Để chấm dứt tình trạng ném đá xe khách: Cần xử lý mạnh tay

09:51 | 07/07/2015
Những ngày qua, nhiều xe khách chạy tuyến Tây Nguyên liên tiếp bị ném đá, khiến người dân vô cùng bức xúc. Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn ảnh hưởng đến tính mạng của tài xế và hành khách, gây hoang mang dư luận. Vấn nạn đã tồn tại từ lâu và đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết triệt để. Nhiều người cho rằng các biện pháp chế tài chưa đủ mạnh, vì thế ai kêu cứ kêu, tai nạn cứ tai nạn…
Hãi hùng xe khách bị ném đá trên đường về quê ăn Tết

Trách nhiệm thuộc về ai?

Chưa hết chuyện tàu hỏa bị ném đá, thì mới đây tình trạng ném đá xe khách lại “nổi lên” khiến người dân tham gia giao thông, cũng như những cơ sở kinh doanh dịch vụ vận tải không khỏi lo lắng. Tình trạng ném đá xe khách và những câu chuyện đau lòng liên tiếp xảy ra, trở thành nỗi ám ảnh, sợ hãi thực sự.

Để chấm dứt tình trạng ném đá xe khách: Cần xử lý mạnh tay
Lái xe Phan Văn Đoàn – nạn nhân của vụ ném đá xe khách

Quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ ném đá xe khách trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum. Không ít xe khách đường dài chạy qua đây tơi tả bởi những trận “mưa đá”. Mới đây khi câu chuyện xe khách Thuận Tiến chạy hướng ĐăkMil (Đăk Nông ngày 29/6) bị ném đá, khiến tài xế Phan Văn Đoàn phải nhập viện và khâu hơn 20 mũi quanh mắt còn chưa hết bức xúc, thì ngày 1/7 vừa qua tại địa bàn huyện Đăk Tô (KonTum), tiếp tục xảy ra một vụ ném đá xe khách khiến cháu Lê Hoàng Phương Uyên (5 tuổi) bị thương phải nhập viện. Nguyên nhân do đâu mà các xe khách lại bị ném đá? Trách nhiệm thuộc về ai? Vì sao sự việc liên tiếp xảy ra mà chưa có giải pháp cụ thể? Đó đang là những câu hỏi được nhiều người đưa ra.

Anh Nguyễn Văn Cường, tài xế lái xe đường dài chạy tuyến Bắc – Nam, bức xúc cho rằng, việc xe khách bị ném đá không phải mới xảy ra mà nó tồn tại từ rất lâu. Tuy nhiên, không hiểu vì sao đến thời điểm hiện tại tình trạng này không có dấu hiệu giảm bớt mà còn gia tăng. Rất nhiều hành khách khi đi xe bị ném đá dẫn đến chấn thương đầu, hỏng mắt, gãy xương mũi… Nguy hiểm hơn, khi lái xe cũng bị ném đá, rất nhiều hành khách khác cũng bị đe dọa đến tính mạng. Để vấn đề này xảy ra lâu như vậy, thiết nghĩ cần xem lại trách nhiệm của các cấp, các ngành và của chính quyền địa phương, đặc biệt là lực lượng an ninh tại những nơi tình trạng này đang diễn ra.

Nâng cao ý thức người dân qua tuyên truyền

Liên tiếp những vụ ném đá xe khách diễn ra, không chỉ khiến các chủ xe, hành khách, mà ngay cả các nhà quản lý cũng không thể ngồi yên. Nhằm tìm ra hướng giải quyết cũng như làm rõ trách nhiệm cụ thể đối với tình trạng trên, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm ATGT 6 tháng đầu năm và giải pháp 6 tháng cuối năm vừa được tổ chức vào ngày 2/7, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, địa phương để xảy ra tình trạng ném đá xe khách vừa qua, phải báo cáo cụ thể tình hình thực tế. Đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh những đối tượng này nhằm răn đe và giáo dục…

Để chấm dứt tình trạng ném đá xe khách: Cần xử lý mạnh tay
Ném đá xe khách gây nguy hiểm đến tính mạng và sự an toàn với nhiều người

