Mạnh tay xử lý buôn bán, sản xuất thực phẩm chức năng giả

11:54 | 16/06/2015
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe, làm đẹp cũng gia tăng. Thực phẩm chức năng (TPCN) là một trong những mặt hàng đáp ứng nhu cầu trên của người tiêu dùng nhưng điều đáng lo là hiện tại, TPCN đang là một trong những sản phảm được làm giả, làm nhái nhiều.
Thu hồi thực phẩm chức năng giảm cân

Nhiều vụ buôn bán TPCN giả

Theo thông tin tố giác, Công ty Bác Lực (số 8T1, khu An Sinh, Mỹ Đình, Từ Liêm thường tổ chức các hội thảo, hội nghị tư vấn khách hàng, giới thiệu sản phẩm TPCN “Thanh tâm tạng dược ương khoa” có khả năng chữa các bệnh đau lưng, đau xương, mất ngủ. Tuy nhiên, sau một thời gian mua thuốc về uống, bệnh không giảm mà bệnh nhân còn có biểu hiện đau trở lại.

Nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, Đội Quản lý thị trường số 17 – Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã ra quyết định kiểm tra Công ty Bác Lực và phát hiện công ty đang sản xuất, kinh doanh viên nang rời thành phẩm “Thanh tâm tạng dược ương khoa” không có giấy phép của cơ quan chức năng. Qua giám định, toàn bộ sản phẩm, thực phẩm chức năng của công ty là giả.

Mạnh tay xử lý buôn bán, sản xuất thực phẩm chức năng giả
Cơ quan công an phát hiện số lượng lớn thực phẩm chức năng kém chất lượng
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong năm 2015, Cục ATTP sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và tập trung xử lý vi phạm đối với sản phẩm TPCN. Bên cạnh áp dụng chế tài và mức xử phạt khá cao như hiện nay, Cục An toàn thực phẩm sẽ áp dụng các hình phạt bổ sung như rút giấy phép, công bố công khai các sản phẩm, doanh nghiệp vi phạm trên cổng thông tin của Cục và các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo rộng rãi hơn nữa cho cộng đồng. Đồng thời, Cục sẽ đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan quản lý, như: Thanh tra Bộ Thông tin Truyền thông, các đơn vị phát hành quảng cáo, cơ quan báo chí, thông báo nội dung các sản phẩm được xác nhận thẩm định quảng cáo cũng như thông báo cả các đơn vị, sản phẩm vi phạm.

Gần đây, ngày 5/6/2015, Đội Chống hàng giả, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, CATP Hà Nội, phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường phát hiện 2 đối tượng là nhân viên Công ty TNHH đầu tư phát triển y tế và hóa chất VQTech vận chuyển 5 thùng các tông chứa thực phẩm chức năng các loại.

Tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 108 lọ thực phẩm chức năng sữa ong chúa nhãn hiệu Costar 100% Royal Jelly 1.450mg, loại 365 viên và 50 lọ thực phẩm chức năng nhau thai cừu Placentra, Vipresever, Essence baby sheep loại 100 viên không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng khám xét khẩn cấp văn phòng làm việc và kho chứa hàng của Công ty VQTech và thu giữ khoảng 20 tấn thực phẩm chức năng nghi giả, kém chất lượng và có thành phần không đúng như doanh nghiệp công bố cùng nhiều tem nhãn.

Tăng cường công tác tuyên truyền

Trao đổi với PV, thiếu tá Nguyễn Tuấn Phương, Phòng Cảnh sát môi trường, cho biết: Qua tài liệu điều tra, do nhu cầu sử dụng TPCN lớn nên tình trạng buôn bán, sản xuất hàng giả cũng gia tăng. Thủ đoạn của các đối tượng làm hàng giả rất tinh vi, các thủ tục cấp phép để sản xuất TPCN đều được thực hiện đúng trình tự. Ví như, Công ty VQTech đăng ký kinh doanh TPCN có công bố chất lượng sản phẩm tại Cục ATTP.

Luật sư Trịnh Khánh Toàn (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết để ngăn chặn, hạn chế tình trạng buôn bán, sản xuất TPCN giả đang ngày càng gia tăng, giải pháp quan trọng nhất vẫn là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đông thời xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, xử phạt tối đa theo khung hình phạt cho phép. Những vụ việc cố tình sản xuất, buôn bán hàng giả cần xử lý hình sự theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, việc phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, phát hiện sai phạm trong kinh doanh TPCN là rất quan trọng. Cơ quan thanh tra y tế, thanh tra ATTP chỉ có chức năng thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn, nên với những vụ việc có dấu hiệu tội phạm, tổ chức sản xuất, buôn bán hàng giả liên tỉnh phải có cơ quan điều tra có nghiệp vụ và chức năng điều tra.

Tuy nhiên, khi bán ra thị trường, công ty này bán loại TPCN khác với sản phẩm đã được cấp phép. Để thực hiện hành vi trên, Công ty VQTech đặt hàng gia công lọ thuốc, tem nhãn và viên thuốc giống với mẫu mã Công ty TNHH dịch vụ Hạnh Phúc (đơn vị nhập khẩu độc quyền và phân phối sản phẩm sữa ong chúa Costar 100% Royal Jelly 1.450mg). Khi khách hàng có nhu cầu đặt mua, nhân viên công ty sẽ dán tem nhãn giả của nước ngoài, tem chống hàng giả...

Đáng lo ngại hơn, TPCN giả do Công ty VQTech sản xuất được bán công khai tại 7 quầy thuốc trong Trung tâm phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế Hapu (số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân). “Người tiêu dùng rất khó khăn trong việc phân biệt TPCN giả vì họ chỉ phân biệt được thông qua tem nhãn của sản phẩm. Đồng thời, do bao bì TPCN làm giả được nhái quá giống với hàng thật nên chỉ có người sản xuất ra loại TPCN ấy mới nhận biết được thật giả. Do vậy, việc bày bán công khai TPCN giả tại các quầy thuốc có 2 nguyên nhân là do người bán kém hiểu biết hoặc họ cũng là đối tượng bị hại như người tiêu dùng”. Ông Phương nhấn mạnh, hiện nay biện pháp đấu tranh để chống lại việc kinh doanh, sản xuất TPCN giả chủ yếu là tăng cường công tác tuyên truyền để người dân biết đâu là hàng chính hãng và đơn vị nào được cấp phép sản xuất, phân phối mặt hàng đó.

Hoàng Duy – Lại Quang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này