Cần thay đổi tư duy làm phim tài liệu

10:24 | 10/07/2015
Phim tài liệu Việt Nam đã có thời vẻ vang, mang lại niềm tự hào cho điện ảnh nước nhà nhưng với cách làm lạc hậu như hiện nay, phim tài liệu Việt chỉ có thể ngậm ngùi mơ về quá khứ.
Tăng cơ hội giao lưu phim tài liệu Việt Nam và châu Âu
Dân đóng góp 500 triệu làm phim tài liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cái khó bó cái khôn

Điện ảnh Việt Nam đã có những thước phim tài liệu giá trị ghi danh ở các giải thưởng quốc tế như: “Đường dây lên sông Đà” đoạt giải Bồ câu vàng tại LHP tại Đức (1982); phim “Chìm nổi sông Hương” giành danh hiệu “Kịch bản xuất sắc” tại LHP Nhật Bản (1995); “Chị Năm khùng” đoạt giải “Phim tài liệu xuất sắc” nhất tại LHP châu Á – Thái Bình Dương (2000);… Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, phim tài liệu Việt đang thiếu những tác phẩm ghi dấu ấn trong lòng người hâm mộ.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, cho hay, các hãng phim tài liệu nhà nước đang gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết là về nguồn nhân lực. Hiện nay, người yêu điện ảnh tài liệu chỉ ở một chừng mực nào đó cộng với thu nhập thấp nên những người trẻ thực sự đam mê để bước chân đến với các hãng phim tài liệu rất ít. Bên cạnh đó, các bộ phim sản xuất ra phải phù hợp với định dạng của thế giới thì mới mong mang phim đi công chiếu. Đối với thiết bị điện ảnh, 5 năm đến 7 năm đã thay đổi công nghệ rất nhiều mà giá tiền của các thiết bị vô cùng đắt. Đây là bài toán rất khó cho các hãng phim hoạt động với mục đích chính trị như Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Ngoài ra, trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, nguồn phim của các đơn đặt hàng cũng bị hạn chế.

Cần thay đổi tư duy làm phim tài liệu
Một cảnh trong bộ phim tài liệu “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”

Cũng theo bà Tuyết, mặc dù được nhà nước quan tâm nhưng nguồn tài chính để ổn định và phát triển cho các hãng phim tài liệu còn hạn hẹp. Tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, một năm sản xuất được gần 20 bộ phim bằng nguồn ngân sách nhà nước, so với những đề tài, sự kiện diễn ra hàng ngày, hàng giờ cần được đưa lên phim để tuyên truyền là không nhiều. “Phim tài liệu mang lại những giá trị tích cực của cuộc sống, được ví là cuốn album ảnh của quốc gia. Có thể, lúc này khó khăn thì thấy tư liệu lưu trữ là bình thường, nhưng hôm nay là hiện tại, ngày mai lại là lịch sử. Nếu như chúng ta có nhiều tư liệu để lưu trữ thì sau này nó cũng như là một di sản của Việt Nam, một di sản thế giới”, bà Phạm Thị Tuyết trăn trở.

Làm gì để phim tài liệu hút khán giả?

Hầu như các đạo diễn phim tài liệu chỉ làm phim theo đơn đặt hàng, phục vụ cho tuyên truyền các sự kiện của nhà nước, nội dung chủ yếu xoay quanh về truyền thống cách mạng, về biển đảo, quê hương,…Trong khi đó những đề tài góc cạnh về cuộc sống như tham nhũng, giới tính,… mang tính thời sự được dư luận quan tâm thì các nhà làm phim lại ngại chạm tới vì sợ không “an toàn”.

Theo đạo diễn Lâm Nguyễn Quang Tâm, muốn một bộ phim tài liệu chạm được đến trái tim khán giả trước hết câu chuyện phải đủ thuyết phục bản thân đạo diễn, sau mới mong thuyết phục được khán giả. Mỗi đạo diễn phải trả lời được những câu hỏi: Đề tài này có vừa sức mình hay không, bản thân có vượt qua được những khó khăn khi thực hiện đề tài ấy thì mới nghĩ đến việc bắt tay vào làm. Phim tài liệu của chúng ta đang thiếu sự đào sâu vào cuộc sống, các đề tài đều na ná như nhau. Sở dĩ như vậy vì các nhà làm phim đang gặp khó về rào cản thời gian. Các đơn vị sản xuất bắt buộc phải hoàn thành một bộ phim trong một khoảng thời gian nhưng cuộc sống đâu chỉ diễn ra trong một tuần hay hai tuần nên phim tài liệu không thể đào sâu, diễn tả hết được cuộc sống.

Thực tế, cái khó của phim tài liệu không chỉ nằm ở vấn đề tài chính. Hiện nay, những nhà làm phim tài liệu còn đang gặp khó về đề tài. Hầu như các đạo diễn phim tài liệu chỉ làm phim theo đơn đặt hàng, phục vụ cho tuyên truyền các sự kiện của nhà nước, nội dung chủ yếu xoay quanh về truyền thống cách mạng, về biển đảo, quê hương,… Trong khi đó những đề tài góc cạnh về cuộc sống như tham nhũng, giới tính,… mang tính thời sự được dư luận quan tâm thì các nhà làm phim lại ngại chạm tới vì sợ không “an toàn”. Bên cạnh đó không phải đề tài nào các hãng làm phim tài liệu nhà nước cũng được làm.

Các xuất chiếu những bộ phim tài liệu trong kỳ Liên hoan phim tài liệu Việt Nam – châu Âu lần thứ 7 vừa diễn ra đều chật kín khán giả, chứng tỏ rằng phim tài liệu vẫn còn sức sống. Nhưng làm thế nào để phim tài liệu chạm được tới trái tim khán giả vẫn rất cần sự thay đổi tư duy của các nhà làm phim. Bộ phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” là một ví dụ điển hình. Một đề tài mang tính bứt phá về những mảnh đời đầy éo le trong “thế giới bóng gió” chính là chìa khóa dẫn đến thành công của bộ phim này. Nhiều khán giả đã khóc khi xem. Họ khóc vì thương cảm cuộc đời của những nhân vật, khóc vì cảm phục sự dấn thân của nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Thắm. Bộ phim đã tham dự rất nhiều các kỳ liên hoan trong và ngoài nước và giành được nhiều giải thưởng uy tín trên thế giới. Tuy không mang lại hiệu quả về kinh tế nhưng phim tài liệu lại là một kho tàng văn hóa vô giá. Rõ ràng, phim tài liệu Việt Nam vẫn đang thiếu sự đầu tư đúng mức. Ngoài những khó khăn về tài chính, rất cần các nhà làm phim thay đổi tư duy cũ kỹ trong cách thể hiện để phim tài liệu Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt khán giả.

Lưu Nhi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này