Cần nhân rộng phương án tiết kiệm điện năng trên đường cao tốc

09:38 | 25/06/2015
Sau gần 1 tháng triển khai phương án thí điểm giảm từ 30 đến 70% công suất chiếu sáng để tiết kiệm điện năng trên Đại lộ Thăng Long, đường 5 kéo dài, Nhật Tân – Nội Bài đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình từ phía người dân. Việc nhân rộng mô hình này vừa là mong muốn của đông đảo người dân, vừa là việc làm cấp thiết để đảm bảo an toàn giao thông và tiết kiệm điện năng.
Phát động Chương trình thi đua Gia đình tiết kiệm điện 2015
Tuyên truyền tiết kiệm điện hưởng ứng Giờ Trái đất 2014

Theo nội dung văn bản của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng, thành phố đã đồng ý chủ trương đề nghị thử nghiệm chế độ vận hành hệ thống chiếu sáng tại các tuyến đường trên theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải để đảm bảo an toàn giao thông và tiết kiệm điện năng. Cụ thể, sẽ áp dụng thử nghiệm chế độ vận hành hệ thống đèn chiếu sáng 3 tuyến đường nhằm tiết kiệm điện năng bao gồm: Đại lộ Thăng Long, từ 18h15 đến 21h vận hành 70% công suất, sau 21h vận hành 30% công suất. Thời gian thí điểm từ 25/5 đến 25/6.

Theo đó, lãnh đạo Hà Nội yêu cầu đơn vị đề xuất có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến. Sau khi thử nghiệm đánh giá hiệu quả kinh tế và công tác bảo đảm an toàn giao thông các tuyến đường trên, đề xuất, báo cáo thành phố. Hà Nội cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải thống nhất chủ trương để Sở Giao thông vận tải triển khai thực hiện.

Cần nhân rộng phương án tiết kiệm điện năng trên đường cao tốc
Cầu Nhật Tân về đêm

Trong giai đoạn thí điểm, chủ trương trên đã được đông đảo người dân ủng hộ. Anh Quang Hùng (Đông Anh) cho biết: “Theo tôi, giảm là đúng. Ban đêm nhiều đèn thấy đẹp nhưng lãng phí, xe cộ đi lại không nhiều thì không nhất thiết phải bật nhiều bóng đèn đến thế, trong khi rất nhiều nơi người dân còn thiếu điện, cắt điện luân phiên, nhất là vào mùa hè nắng nóng...”.

Đồng quan điểm, anh Vũ Phương (Mê Linh – Hà Nội) bày tỏ:“ Một đường cao tốc mà có tới 5,6 hàng điện gây lãng phí nhiều. Trong khi đó, ngay cạnh đường Nhật Tân là đầu quốc lộ 2, đoạn hay xảy ra tai nạn do hàng nghìn người lưu thông thì chẳng có nổi 1 bóng đèn”.

Hiện nay, Việt Nam có tỉ lệ điện dùng cho ánh sáng sinh hoạt chiếm tỉ lệ 41,7%. Trong khi đó tỉ lệ này ở các nước chiếm 15-23%. Vân Nam - Trung Quốc: 12-13%, Hàn Quốc: 14,4%, Đài Loan: 21,7%, Thái Lan: 22%, Ba Lan: 22,5%. Tỷ lệ điện dùng cho ánh sáng sinh hoạt cao là một yếu tố chính gây mất cân đối của hệ thống điện trong giờ cao điểm tối, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả đầu tư hệ thống điện.

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ phương án thí điểm trên, cũng có ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về an toàn giao thông khi triển khai hệ thống tiết kiệm này. Theo anh Tuấn Cường (Phạm Văn Đồng – Hà Nội), tiết kiệm điện không có nghĩa là tắt điện. Nếu ta bật 70 % công suất hoặc chỉ 30 % công suất, các tuyến đường này sẽ có đèn bật ,đèn tắt như vậy độ sáng sẽ không đồng đều, có chỗ sáng và có chỗ tối. Nếu sáng tối không đều, lái xe khi đó phải điều tiết mắt liên tục để quan sát gây mỏi mắt và phản ứng chậm.

“Chúng ta phải cân nhắc giữa số tiền kiệm điện kiểu tắt bớt đèn đường này với cái giá phải trả nếu tai nạn giao thông xảy ra do thiếu ánh sáng và độ sáng không đồng đều, đặc biệt đối với đường cao tốc, tốc độ xe chạy rất cao” – anh Cường nhấn mạnh. Anh cho rằng, giải pháp tiết kiệm điện, không gây lãng phí là dùng bóng đèn cao áp siêu sáng và bộ chấn lưu 2 công suất, khi đó tất cả các đèn đường vẫn bật để đảm bào độ sáng đồng đều. Công suất đèn giảm bớt 40% và nếu ta chấp nhận độ sáng giảm khoảng 37% hoặc thay thế bằng đèn đường LED vừa tiết kiệm điện, điều chỉnh được độ sáng theo giờ , bảo vệ môi trường và tuổi thọ cao ...

Đồng quan điểm với anh Cường, không ít người hào hứng vào cuộc để hiến kế cho các nhà quản lý như việc áp dụng công nghệ đèn LED để tiết kiệm điện, sơn phản quang 1/2 cột và vỉa chắn cũng sơn phản quang sáng phương pháp mà đã được nhiều nước tiên tiến áp dụng hay dùng phương pháp điều chỉnh độ sáng, hoặc là chạy kiểu chấn lưu kép, hoặc là đơn giản hơn là dùng 2-3 loại bóng đèn khác nhau trong cùng 1 chao, lúc nào cần sáng nhất thì bật hết, không thì tắt dần các bóng để duy trì mức tiêu thụ năng lượng tối thiểu mong muốn, như thế không bị khoảng sáng - tối không đều nhau trên dọc trục...Thậm chí khá nhiều ý kiến tích cực với phương pháp tận dụng nguồn năng lượng từ thiên nhiên như: “Trên cầu rất nhiều gió nên thắp sáng đèn bằng điện năng gió” hay đưa công nghệ sử dụng loại đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời ...

Trao đổi với Lao động Thủ đô, ông Nguyễn Quốc Khánh – Phó tổng giám đốc Công ty Đèn chiếu sáng và thiết bị cho biết, hiện chủ trương thí điểm giảm từ 30 đến 70% công suất chiếu sáng để tiết kiệm điện năng đã được áp dụng và đem lại lợi ích đáng kể. Phương án hiện đang áp dụng trên Đại lộ Thăng Long: từ 18h15 đến 21h vận hành 70% công suất, sau 21h vận hành 30% công suất là phương án tối ưu bởi ở góc độ kỹ thuật thì việc dùng năng lượng mặt trời chỉ có thể áp dụng cho đèn từ 70W trở xuống. Trong khi đó tiêu chuẩn đèn sử dụng cho đường cao tốc phải trên 70W. Vì vậy phương án này không hợp lý. Mặt khác việc sử dụng đèn LED cũng đã được chủ đầu tư lưu ý đến tuy nhiên chi phí gấp 4,5 lần bóng đèn thường nên cần có kinh phí đầu tư. Hiện tại, song song với việc giảm công suất từ 30% - 70% kết hợp với hỗ trợ từ các tấm dán phản quang...là biện pháp vừa đảm bảo an toàn lại tiết kiệm điện hiệu quả” – ông Khánh nhận định.

Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này