Chuyện hạt thóc,con gà...

21:45 | 12/06/2015
- Bác thấy sáng nay Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trả lời thế nào?  

- Nhìn chung là vẫn chung chung!

- Vậy theo bác phải trả lời thế nào mới thỏa đáng?

- Tớ không am hiểu về nông dân, nông nghiệp nhưng tớ đồng tình với một số chất vấn của ĐBQH mà theo tớ là trúng và đúng , nhưng phần lớn những câu hỏi đều chưa được giải quyết triệt để.

-Ví dụ?

-Có đại biểu đặt câu hỏi: “Xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới có ý nghĩa gì khi người nông dân trồng lúa vẫn có thu nhập thấp và vẫn là người thiệt thòi nhất trong chuỗi giá trị? Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết để một hộ trồng lúa sống bằng lúa thì phải có diện tích ít nhất 2 ha.

-Như vậy là phải làm sao để các hộ nông dân có đủ đất canh tác. Vấn đề này không chỉ Bộ NN&PTNN giải quyết được mà cần phải có chính sách của Nhà nước.

-Đúng vậy. Hay như câu hỏi về đầu ra của nông sản: Nông dân ta làm khâu nguyên liệu giỏi nhưng chế biến hạn chế, chủ yếu bán nguyên liệu thô, giá không cao. Cho nên chế biến, tiêu thụ phải dựa vào DN. Bộ trưởng cũng chỉ biết kêu gọi các DN, các nhà khoa học đi đâu thấy giống tôt, mô hình hay thì đem về Việt Nam.

-Như vậy là thụ động bác nhể? Em được biết ngành NN&PTNT có hàng ngàn nhà khoa học, vậy vì sao không tự phát huy mà phải kêu gọi. Điều này cho thấy bản thân Bộ NN&PTNN cần có hoạch định về bao tiêu nông sản và các nhà khoa học làm gì khi bà con nông dân vẫn phải tự mày mò đầu vào, đầu ra.

-Chú nói vậy cũng đúng, nhưng chú cũng phải thông cảm cái quy luật giữa thực tế và lý thuyết là khoảng cách xa.

-Theo ý bác là nghiều công trình nghiên cứu hoặc còn nằm trên giấy, hoặc thực hiện không thành công?

-Tớ đã nói là chú thông cảm mà!

-Vâng tạm gác chuyện này. Em cứ nghĩ chỉ có cái xe cà tàng của em phải chịu mười mấy loại phí, hôm nay em mới biết 1kg thịt gà cũng phải chịu 14 loại phí?

-Về chuyện này Bộ trưởng đã nói rõ rồi, những loại phí này là theo luật pháp hiện hành. “Ngay luật pháp có bất hợp lí phải sửa. Ví dụ như việc thu phí thu theo từng quả trứng tôi không đồng ý mà theo tôi nên thu tại nơi xuất phát một lần”. Vậy nên để giải quyết vấn đề cần có một chính sách nhất quán từ Nhà nước.

-Vâng, thế em hỏi bác, vấn đề hạn hán có thuộc trách nhiệm của Bộ NN&PTNT không?

-Thuộc quá đi chứ, thủy lợi mà.

-Em lại hỏi bác, nước ta với hệ thống sông ngòi chằng chịt sao lại phải chị hạn hán đến mức cây trồng, gia súc chết hàng loạt do hạn hán, “nóng” nhất đang ở Ninh Thuận đấy thôi?

-Câu hỏi này đáng nhẽ chú phải chất vấn Bộ trưởng NN&PTNN, chứ hỏi tớ tớ chỉ biết trả lời chung chung là công tác thủy lợi còn nhiều bất cập.

-Theo em biết Ít xờ ra en là đất nước khan hiếm nguồn tài nguyên nước, nhưng họ biết tạo nên hệ thống thủy lợi với quy trình khai thác bài bản nên nguồn nước cho nông nghiệp rất phong phú.

-Chú nói mấy anh thủy lợi nhà ta theo học họ xem sao?

-Vâng, trước mắt cứ giải quyết chuyện hạt thóc, con gà đã bác nhể. Chào bác!

Thiện Tâm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này