Gần và xa

11:47 | 26/06/2015
 -  “Ta rất gần với biển rộng, trời cao Chỉ xa cách những gì thân thuộc nhất…”

- Gớm hôm nay vui vẻ gì mà ông thơ phú thế?

- Vui vẻ gì đâu. Ngẫm thấy tay nhà thơ nào giỏi thật. Hình như chuyện gần với cái xa vời mà xa lạ với cái gần gũi, đang trở nên hiện tượng xã hội.

- Lại bắt đầu suy diễn đấy. Dưới mắt ông cái gì chả là hiện tượng.

- Thế ông ông thấy nhiều học sinh thuộc sử Tàu hơn sử ta à?

- Thì xem phim, đọc truyện mà thuộc chứ sao.

- Vấn đề là phim ấy, truyện ấy phải hấp dẫn. Cũng khối phim ta, truyện ta sao không thuộc. Thế mới có nhiều bài thi sử đọc cười rơi nước mắt, thậm chí có câu: “Ông Thạch Sanh lấy bà Trưng Trắc làm nên cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy”, chẳng biết có đúng không?

- Chuyện vui tầm phào thôi. Nhưng tương tự, ngớ ngẩn kiểu ấy trong các bài thi sử thì ối.

- Cũng liên quan đến giáo dục, ông bạn tôi nói cậu con trai học lớp bẩy của ông đang phải học và tìm hiểu cái cây bắp biếc gì đó tận bên châu Phi. Trong khi những cây của xứ mình, rất thân thuộc như kơ-nia, tầm vông…thì mù tịt.

- Ừ nhỉ. Nếu đúng vậy thì ông sách giáo khoa của ta có vấn đề thật.

- Ông còn nhớ mình đã bàn chuyện các sân chơi tìm hiểu kiến thức, cứ bài hát tiếng Anh thí các thí sinh thuộc làu làu. Dính đến bài hát Việt, dù bài ấy rất nổi tiếng, thì y như rằng tắc tịt.

- Nhớ, nhớ chứ. Chính tôi chả phàn nàn với ông là gì. Suy như thế thì còn nhiều chuyện lắm, chẳng hạn trẻ con bây giờ thân thuộc với con rôbốt ở tận đẩu tận đâu, mà chẳng biết gì cái con rối bắng sợi chỉ, ống tre thân thuộc…

- Ông mà nói sang vấn đề bản sắc văn hóa thì có nói cả ngày không hết. Thế có đúng là gần cái xa vời mà xa cái thân thuộc không?

- Đúng quá rồi.

- Đúng thì phải làm gì đi chứ.

- Ơ hay chuyện đó ông phải nói với ông Giáo dục, ông Văn hóa chứ sao nói với tôi?

Thiện Tâm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này