Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc: Dễ gánh “án oan”

09:38 | 09/06/2015
Vừa qua, Bộ LĐTB&XH phối hợp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu và đưa ra Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nội dung này chưa phù hợp với thực tế và khả năng thực thi không cao.
Việt Nam đã có bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc
Lễ ký kết “Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc”

Dân công sở “kêu trời”

Theo Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc, không chỉ các hành vi mang tính thể chất như cơ thể khiêu khích, cái nhìn gợi tình... mà còn bao gồm những hành vi QRTD bằng lời nói như những câu chuyện cười gợi ý về tình dục, nhận xét về trang phục hay cơ thể một người nào đó... Về nội dung bộ quy tắc này, có nhiều quan điểm trái chiều nhau. Tuy nhiên phổ biến vẫn là những ý kiến cho rằng nội dung cứng nhắc, nhiều chỗ còn chưa rõ ràng, dễ dẫn đến những quy kết không phù hợp với hoàn cảnh.

Anh Nguyễn Việt Tú, nhân viên kinh doanh (Công ty cổ phần thương mại Hải Việt – Mỹ Đình) băn khoăn: “Nếu xét theo nội dung của bản quy tắc thì việc trêu đùa nhau giữa những người đã có gia đình tại nơi làm việc với những nội dung liên quan đến những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể thường được gọi vui là “lộ hàng” cũng bị coi là phạm quy. Do tính chất công việc khá áp lực nên mọi người trong công ty đều coi đó là những trò đùa giúp bầu không khí nơi công sở bớt căng thