Công nghiệp nông thôn

Động lực quan trọng phát triển kinh tế địa phương

09:29 | 10/07/2015
Mục tiêu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển công nghệ nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động các ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng sản phẩm và lao động nông nghiệp. Hiệu quả từ việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong sản xuất  nông nghiệp, nông thôn thời gian qua đã khẳng định vai trò của KHCN trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM).
Phải đi tiên phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới
Hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm hàng hóa công nghiệp nông thôn

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, việc phát triển công nghiệp nông thôn chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Nhằm thực hiện tốt chỉ đạo của nhà nước trong việc ứng dụng KHKT&CN, phục vụ mục tiêu CNH, HĐH nông thôn gắn với xây dựng NTM, nhiều địa phương đã hoàn thành các chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHKT phục vụ phát triển KTXH. Trong đó tập trung vào triển khai thực hiện các dự án xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp; phát triển ngành nghề nông thôn, xử lý cung cấp nước sinh hoạt, nước thải làng nghề...

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích đất trồng trọt dành cho nông nghiệp ngày một giảm, mỗi năm có khoảng 20 vạn ha đất nông nghiệp được chuyển sang phi nông nghiệp. Vì thế, thời gian nông nhàn ngày càng tăng, tạo ra sức ép về việc làm, thu nhập cho người dân ở khu nực nông thôn. Bởi vậy, vấn đề công nghiệp nông thôn trong quá trình xây dựng NTM được nhà nước đặc biệt quan tâm, nó không chỉ phát huy tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước tham gia, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, tăng thu nhập, tạo việc làm và phân công lại thị trường lao động. Bên cạnh đó, việc phát triển công nghiệp nông thôn giúp cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào công nghiệp nông thôn có điều kiện nâng cao sức cạnh tranh…

Động lực quan trọng phát triển kinh tế địa phương
Công nghiệp nông thôn thúc đẩy chương trình NTM hiệu quả và thành công

Để thực hiện tốt việc ứng dụng công nghiệp nông thôn, việc hình thành các tổ chức, doanh nghiệp ở địa phương là hết sức quan trọng. Vì thế, việc hình thành các HTX nhằm định hướng người dân tham gia xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững, là một trong những đối tượng ưu tiên hàng đầu của phát triển công nghiệp nông thôn. HTX chính là tổ chức đại diện cho nông dân, khi tham gia vào thị trường, HTX hoạt động bình đẳng với các doanh nghiệp và như là hạt nhân phát triển, gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành nghề nông thôn theo hướng sản xuất công nghiệp và dịch vụ.

Trong quá trình đổi mới, nhiều địa phương đã có những sáng kiến, cách làm hay, phù hợp và phát huy hiệu quả. Chỉ tính riêng giai đoạn 2011- 2013 và kế hoạch năm 2014, khuyến công đã hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề cho gần 94.000 lao động; hỗ trợ xây dựng 221 mô hình trình diễn kỹ thuật, 142 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng chuyển giao công nghệ, tham gia hội chợ, triển lãm trong nước với 5.126 gian hàng tiêu chuẩn; hỗ trợ tổ chức 6 hội chợ, triển lãm và bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cho 25 cụm công nghiệp…

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các HTX tăng bình quân qua các năm là 20%, nhiều HTX đạt hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm và thu nhập cho hàng ngàn lao động. Hiện nay số HTX được hình thành ngày một nhiều, trong đó có hơn 1.000 HTX tiểu thủ công nghiệp, hoạt động ở lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, cơ khí, da, giầy...trong đó có nhiều HTX hiệu quả như: HTX Song Long (Hà Nội), HTX khai thác vận chuyển đá Mông Sơn (Yên Bái), HTX chế biến thức ăn chăn nuôi Bình Minh (Tiền Giang)…

“Việc thực hiện ứng dụng KHKT&CN gắn với xây dựng NTM, đã tạo ra sự liên kết mạnh mẽ, liên hoàn giữa đào tạo nghề, hỗ trợ đầu tư công nghệ và phát triển thị trường đối với thế mạnh của từng địa phương. Bên cạnh đó, ứng dụng KHCN vào nông nghiệp giúp giải quyết việc làm cho người lao động, tăng khả năng cạnh tranh giữa các sản phẩm, đồng thời thúc đẩy phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp và nông nghiệp, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề, tiến tới giảm bớt sự chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, đảm bảo thu nhập ổn định cho người lao động”, chuyên gia kinh tế, Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội, nhận định.

Trong những năm gần đây, công nghiệp nông thôn tuy đạt tốc độ tăng trưởng cao nhưng chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ, chưa có sự gắn kết giữa các doanh nghiệp, HTX trong vùng dẫn đến sự yếu thế của sản phẩm nông nghiệp trong nước với các sản phẩm ngoại nhập. Vì thế, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII, đại biểu Quốc hội đã biểu thông qua việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, tạo sự liên kết giữa nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và ngân hàng. Khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong nông nghiệp, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho nông, lâm, thủy sản. Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đạt Đỗ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này