi bất chính lên đến hàng trăm triệu đồng.

Cụ thể, năm 2014, ông Tuấn đã chủ động gặp bà Thủy rồi đặt vấn đề sẽ giúp “cởi” nút thắt quy định không được làm quá giờ tạo điều kiện cho bà làm thêm nhưng, bà Thủy phải gửi cho ông Tuấn một bộ hồ sơ của con gái để bổ sung vào danh sách nhân viên lao công. Mừng vì ông Tuấn đã có “chủ trương” tiến bộ nên bà Thủy nhanh chóng nộp bộ hồ sơ bao gồm giấy chứng minh thư, hộ khẩu, giấy khám sức khỏe mang tên con gái cho ông Tuấn. Sau đó, bà Thủy nhận được số tiền 2 triệu đồng tiền làm ngoài giờ.

Lập hồ sơ VĐV khuyết tật “ảo” chiếm đoạt tiền thù lao?
Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội

Trong một lần nói chuyện với các VĐV khuyết tật, bà Thủy tình cờ phát hiện tên con gái mình nằm trong danh sách hưởng thù lao của các VĐV khuyết tật tham gia thi đấu và tập luyện từ tháng 4 – tháng 12/2014 (với chế độ VĐV tuyến 3, số tiền là 3,6 triệu đồng/tháng). Danh sách này hoàn toàn phi lý bởi con gái bà Thủy là người bình thường và chưa bao giờ tới CLB tập luyện thì sao có thể được hưởng tiền thù lao theo chế độ này. Theo bà Thủy, do bà nộp hồ sơ của con gái cho ông Tuấn để “hợp thức hóa” số tiền làm thêm ngoài giờ cho bà nên có thể có sự nhầm lẫn. Khi bà Thủy tới gặp ông Tuấn hỏi rõ sự tình thì ông này trả lời không biết ai đã đưa con gái bà vào danh sách VĐV khuyết tật để nhận tiền thù lao. Ông Tuấn hẹn 1 tuần sẽ có câu trả lời. Tuy nhiên, đến hẹn và nhiều tuần sau đó ông Tuấn vẫn không đưa ra bất cứ lời giải thích thỏa đáng nào cho sự “nhầm lẫn” này.

Loanh quanh lảng tránh

Hiện nay, cả nước có 3 đơn vị đi đầu trong công tác phát triển phong trào thể thao người khuyết tật là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Quảng Trị. Đây cũng là những đơn vị nòng cốt có nguồn VĐV khuyết tật dồi dào, cung cấp những VĐV khuyết tật có tố chất, tiềm năng phát triển đưa vào chương trình đào tạo tập huấn nâng cao cho các đội tuyển quốc gia.

Nghi ngờ ông Tuấn có thể dùng chiêu trò tương tự với bà để hợp thức hóa nhiều hồ sơ VĐV “ảo” nhằm chiếm đoạt tiền thù lao, bà Thủy đã làm đơn gửi một số cơ quan đề nghị làm rõ sự việc. Vậy nhưng cho đến thời điểm này, bà Thủy vẫn chưa hề nhận được câu trả lời chính thức từ phía cơ quan chức năng về việc xử lý nội dung đơn thư tố cáo của bà.

Theo tố cáo của bà Thủy, trong số hàng trăm VĐV đang tập luyện, thi đấu tại CLB có những người hoàn toàn bình thường nhưng vẫn có tên trong danh sách ký lĩnh tiền thù lao. Một số người được gửi tiền qua tài khoản ngân hàng, còn đa số là ký nhận trực tiếp. Thậm chí, có trường hợp còn ký nhận 2 lần trong bảng kê với mức thù lao khác nhau. Rất nhiều VĐV khuyết tật đang tập luyện đều đặn, có hoàn cảnh khó khăn nhưng ông Tuấn đã “khuyên” nghỉ với nhiều lý do khác nhau. Trong khi thực tế danh sách nhận tiền thù lao thì vẫn còn nguyên nhưng nhiều người trong số đó không được hưởng đồng nào cả.

Để rộng đường dư luận, PV đã liên lạc với ông Nguyễn Đình Lân, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội để xác minh thông tin thì ông Lân cho biết đang đi công tác và cử ông Hoàng Trung Kiên, Phó giám đốc và ông Nguyễn Quốc Trung, Trưởng phòng Tổ chức hành chính của Trung tâm làm việc với PV. Tuy nhiên, trong buổi làm việc, ông Kiên nói mình không phụ trách bộ môn thể thao khuyết tật nên không thể là người phát ngôn. Khi PV đề nghị ông Trung cung cấp danh sách VĐV khuyết tật đang tập huấn tại Trung tâm để đối chiếu, ông Trung gọi điện cho ông Lân xin ý kiến thì ông Lân cho hay đây là vấn đề tế nhị nên không thể cung cấp bản danh sách đó cho PV.

Báo Lao động Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc đến với bạn đọc.

Phước Long – Ngô Hùng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này