Thi THPT quốc gia: Thi thử lo thật

12:54 | 09/06/2015
Trước những thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia lần đầu đổi mới, nhiều phụ huynh, học sinh đang đứng ngồi không yên khi thấy kết quả thi thử, tỷ lệ học sinh làm bài đạt yêu cầu thấp. Dẫu biết rằng đó chỉ là thi thử nhưng mối lo sẽ trở thành hiện thực khi còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến kỳ thi chính thức.
Học sinh nhiều trường ở TP HCM rớt 50% kỳ thi thử THPT quốc gia

Gần 50% học sinh không đạt yêu cầu

Với mục đích giúp học sinh tập dượt, làm quen với đề thi, phòng thi, một số địa phương đã tổ chức thi thử với bộ đề thi tương tự bộ đề thi minh họa (Bộ GD-ĐT đã ban hành) cho kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên sẽ diễn ra vào đầu tháng tới. Thế nhưng, kết quả khá bất ngờ khi điểm thi thử công bố cho thấy có nơi tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT không quá 50%.

Tại TP.HCM, kết quả kỳ thi thử THPT quốc gia của 150 trường THPT do Sở GD-ĐT TP HCM tổ chức với cả 8 môn (Trong đó, Vật lý, Sinh, Hóa thi theo hình thức trắc nghiệm. Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận, riêng môn ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm) cho thấy số học sinh không đạt điểm tốt nghiệp khá cao. Một số trường ở top giữa và top cuối, số học sinh bị điểm liệt môn toán lên đến... gần một nửa, số học sinh có tổng điểm 4 môn đủ để đỗ tốt nghiệp chỉ trên 30%. Thậm chí, một trường THPT tại Củ Chi, tổng điểm 4 môn đủ để đậu tốt nghiệp chỉ đạt 30%. Còn một trường THPT tại quận Tân Bình có đến 45% học sinh rớt thi thử, điểm liệt chiếm hơn 30%. Trong khi đó, theo đánh giá của giáo viên TP HCM, đề thi thử của Sở GD-ĐT TP.HCM đưa ra bám sát với chương trình học nhưng đối với học sinh có học lực trung bình thì đạt 4-5 điểm là khó.

Thi THPT quốc gia: Thi thử lo thật
Ảnh minh họa

Còn theo Sở GD- ĐT Quảng Ngãi, kết quả thi thử cho hơn 16.600 học sinh của tỉnh này cho thấy có tới 60% không đủ điểm trung bình, chủ yếu rơi vào 3 môn thi bắt buộc là Toán, Văn và ngoại ngữ. Đơn cử như Trường THPT Tây Trà, trong số 138 HS lớp 12 dự thi ở môn toán, HS có điểm cao nhất là 1,5 điểm, hơn 50% bị điểm 0. Trung tâm GDTX Tây Trà và Trường THPT Tây Trà có tỷ lệ đạt điểm trung bình là 0%. Hay như theo website của Trường THPT Trần Văn Bảy (huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng), trường có 466 học sinh thì có 239 học sinh có kết quả “H” - tức là hỏng thi. Trong số các môn thi, môn có số học sinh bị điểm liệt cao nhất là môn Toán với 170 em, có nhiều em bị điểm 0, số học sinh điểm 0,25 cũng nhiều.

Kết quả thi thử cũng khiến nhiều người phải băn khoăn, lo lắng về chất lượng dạy và học. Liệu có tình trạng học sinh trượt tốt nghiệp hàng loạt nếu đề thi trong kỳ thi thật sắp tới có độ khó tương đương với đề thi thử ở một số địa phương đã ra. Bởi thời gian đến khi kỳ thi thật chưa còn đầy 1 tháng và giờ này kiến thức của 12 năm học đã phải ổn định ở trong đầu của các sĩ tử và đang được hệ thống lại kiến thức chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào 1 tháng ôn luyện nước rút sắp tới.

Tại Hà Nội, năm nay Sở GD-ĐT Hà Nội không tổ chức thi thử nhưng cho phép các trường tự tổ chức thi thử. Đến thời điểm này, nhiều trường đã tổ chức nhiều đợt thi thử cho học sinh, tuy nhiên không phải trường nào cũng đủ khả năng ra một đề thi tương ứng với đề thi thật. Được đánh giá là đề thi tương tự như đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT khi bám sát chương trình phổ thông, có đủ độ dễ - khó để đảm bảo phân loại năng lực học tập của thí sinh, song kết quả thi của Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) - một trường có nhiều học sinh khá giỏi, qua tổ chức 3 đợt thi thử cho học sinh lớp 12 cũng cho thấy chỉ trên 50% học sinh có điểm thi trên trung bình.

Liệu có lo lắng quá ?

Nhìn vào những con số được đưa ra về tỷ lệ thí sinh đạt điểm dưới trung bình nhiều như vậy, nhiều chuyên gia tuyển sinh, hiệu trưởng cho rằng đây không phải là căn cứ đủ để có thể đánh giá chất lượng học sinh hay độ khó dễ của đề. Bởi do các em chưa làm bài hết sức vì nghĩ đó là thi thử và thời điểm tổ chức thi thử (như TP HCM là giữa tháng 5) lúc học sinh chưa có thời gian ôn tập. Hay việc để các trường tự làm đề thi thử (do giáo viên nhà trường tự xây dựng) sẽ rơi vào tình trạng hoặc quá khó hoặc quá dễ so với đề thi thật. Hoặc điều kiện xét tốt nghiệp cho học sinh không chỉ dựa vào điểm trung bình 4 môn thi mà còn tính cả điểm trung bình của học sinh trong năm lớp 12…

Song kết quả thi thử cũng khiến nhiều người phải băn khoăn, lo lắng về chất lượng dạy và học. Liệu có tình trạng học sinh trượt tốt nghiệp hàng loạt nếu đề thi trong kỳ thi thật sắp tới có độ khó tương đương với đề thi thử ở một số địa phương đã ra. Bởi thời gian đến khi kỳ thi thật chưa còn đầy 1 tháng và giờ này kiến thức của 12 năm học đã phải ổn định ở trong đầu của học sinh và đang được hệ thống lại kiến thức. Chưa kể, với mục đích của kỳ thi “2 trong 1” (tức vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét vào ĐH,CĐ) nên đề thi chắc chắn có độ phân hóa với độ dễ - khó khác nhau. Do đó, xem ra những lo lắng về kết quả kỳ thi như trên là hoàn toàn có cơ sở. Nói như ông Nguyễn Minh Trí, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, đây là kỳ thi thử, không chịu nhiều áp lực thành tích nên nó đã phản ánh đúng thực chất học lực của học sinh. "Từ thực tế này ngành giáo dục sớm có giải pháp bồi dưỡng phù hợp cho học sinh cho kỳ thi sắp tới", ông Trí đề nghị.

Chia sẻ về thông tin kết quả thi thử ở một số địa phương, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, dựa trên những ý kiến phản hồi về đề thi minh họa, trên tinh thần tiếp thu nghiêm túc ý kiến góp ý của các nhà khoa học, nhà giáo dục và nhà trường, Cục đã phân tích chi tiết cụ thể để chỉnh sửa đề thi tạo thuận lợi cho thí sinh. Bộ GD&ĐT đã quyết định sẽ không trộn lẫn câu hỏi dễ, khó trong đề thi mà phân định rõ ràng để tạo điều kiện cho thí sinh. Cụ thể, cấu trúc đề thi gồm khối câu hỏi cơ bản và khối câu hỏi nâng cao được tách riêng .

Bảo Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này