Phim truyền hình dài tập: Trông người lại ngẫm đến ta

09:42 | 26/06/2015
Dài dòng, tình tiết chậm đến phát cáu nhưng nhiều khán giả vẫn không bỏ một tập nào của các bộ phim Ấn Độ kéo dài cả trăm tập, thậm chí cả nghìn tập, ví như bộ phim “Cô dâu 8 tuổi” đang phát trên kênh TodayTV. Đó là điều mà từ trước đến giờ phim truyền hình dài tập của chúng ta chưa làm được.
Lãng phí phim truyền hình
Phim truyền hình "Lời thì thầm của quá khứ"- cuốn hút từ nội dung đến hình ảnh

Thời của phim Ấn Độ

Nhắc đến điện ảnh, người xem thường nhớ đến Hàn Quốc. Những chuyện tình lãng mạn kiểu hoàng tử, lọ lem thuộc mô típ phim Hàn đã từng “làm mưa, làm gió” tại không ít các quốc gia trong đó có Việt Nam. Ăn mặc, trang điểm, gu thời trang theo phong cách diễn viên Hàn cũng trở thành trào lưu từ phim. Tuy nhiên, cái gì ăn mãi cũng chán, có lẽ vì thế mà phần đông khán giả Việt chuyển hướng quay sang “si” phim truyền hình dài tập Ấn Độ với nội dung chủ yếu xoay quanh chuyện gia đình, chuyện xã hội.

Lên sóng truyền hình Việt - kênh TodayTV, từ tháng 10/2014 vào khung giờ vàng 20h các buổi tối trong tuần, bộ phim “Cô dâu 8 tuổi” (nhan đề gốc Balika Vadhu - Kachchi Umar Ke Pakke Rishte) đang tạo được hiệu ứng không hề nhỏ từ khán giả thuộc nhiều thế hệ. Phim “Cô dâu 8 tuổi” phản ánh các khía cạnh của nạn tảo hôn - một hủ tục ăn sâu trong tiềm thức người dân Ấn Độ. Khi phim mới phát sóng tại quốc gia này, Quốc hội đã cấm chiếu. Tuy nhiên, trước sự phản đối quá lớn từ công chúng, phim được phát trở lại. Đề tài gai góc là một trong những điểm khiến phim trở thành hiện tượng với khán giả Ấn Độ cũng như các quốc gia phim phát sóng, trong đó có Việt Nam. Những tình huống éo le của những người phụ nữ trong gia đình đa thế hệ khiến người xem hồi hộp theo dõi. Cụm từ “Ôi thần linh ơi” của nhân vật chính trong phim cũng trở thành câu cửa miệng của nhiều người.

Phim truyền hình dài tập: Trông người lại ngẫm đến ta
Cô dâu 8 tuổi trước vòng vây của người hâm mộ Việt Nam

Một bộ phim khác của Ấn Độ đang trình chiếu song song với “Cô dâu 8 tuổi”, trên kênh VTV9, cũng vào khung giờ 20h hàng ngày cũng thu hút khán giả không kém, đó là phim “Vợ tôi là cảnh sát”. Nội dung phim xoay quanh những cuộc tranh cãi, đối đầu giữa mẹ chồng - nàng dâu. Được biết, “Vợ tôi là cảnh sát” tại Ấn Độ có số tập 1077 tập và được nhà sản xuất chia thành nhiều phần khác nhau để khai thác. Mới đây, bộ phim“Mối tình kỳ lạ” của Ấn Độ với số tập là 398 cũng vừa được ra mắt khán giả HTV3 từ ngày 20/5. Điều đó cho thấy, phim TH Ấn Độ đang thực sự soán ngôi và thu hút khán giả Việt, dù phim luôn mang lại cho họ cảm giác “tức anh ách”.

Vì sao ngán mà vẫn xem?

“Phim truyền hình Việt Nam hiện đang chia thành 2 mảng lớn: một là phim mang nhiều màu sắc chính trị, hai là những bộ phim xã hội hóa. Tuy nhiên những vấn đề đưa lên phim chưa thực sự đánh trúng tâm lý khán giả.

Để có một bộ phim dài tập hay, trước hết phải có một ý tưởng hay. Mỗi tập phim phải là một ý tưởng khác nhau để làm sao lôi cuốn được khán giả chờ đợi dõi theo từ tập này sang tập khác chứ không phải đưa những câu chuyện viển vông lên phim.

Chúng ta nên học cách làm phim của nước bạn ở cách kể chuyện hấp dẫn, có duyên. Điều mà phim truyền hình dài tập của chúng ta chưa làm được.” – Đạo diễn Phạm Đông Hồng cho hay.

