Xử lý nạn nói tục: Phạt thế nào?

09:21 | 23/06/2015
Việc nói tục, chửi thề đã tồn tại rất lâu trong xã hội. Điều đáng nói, thực trạng này dường như ngày càng phổ biến, ngay cả trong giới showbiz – những người có sức ảnh hưởng tới cộng đồng. Song, để điều chỉnh và loại bỏ vấn nạn này không đơn giản.
"Nữ diễn viên phụ xuất sắc" nói tục tại Quả cầu vàng 2014

Văng tục đã thành thói quen?

Nếu như trước đây, văng tục chửi thề chỉ xảy ra ở nơi chợ búa thì giờ đây, tình trạng này ngày càng trở lên phổ biến như một thói quen với cả giới tri thức, học sinh, những người nổi tiếng. Nói tục không chỉ là hành vi không đẹp mà còn ảnh hưởng tới hình ảnh người Hà Nội văn minh thanh lịch, ảnh hưởng nặng nề tới thế hệ trẻ. TS. nhà văn Lê Thị Bích Hồng - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ - Ban Tuyên giáo TW, giảng viên Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội tâm sự: “Tôi đã từng tiếp xúc với nhiều người, ngồi tại các quàn trà vỉa hè, nơi công cộng hoặc đến nhiều nơi có sinh viên. Tôi thấy buồn vì ở đấy các bạn trẻ nói bậy mà không ý thức được là đúng hay sai, có ảnh hưởng gì tới tư cách, hình ảnh của mình hay không.”

Xử lý nạn nói tục: Phạt thế nào?
Người mẫu Trang Trần từng thản nhiên "vạ miệng" ngay trên sóng truyền hình.

Thời gian qua, sự việc người mẫu, diễn viên Trang Trần chửi bới, hành hung lực lượng chức năng; hay gần đây một nữ MC truyền hình nổi tiếng công khai sử dụng những từ ngữ thiếu văn hóa khi bình luận về một số lỗi chính tả trong các chương trình của VTV trên trang cá nhân đã làm dậy sóng dư luận. Trao đổi với LĐTĐ, NSND Lan Hương cho rằng, Hà Nội ngày nay khác xưa rất nhiều. Nét thanh lịch của người Tràng An đang dần bị mất đi. Ban đầu, một từ đệm chỉ là mua vui, giờ đã trở thành một thói quen quá nặng nề. “Nếu như chỉ mang tính chất đùa cợt trong giao tiếp giữa 2,3 người với nhau thì không nói nhưng khi ở trước đám đông mà văng tục thì khó có thể chấp nhận, đặc biệt là những người nghệ sĩ, những người thi hành công vụ” – NSND Lan Hương chia sẻ.

Cần chế tài hợp lý

“Ở các nước như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc,… họ vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, và xử phạt mạnh tay với các hành vi xấu làm ảnh hướng tới xã hội. Nhưng ở Việt Nam có mạnh tay được hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của quần chúng nhân dân. Tôi nghĩ, việc khán giả quay lưng với những người nổi tiếng văng tục, chửi thề đã là bài học lên án để bản thân họ soi vào và ân hận sửa sai” , NSND Lan Hương nói.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, xem xét, có biện pháp xử lý cụ thể, nhằm hạn chế những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội. Trước đó, giữa năm 2014, UBND TP Hà Nội ban hành quy chế thực hiện kỷ cương hành chính và văn hóa công sở tại Văn phòng UBND thành phố. Quy chế này cũng có phần nội dung yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức phải có ngôn ngữ giao tiếp chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc, không nói tục, dùng tiếng lóng, quát nạt. Từ đó đến nay đã một năm, nhưng hiệu quả của quy chế này như “muối bỏ biển”.

Ông Trần Hướng Dương – Vụ phó Vụ Gia đình, Bộ VHTT&DL cho rằng, đây là một trong những việc làm có ích cho xã hội. Song khi triển khai cần phải cụ thể, trước hết phải chú trọng công tác tuyên truyền, sau đó khi đã xử phạt thì phải đạt được tính hiệu quả cao tránh trường hợp đề ra rồi để đấy gây tác động ngược với mục đích tốt đẹp của đề án đã đặt ra. Giống như việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng, tuy đã có quy định rõ ràng nhưng khi triển khai thì ai là người xử phạt, ai là người thực hiện nhiệm vụ đến nay vẫn chưa rõ ràng và chưa thực hiện được.

“Theo tôi, để thành quy định xử phạt phải có chế tài hợp lý theo từng mức độ, gây ảnh hướng đời sống xã hội đến đâu thì có hình thức xử phạt, răn đe cụ thể tới đó. Tôi lấy ví dụ, hai người ra đường gây gổ với nhau và giải quyết bằng nắm đấm, văng tục chửi bậy thì phải cần xử phạt. Nhưng đôi khi nhiều người vì tức giận bột phát đệm vào câu nói nhưng không ảnh hưởng đến ai thì nên nhắc nhở thay vì xử phạt. Ngoài ra, vi phạm nơi công cộng phải khác trên mạng xã hội. Tôi cho rằng, đây là hành động cụ thể mà chính quyền Hà Nội muốn thành phố văn minh, sạch đẹp tốt hơn trong lối sống, quan hệ ứng xử nhưng cũng đừng quá cứng nhắc trong việc xử phạt hành chính” – Ông Trần Hướng Dương nói.

Còn theo TS, nhà văn Lê Thị Bích Hồng, vấn đề ở đây là cách giáo dục. Chúng ta phải giáo dục cho con trẻ ngay trong gia đình, ngay từ lúc nhỏ chứ không phải là bây giờ đến bậc đại học rồi mới răn đe. Phải xây dựng từ nền móng. Bản thân mỗi con người, đặc biệt là người nghệ sĩ phải tự xây dựng cho mình ý thức trong giao tiếp để nói lời hay, ý đẹp. Nhưng khi mà ngay cả lời cám ơn, xin lỗi còn rất thiếu thì việc xử phạt về hành vi nói tục chỉ mang tính chất nửa vời.

Nguyễn Hoài

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này