Tại Hội nghị trực tuyến, lãnh đạo các tỉnh Đăk Nông, Kon Tum đã báo cáo, tỉnh Đăk Nông trong năm 21014 đã xảy ra 9 vụ ném đá xe khách, 19 đối tượng đã bị bắt, công an tỉnh đã khởi tố 6 vụ, bắt giam 16 đối tượng, xử lý hành chính ba vụ. Vụ ném đá nghiêm trọng vào rạng sáng 29/6 vừa qua, khiến lái xe khách bị thương ở mắt, bốn hành khách trên xe cũng bị xây xát. Đến nay, công an đã bắt giam ba đối tượng gây ra vụ ném đá trên. Tỉnh Kon Tum, từ đầu năm 2015 đến nay đã xảy ra 4 vụ ném đá xe khách, mới đây nhất là vụ ném đá xảy ra ngày 1/7, công an cũng đã tạm giữ 3 đội tượng là thiếu niên…

Việc xe khách bị ném đá không phải mới xảy ra mà nó tồn tại từ rất lâu. Tuy nhiên, không hiểu vì sao đến thời điểm hiện tại tình trạng này không có dấu hiệu giảm bớt mà còn gia tăng. Rất nhiều hành khách khi đi xe bị ném đá dẫn đến chấn thương đầu, hỏng mắt, gãy xương mũi… Nguy hiểm hơn, khi lái xe cũng bị ném đá, rất nhiều hành khách khác cũng bị đe dọa đến tính mạng.

Theo số liệu từ báo cáo, nhóm đối tượng tham gia ném đá xe khách chủ yếu là thanh, thiếu niên địa phương, nguyên nhân chủ yếu vẫn là ném đá cho “vui”. Từ những nguyên nhân hết sức vặt vãnh, các thanh, thiếu niên đã gây nên nỗi ám ảnh kinh hoàng cho các nhà xe, tài xế và hành khách bởi tính mạng, tài sản của họ có thể gặp nguy hiểm bất cứ khi nào. Nhiều người cho rằng vì đối tượng ném đá là những thanh, thiếu niên ít được tiếp cận với thông tin, báo chí…thậm chí là do gia đình buông lỏng quản lý, giáo dục. Bên cạnh đó nhiều người cũng cho rằng, để vấn đề tồn tại lâu như vậy là do hình thức xử phạt chưa đủ răn đe, cần có khung hình phạt nặng hơn.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội, cho rằng, dù là thanh, thiếu niên nhưng hành vi ném đá xe khách không thể coi là hành vi tự phát mà là hành vi có chủ ý, có mục đích phá hoại. Tình trạng này xảy ra đã gây thiệt hại về kinh tế cho các doanh nghiệp và tạo tâm lý hoang mang, lo sợ với hành khách. Vì thế, để tình trạng này không còn xảy ra, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng ở địa phương, cần thiết xử lý mạnh tay để làm gương.

Đồng tình với quan điểm mà ông Liên đưa ra, Luật sư Đỗ Phương Thúy (Đoàn luật sư Hải Phòng) cho biết thêm, đối với những người ném đá vào xe khách (đủ 18 tuổi trở lên) sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu người ném đá gây thiệt hại về tài sản dưới 2 triệu đồng, không gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử phạt hành chính với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, mức phạt từ 2 – 5 triệu đồng theo điều 15, Nghị định 167/2013. Trường hợp người ném đá không chỉ với mục đích phá hủy tài sản của người khác, mà còn cố ý gây ra tai nạn thảm khốc (có người tử vong) thì hành vi của họ còn cấu thành tội “Giết người” theo Điều 93 Bộ luật Hình sự.

Luật sư Thúy cũng cho biết thêm, việc tổ chức tuần tra, bắt và xử phạt những thanh, thiếu niên ném đá chỉ giải quyết được phần ngọn. Hành vi vi phạm luật của trẻ dù nghiêm trọng nhưng lỗi không chỉ riêng các em mà còn từ nhiều phía, trong đó sự chưa quan tâm giáo dục của cha mẹ, nhà trường, đoàn thể. Cần phải có sự giáo dục một cách toàn diện, sâu rộng về văn hóa, pháp luật…để thanh, thiếu niên ý thức được sự nguy hiểm của những hành vi tưởng chừng rất nhỏ, nhưng lại rất nguy hiểm này.

Đạt Đỗ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này