Mặc dù nhận được sự quan tâm, yêu thích của khán giả nhưng những bộ phim dài tập của Ấn Độ cũng nhận được không ít lời chê bai của khán giả. Những tình tiết trong phim Ấn Độ quá chậm chạp từ cái nhìn, ánh mắt cho tới hành động và lời thoại của từng nhân vật khiến khán giả phát cáu. Mới đây, thông tin bộ phim “Cô dâu 8 tuổi” có độ dài gần 2.000 tập khiến khán giả choáng váng khi nghĩ đến việc phải mất khoảng thời gian trường kỳ… 3 năm nữa bộ phim mới đi đến hồi kết. Đó là điều không tưởng đối với các khán giả trẻ.

Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều ý kiến khá hài hước được khán giả bình luận về bộ phim này như: "Lúc mình mang bầu thì trong phim cũng có đứa nó mang bầu. Đến lúc mình đẻ được 2 tháng rồi mà nó vẫn chưa đẻ", “Có mỗi việc sai đứa con sang nhà hàng xóm mà hết 2 tập”, “nên chiếu một lúc liền 5 tập phim bắt đầu từ 11h đêm cho đến 4h sáng để cho nhanh hết đi.”… Thậm chí đã có người sáng tác thơ chế để chỉ trích về những cảnh quay dài vô lý, thừa thãi của bộ phim. Tất cả biểu cảm khuôn mặt của các nhân vật đều được quay cận cảnh nhiều lần khiến cho không ít người xem ức chế.

Song nghịch lý là dù rất nhiều khán giả trẻ phản ứng bộ phim này thì “Cô dâu 8 tuổi” vẫn được xem là bộ phim truyền hình gây sốt hiện nay. Lý giải về hiện tượng này, đạo diễn Phạm Đông Hồng cho rằng: Các nhà sản xuất đã phân khúc thị trường khán giả. Đó là những bà nội trợ, những người ở tuổi trung niên – những người có nhiều thời gian, dễ gây nghiện với những vấn đề về cuộc sống gia đình. Cốt truyện khai thác chủ đề đang được xã hội quan tâm. Bên cạnh đó, các diễn viên trong phim cũng diễn có cảm xúc, không bị khô cứng đặc biệt là các nhân vật chính.

Một lý do khác làm nên thành công của bộ phim, theo nhận định của nhạc sĩ Huy Hùng đó chính là âm nhạc. Phim Ấn Độ được các nhà làm phim đầu tư khá nhiều về chất lượng âm thanh. Điển hình ở bộ phim “Cô dâu 8 tuổi”, những bản nhạc phim đó được phối khí và dàn dựng không hoàn toàn trên máy mà kết hợp với những nghệ sĩ, nhạc công trình độ, họ chơi bằng nhạc cụ thật nên âm thanh vang lên rất sống động. Không chỉ riêng bộ phim này mà tất cả những phim của truyền hình các nước khác, để có được phần âm nhạc chất lượng dành cho bộ phim thì cần phải đầu tư rất nhiều về chuyên môn, đặc biệt là kinh phí.

“Nhìn vào những bộ phim truyền hình Việt Nam dài tập, một số nhà sản xuất khá “tiết kiệm” chi phí cho nhạc phim, ngoài phần nhạc chính thì những đoạn nhạc xen kẽ trong phim chưa tốt. Nếu những ai có chuyên môn về âm nhạc có thể dễ dàng nhận ra, họ nhờ người làm nhạc phim bằng một số bản nhạc được thu trên đàn Organ. Việc này có thể thu 1 lần được rất nhiều nhạc cụ cùng lúc, nên chi phí sẽ rẻ hơn rất nhiều.” – nhạc sĩ Huy Hùng nói.

“Trông người lại ngẫm đến ta”, thực tế, phim truyền hình dài tập của Việt Nam từ 100 tập trở lên không nhiều, thế nhưng các phim này đều rơi vào tình trạng “nói dai thành ra dại” khiến khán giả phát ngán, phải chuyển kênh mỗi khi phim lên sóng. Thậm chí có phim truyền hình phải chịu số phận “đứt gánh giữa đường” như bộ phim “Những người độc thân vui vẻ”. Bộ phim đã phải dừng sản xuất ở tập 171, sau 2 năm phát sóng, vì không hợp khẩu vị với khán giả. Điều đó cho thấy, một bộ phim truyền hình dài tập nếu có sự đầu tư kỹ lưỡng về ý tưởng, hình ảnh, âm thanh ánh sáng, diễn viên như của nước bạn, dù có “dai” có “chậm” nhưng vẫn chạm được đến trái tim khán giả.

Lưu Nhi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này