Sông hồ thành bãi tắm, lắm nỗi lo

10:50 | 11/06/2015
Thời điểm nắng nóng kéo dài, hàng chục hồ trên địa bàn Hà Nội đã trở thành bể bơi của nhiều người. Điều đáng nói, hiện chưa có chế tài xử phạt việc tắm ở nơi công cộng, trong khi đó nhiều người dân lại phớt lờ trước mọi khuyến cáo của chính quyền địa phương.
“Bãi tắm” tự phát ở Hồ Tây: Nguy hiểm rình rập
Hà Nội nóng 40 độ C, hồ nước thành bãi tắm

Tử thần rình rập

Khu vực hồ Tây, hồ Linh Đàm, thậm chí bãi giữa sông Hồng từ nhiều năm nay được coi là bãi tắm lý tưởng cho nhiều người khi vào mùa nắng nóng. Đặc biệt, trong thời gian nghỉ hè, số lượng trẻ đến đây tắm tăng lên chóng mặt.

Tại khu vực phường Quảng An – Tây Hồ, khi được hỏi, nhiều người nói thường xuyên cho con ra hồ Tây tập bơi. Anh Vũ Quang, ngõ 431 (phố Lạc Long Quân) cho biết: Từ hôm các con nghỉ hè, chiều nào tôi cũng dắt 2 cháu ra hồ Tây tập bơi. Do mực nước khu vực này tương đối thấp, chỉ cần trang bị áo phao bơi cho con là có thể vô tư ngụp lặn.

Còn tại hồ Linh Đàm, mặc dù có biển báo hố sâu, cấm tắm nhưng không ít người vẫn phớt lờ, vô tư vùng vẫy để giải nhiệt. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh còn cho rằng, để con đi bơi một mình thì mới sợ đuối nước, có người lớn đi kèm thì sẽ không vấn đề gì.

Sông hồ thành bãi tắm, lắm nỗi lo
Nhiều trẻ nhỏ được bố mẹ đưa đến hồ Linh Đàm để tắm giải nhiệt

Ngay những ngày đầu tháng 6, chị Nguyễn Thị M trú tại tổ 38 phường Ngọc Thụy, Long Biên đã mất tích khi đi tắm tại bãi sông Hồng, ngày 4/6 vừa qua, một người đàn ông khoảng 35 tuổi, sống tại một chung cư ở Linh Đàm, quận Hoàng Mai ra hồ Linh Đàm tắm và mất tích. Sau đó, người này được xác định đã chết đuối tại hồ Linh Đàm.

Qua thực tế của phóng viên, hầu hết tại những nơi người dân đến tắm, chính quyền địa phương đều cắm biển báo hồ sâu, cấm tắm. Điều đáng lo ngại là không ít những em nhỏ hiếu động còn trốn nhà ra sông, hồ để thỏa thích bì bõm. Thực trạng này thực sự gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự quan tâm, quản lý của các bậc phụ huynh đối với con em mình. Bà Đỗ Thị Mùi bán nước mía khu vực hồ Linh Đàm cho biết: “Nhiều người xuống hồ tắm để xe máy, quần áo, túi ví... trên bờ bị mất đồ mà không biết kêu ai”.

Theo Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương của Trường Đại học Y tế công cộng, đuối nước là nguyên nhân tử vong hàng đầu cho trẻ từ 0 – 18 tuổi với tỷ suất 8,1/100.000 (hơn 3000 trẻ mỗi năm). Trong đó, trẻ từ 0-4 tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất 1.251 nạn nhân/năm, sau đó là nhóm 5-9 tuổi: 870 nạn nhân/năm.

Chưa có chế tài xử phạt

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Toàn Thương, Phó chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt, thừa nhận: “Thời gian gần đây, có hiện tượng người dân tập trung đông ở hồ Linh Đàm để bơi lội. Nhất là những ngày nắng nóng, số lượng người đến hồ càng tăng. Ngày 24/5, chúng tôi đã ban hành tới 3 văn bản thông báo về việc phòng ngừa nguy cơ tai nạn do người dân bơi lội tự phát tại hồ Linh Đàm. UBND phường đã giao cho các tổ dân phố tuyên truyền, vận động nhân dân và trẻ em trong phường không tập trung bơi, tắm ở khu vực này để đảm bảo an toàn phòng chống đuối nước”.

Cũng theo ông Thương, mặc dù hồ Linh Đàm hiện đang do Ban quản lý dự án thoát nước, Sở Xây dựng, tiến hành đầu tư cải tạo và vẫn chưa bàn giao cho địa phương quản lý nhưng chính quyền địa phương đã có sự chủ động phối hợp với các đơn vị thi công, yêu cầu cắm thêm hàng loạt biển cảnh báo. Tuy nhiên, do nhiều người thiếu ý thức, nên vẫn xảy ra tình trạng khuất bóng cán bộ quản lý là lại nhào xuống nước để vùng vẫy.

Hiện tại chưa có chế tài để xử phạt người đi tắm ở nơi công cộng nên việc hạn chế những tai nạn chủ yếu phụ thuộc vào công tác tuyên truyền và ý thức tự giác của người dân.

Cách sơ cứu đuối nước Nếu thấy người bị đuối nước cần kêu gọi mọi người cùng giúp sức để đưa người đuối nước lên bờ càng nhanh càng tốt. Khi đưa người đuối nước lên bờ, cần tát vào má nạn nhân vài cái để gây phản xạ hồi tỉnh. Ngay sau đó, cần nhanh chóng đưa nạn nhân lên bờ hay lên thuyền, đặt nạn nhân đầu nghiêng sang một bên cho nước trong miệng, họng, phổi chảy ra. Cởi quần áo ướt của nạn nhân rồi hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt càng nhanh càng tốt (nếu có người khác hỗ trợ thì càng thuận lợi). Dùng hai ngón tay (ngón cái và ngón trỏ) bịt mũi nạn nhân và hà hơi trực tiếp vào miệng, đồng thời dùng gạc, khăn móc hết đờm, dãi trong mồm để khai thông đường thở.

Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này