Áo dài Việt Nam: Đừng vì “tân” mà “cách” ẩu

15:00 | 14/07/2015
Áo dài Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nhà thiết kế (NTK), các người đẹp trong việc cách tân, làm mới. Tuy nhiên đã có nhiều NTK, người đẹp “điêu đứng” khi làm mới chiếc áo dài truyền thống không đúng cách. Chiếc áo dài Hoa hậu Thùy Dung mặc bị cho là giống thiết kế của Trung Quốc tại show thời trang ở Italia, một lần nữa là bài học cho các NTK, các người đẹp khi cách tân áo dài Việt Nam.
Vấn đề 'hoa hậu bị chê' được đưa vào Hoa khôi Áo dài
Thí sinh Hoa khôi áo dài bị bắt cởi áo, ngậm đũa trên sóng truyền hình
Tà áo dài Việt Nam làm dân Thái phát sốt

Vào cuối tháng 6 vừa qua, tại show thời trang Xuân - Hè ở Mercati Di Traiano, thành phố Rome, Italy, hoa hậu Việt Nam 2008 Thùy Dung đã diện một mẫu thiết kế áo dài gấm đỏ in họa tiết hoa văn rồng cách điệu kiểu áo ống, vai trần xẻ tà và quần lửng, kết hợp với nón lá cũng được bọc gấm in hoa văn đồng điệu. Đây là trang phục trong bộ sưu tập (BST) của NTK Thủy Nguyễn. Ngay khi những hình ảnh hoa hậu Thùy Dung trình diễn áo dài được đăng tải trên mạng đã lập tức vấp phải nhiều bình luận trái chiều.

Nhiều ý kiến cho rằng, bộ trang phục này cách điệu quá đà vì biến một chiếc áo dài truyền thống thành chiếc áo quây. Đáng bàn hơn, hoa văn của trang phục, bị nhiều người trong giới nhận định, giống tấm vải được bán với giá 29 nhân dân tệ (hơn 101.000 đồng) một mét trên một trang mạng chuyên bán đồ bình dân của Trung Quốc. Do đó, việc quảng bá hình ảnh Việt Nam, nhất là trong một chương trình mang ý nghĩa, mục đích giao lưu văn hóa như show diễn thời trang Xuân - Hè này, mang tác dụng ngược.

Áo dài Việt Nam: Đừng vì “tân” mà “cách” ẩu
Họa tiết của bộ áo dài mà Hoa hậu Thùy Dung mặc tại show diễn tại Italy được cho là giống của Trung Quốc.

Sự việc của Hoa hậu Thùy Dung chỉ là một trong nhiều vụ về việc cách tân, làm mới áo dài truyền thống gây bức xúc dư luận. Gần đây nhất, NTK nổi tiếng Minh Hạnh cũng vấp phải sự phản ứng của dư luận khi thiết kế áo dài cách tân cho các tiếp viên của hãng Hàng không Việt Nam.

Không riêng các NTK, không ít người đẹp, hoa hậu, người mẫu cũng dính phải tai tiếng vì diện áo dài không đúng cách. Có hoa hậu bị dư luận phản ứng dữ dội, thậm chí suýt bị “tước vương miện” vì mặc áo dài trắng trong suốt tạo dáng phản cảm như trường hợp của Hoa hậu Mai Phương Thúy; hay mặc áo dài hở hang, biến tấu quá đà, kết hợp với quần jean rách như ca sĩ Đoan Trang, Mai Khôi, Lý Nhã Kỳ,…

Người Việt vẫn luôn tự hào với thế giới về chiếc áo dài truyền thống mang đậm nét đẹp của dân tộc. Việc cách tân áo dài thể hiện sự sáng tạo của NTK, song cách tân như thế nào để áo dài truyền thống vẫn giữ được hồn cốt, không bị bóp méo, mang nét đẹp hiện đại, mới mẻ lại là vấn đề liên quan đến nhận thức trong sáng tạo nghệ thuật.

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam: Đừng đổ lỗi cho việc chất liệu nghèo nàn

Áo dài Việt Nam: Đừng vì “tân” mà “cách” ẩu

Nếu như ở nước ngoài, mỗi mẫu thiết kế đều do họ tự dệt ra những mẫu vải, in mẫu hoa văn, họa tiết theo ý tưởng để tạo nên những BST mới, mang xu hướng riêng thì ở nước ta, đa số các NTK còn nghèo nàn về chất liệu. Họ thường đổ lỗi cho thị trường VN không sản xuất các chất liệu như mong muốn và thường sử dụng những chất liệu có sẵn như trường hợp bộ áo dài của Hoa hậu Thùy Dung gây tranh cãi dư luận vừa qua.

