Các hộ dân ở 146 Quán Thánh có thoát cảnh sống bên dòng nước thối?

09:09 | 09/07/2015
Báo Lao động Thủ đô số 29, ra ngày 7/3/2015, có bài “Các hộ dân nhà 146 Quán Thánh: Khốn khổ vì sống bên dòng nước thối” phản ánh: Gần 2 năm nay, 60 nhân khẩu ở đây phải “sống khổ” bên dòng nước thối. Sau nhiều nỗ lực của chính quyền trong việc tìm ra nguyên nhân nước cống bị ùn ứ, vừa qua, sau khi đào cống thăm dò, tổ công tác đã tìm ra “nút thắt bất thường”. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu các hộ dân nơi đây có thoát được cảnh úng ngập hay không bởi, còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết…
Các hộ dân nhà 146 Quán Thánh: Khốn khổ vì môi trường ô nhiễm

Gần 2 năm, sự cố tắc cống thoát nước khiến sân chung của các hộ dân ở 146 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội bị ngập úng, ô nhiễm, cuộc sống của các gia đình nơi đây cũng bị xáo trộn. Nguyên nhân ngập úng, theo người dân phỏng đoán, là do gia đình hộ số 5 Đặng Dung xây nhà trên cống thoát nước, dòng chảy bị ngăn, lại không thể thoát được. Từ phỏng đoán của người dân, chính quyền đã nhiều lần “cưỡng chế” đào đường để thăm dò đường cống nhằm tìm ra nguyên nhân nhưng không có kết quả.

Tại buổi họp báo tổ chức ngày 19/5/2015, ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, quận quyết định lựa chọn phương án xây đường cống mới bằng nguồn vốn ngân sách từ cuối số nhà 146 Quán Thánh ra hệ thống thoát nước chung của thành phố trên phố Quán Thánh, trước khi thoát bằng hệ thống cống trên phố Đặng Dung. Thế nhưng, phương án xây dựng đường cống mới của UBND quận Ba Đình đã không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các hộ gia đình sinh sống tại số nhà 146 Quán Thánh. Các hộ dân tiếp tục có đơn gửi các cơ quan chức năng TP. Hà Nội đề nghị kiểm tra hiện trạng, từ đó làm rõ nguyên nhân khiến hệ thống thoát nước chung của số nhà rơi vào tình trạng ứ đọng.

Các hộ dân ở 146 Quán Thánh có thoát cảnh sống bên dòng nước thối?
Tổ công tác đã tìm ra “nút thắt bất thường”.

Trước “sức ép” của dư luận và đơn thư của các hộ dân nơi đây, ngày 30/6 vừa qua, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội và Giấy phép đào đường do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấp, các cơ quan liên ngành đã huy động lực lượng và phương tiện để “định vị” khu vực tắc bất thường tại số nhà 146 Quán Thánh.

Dựa trên kết quả khảo sát, kiểm tra hiện trạng hệ thống thoát nước số nhà 146 Quán Thánh, Công ty Thoát nước và Sở Xây dựng sẽ có báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội, đồng thời xin ý kiến chỉ đạo việc xử lý tình trạng ô nhiễm, xú uế để sớm “giải cứu” các hộ dân đang sinh sống tại đây.

Theo biên bản được lập, kết khảo sát cho thấy: “Đào ga G3 trong số nhà 146 Quán Thánh (nhà hộ bà Lê Tuyết Băng, liền kề nhà số 5 Đặng Dung) đến độ sâu 0,8m gặp đường cống xây gạch cũ kết nối với cống D200 nhựa có hướng chảy vào trong nền nhà số 5 Đặng Dung. Sử dụng biện pháp thủ công kết hợp cơ giới thông tắc moi ra nhiều giẻ nút trong cống, thông từ miệng cống nhựa D200 sâu 0,8m thì tắc không thông được.

Tại vị trí hố đào trước nhà số 5 Đặng Dung (dưới đường nhựa, cách tường nhà số 5 Đặng Dung 2,4m), đào đến độ sâu 1,5m gặp đường cống bê tông cũ D300 kết nối cống D800 trên phố Đặng Dung. Tuyến cống D300 có hướng chảy qua nhà số 5 Đặng Dung. Sử dụng dàn xe cơ giới thông tắc moi ra nhiều gạch vụn trong cống. Thông từ miệng cống D300 vào sâu 6,0m thì không thông được. Vị trí tắc nằm trong nền nhà số 5 Đặng Dung...”

Việc “tìm ra nút thắt bất thường” được xem là có 50% lời giải cho vấn đề xử lý tình trạng ùn ứ nước thải ở 146 Quán Thánh. Tuy nhiên, việc xử lý cần phải tuân thủ đúng pháp luật.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhà số 5 Đặng Dung không thuộc quyền sở hữu của chị Nguyễn Thị Thu Thùy (con gái của liệt sỹ Nguyễn Quốc Thắng). Năm 2010, chị Nguyễn Thị Thu Thùy được bố mẹ chồng mua cho căn nhà số 5 Đặng Dung (tức ngõ 146 phố Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) để sinh sống.

Theo chị Thùy, ống D300 trước nhà chị là ống cống của gia đình chứ không phải của ngõ 146 Quán Thánh. Các đường cống thoát nước của thời Pháp xây dựng cách đây 1 thế kỉ đều là ống gang hoặc ống sành chứ không phải là bê tông, cốt thép như ống mới được phát lộ. Khi phát hiện cống nước, gia đình chị đã chứng minh đây là cống của nhà mình bằng cách mở van xả nước thì nước chảy, đóng van thì nước dừng. Ngay cả khi đoàn cưỡng chế dùng áp lực xục thẳng vào ống, nhưng cống phía ngõ 146 không thấy dấu hiệu gì chứng tỏ có liên kết với ống cống số 5 Đặng Dung. “Nếu kiên quyết hơn, UBND quận Ba Đình làm một đường cống thoát nước mới ra phố Quán Thánh như kế hoạch công bố ngày 19/5/2015 là hợp tình hợp lý nhất”, chị Thùy cho biết.

Cũng theo chị Thùy, không biết hướng xử lý sắp tới của chính quyền ra sao, nhưng nhất thiết phải dựa trên cơ sở pháp luật. Không nên “lạm quyền” để rồi vi phạm vào “Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở” được quy định tại điều 22 Hiến pháp.

Tuấn Trung

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này