Doanh nghiệp mất “tướng”, cổ phiếu lao đao

22:00 | 27/06/2015
Vai trò của người đứng đầu cùng cơ chế quản trị doanh nghiệp đang khẳng định tầm quan trọng trong đối với niềm tin của nhà đầu tư về “sức khỏe” DN.

Mức thuế mới về thép không rỉ giúp doanh nghiệp nội bớt lao đao
Thế Giới Di Động niêm yết cổ phiếu trên Sàn Giao Dịch Chứng Khoán TP.HCM
VIC: Giao dịch “khủng” bán hơn 70 triệu USD cổ phiếu cho nhà đầu tư ngoại
Doanh nghiệp mất “tướng”, cổ phiếu lao đao
Ảnh minh họa

Lãnh đạo vướng vòng lao lý, ngàn tỷ đồng vốn hóa bay hơi

Câu chuyện của CTCP Dược phẩm Viễn Đông - DVD những năm 2010-2011 vẫn là bài học khó quên đối với các NĐT thời điểm đó.

Giá cổ phiếu DVD đã lao dốc từ mức đỉnh hơn 110.000 đồng/cổ phiếu xuống còn khoảng 80.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 26/11. Đây là ngày mà Chủ tịch HĐQT Lê Văn Dũng đã bị bắt do liên quan đến hành vi thao túng giá chứng khoán. Trong suốt gần một năm, giá cổ phiếu không ngừng giảm và chỉ còn 3.500 đồng khi cổ phiếu này hủy niêm yết và trở về “mo” khi DVD tuyên bố chính thức ngừng hoạt động.

Sau giai đoạn kinh tế khó khăn, những sự vụ liên quan đến cán bộ cấp cao doanh nghiệp vướng vòng lao lý có vẻ xuất hiện với tần suất cao hơn . Hệ quả giá cổ phiếu của DN này lao đao với hàng chục phiên "đo sàn" cùng khối lượng dư bán khổng lồ.

Như trường hợp của CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC), từ khi nguyên Chủ tịch Hà Văn Thắm chính thức bị bắt giam (24/10/2014), giá cổ phiếu đã giảm từ mức 10.900 đồng xuống còn khoảng 3.000 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường của công ty này đã mất tới 2.370 tỷ đồng.

CTCP Khách sạn và Du lịch Đại Dương (OCH), một công ty khác do ông Thắm từng làm Chủ tịch HĐQT, cũng bay mất ½ giá trị vốn hóa, tương đương 2.700 tỷ đồng sau 10 phiên giao dịch gần đây. Thời gian trước, cổ phiếu OCH vẫn “nằm im” ở mức khá nhờ… không có thanh khoản!

Đến đầu tháng 6/2015, thị trường chứng khoán lại tiếp tục bất ngờ trước thông tin Chủ tịch kiêm Giám đốc Nguyễn Văn Dĩnh của CTCP Khoáng sản Na rì Hamico (KSS) bị khởi tố phục vụ điều tra liên quan đến làm giả con dấu.

Trong 12 phiên giao dịch kể từ khi KSS ra công bố chính thức, giá cổ phiếu KSS đã giảm 56,25% xuống còn 1.800 đồng/ cổ phiếu. Giá trị vốn hóa thị trường của KSS mất đi hơn 69 tỷ đồng.

Mới đây, vào ngày 21/6/2015 , từ phía CTCP Y tế Việt Nhật (JVC), thông tin chính thức về việc cựu Chủ tịch HĐQT Lê Văn Hướng bị bắt giam đã được công bố.

Chưa rõ giá cổ phiếu JVC sẽ giảm tới đâu nhưng với những tin đồn trước đó, cổ phiếu này đã đóng cửa ở mức giá sàn 10 phiên giao dịch. Từ ngày 10/6, giá cổ phiếu giảm nửa, vốn hóa của công ty giảm 1.192,5 tỷ đồng.

Một đặc điểm chung giữa các công ty trên là việc các lãnh đạo cấp cao có vai trò chủ chốt trong công ty. Đối với DVD, OGC, Chủ tịch HĐQT cùng với cá nhân/tổ chức liên quan nắm giữ số lượng cổ phần lớn của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Dĩnh, Chủ tịch HĐQT của KSS dù chỉ nắm giữ 1,94 triệu cổ phiếu KSS nhưng lại là cổ đông sáng lập, đảm nhận vị trí Chủ tịch từ năm 2002. Ông Lê Văn Hướng cũng là cổ đông sáng lập JVC, giữ chức Chủ tịch từ năm 2001 và là cổ đông lớn thứ 2.

Tương lai bất định

Sau sự ra đi của Chủ tịch công ty, OGC, KSS, JVC đến nay vẫn chưa thoát ra khỏi khủng hoảng. Điều mà các cổ đông sẽ quan tâm tới đây là phương hướng, quyết sách để tái cấu trúc.

ĐHĐCĐ thường niên 2015 của cả ba DN này đều chưa được tổ chức. KSS hai lần tổ chức Đại hội 2015 nhưng không thành. OGC cũng tổ chức Đại hội lần 1 nhưng chỉ có 12,6% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tới dự. Còn JVC do kết thúc năm tài chính vào 31/3/2015 nên thời hạn tổ chức Đại hội kéo dài tới cuối tháng 7.

Trong ba doanh nghiệp, KSS là doanh nghiệp duy nhất không có cổ đông sở hữu riêng trên 5% vốn. Nhưng nhìn vào số lượng cổ đông tới tham dự ĐHĐCĐ lần hai: 9 cá nhân đại diện cho 25,7% cổ phần, vẫn còn đó hi vọng các cổ đông nhỏ lẻ tập hợp lại đề cử cá nhân vào HĐQT để vực dậy công ty.

Đối với JVC, sau khi miễn nhiệm ông Lê Văn Hướng, công ty này đã bổ nhiệm ông Hosoro Kyohei thay thế. Ông H. Kyohei là một trong hai cá nhân đại diện cho phần vốn góp của DI Asian Industrial Fund, cổ đông lớn nhất của JVC.

Dù doanh nghiệp đã tìm kiếm được những cá nhân thay thế cho vị trí lãnh đạo chủ chốt nhưng với việc đã từng phụ thuộc quá nhiều vào một cá nhân, các công ty này sẽ còn rất nhiều việc phía trước để có thể lèo lái con thuyền vượt bão.

Với các cổ đông nhỏ thì tương lai thật bất định. Có lẽ những cổ đông này chỉ còn biết trông chờ vào may mắn, với hy vọng lãnh đạo mới vực dậy công ty, vượt qua khó khăn để giữ tài sản đầu tư của mình.

Về phía các nhà đầu tư, hãy cẩn trọng khi có ý định "bắt dao rơi" những cổ phiếu đó. Bởi đã từng có cổ phiếu biến mất vĩnh viễn khiến nhiều người mất trắng sau "vận đen" của người lãnh đạo. Cụ thể như trường hợp các cổ đông ngân hàng bị mua lại với giá 0 đồng thời gian qua.

Theo NDH

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này