Chúng ta không thể giữ nguyên một bộ áo dài từ phom dáng đến tất cả các chi tiết của bộ áo dài từ xưa tới giờ. Cách tân áo dài là làm mới bằng cách kết hợp nét đẹp truyền thống với hơi thở đương đại, phù hợp với không gian, thời gian BST đó xuất hiện. Khi cách tân, NTK được quyền phá cách, đem những chi tiết mới vào nhưng phải sáng tạo chứ không phải là bê nguyên hoa văn họa tiết của một đất nước nào đó đặt vào mẫu áo dài của mình như trường hợp trên. Đó là sự khập khiễng, kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Tôi đã từng diễn ở nhiều nước trên thế giới như Ý, Pháp với áo dài cách tân. Theo kinh nghiệm của tôi, trong một show diễn mang tính giao lưu văn hóa, NTK cần phải biết kết hợp khéo léo giữa nét đẹp châu Âu hiện đại với những chất liệu thêu đính hạt thủ công đặc trưng của VN. Có như thế, khán giả nước bạn mới cảm thấy hài lòng, mới có hiệu ứng truyền thông.

Bên cạnh vai trò của các NTK, thực tế nhiều người mẫu, hoa hậu có những gu thẩm mỹ, phông văn hóa khác nhau, không phải hoa hậu, người mẫu nào cũng ý thức được nên hay không nên xuất hiện ở show diễn nào, mặc bộ trang phục ra sao. Đây là một bài học cho các NTK cũng như các người đẹp.

GS. Ngô Đức Thịnh: Đã là hoa hậu khi mang áo dài ra thế giới thì cần cân nhắc, lựa chọn phù hợp

Áo dài Việt Nam: Đừng vì “tân” mà “cách” ẩu

Bản thân các hiện tượng văn hóa cần sự cách tân, tự phát triển và biến đổi theo thời gian để phù hợp với cuộc sống hiện tại. Về áo dài, tôi đã có thời gian nghiên cứu và trình bày trong cuốn “Trang phục Việt Nam”.

Áo dài từ những năm 30, 40 của thế kỷ 19, khi sinh ra đã cách tân từ áo dài truyền thống năm thân, tứ thân để đáp ứng những nhu cầu của các chị em sống ở đô thị. Sau này, từ những năm 60, áo dài được vay mượn hình ảnh nước ngoài hình thành những mẫu dài mang phong cách trọn vẹn 3 miền Huế, Sài Gòn, Hà Nội. Từ đó đến nay, áo dài lại tiếp tục cách tân.

Vừa qua, mẫu áo dài cách tân của NTK Mỹ Hạnh cho hãng Hàng không VNA khiến tôi không hề thích vì nhìn có vẻ cầu kỳ nhưng không đẹp. Áo dài VN khi đã hình thành đã là một bộ trang phục khá hoàn chỉnh và được xã hội chấp nhận nên là bài toán khó cho các NTK khi cách tân. Nói như vậy không có nghĩa là không nên cách tân áo dài. Vấn đề là cách tân như thế nào mà vẫn giữ được hồn cốt của dân tộc đồng thời vẫn đáp ứng được nhu cầu của xã hội hiện đại. Theo tôi, cứ để mọi người tìm kiếm, làm mới chiếc áo dài, có như vậy áo dài mới có sức sống bền bỉ.

Bên cạnh đó, đối với các hoa hậu khi diện áo dài Việt Nam, các bạn đã đại diện quốc gia mặc bộ trang phục truyền thống của dân tộc thì phải mang tinh thần của đất nước chứ không thể tùy tiện muốn làm gì, phá cách như thế nào cũng được. Đây không còn là vấn đề cá nhân, hay vấn đề thẩm mỹ đơn thuần mà còn là kiến thức. Đã là hoa hậu, khi mang áo dài ra thế giới thì phải cân nhắc, lựa chọn trang phục cho phù hợp, để không ảnh hưởng đến hình ảnh của mình cũng như của đất nước.

Nguyễn Hoài

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này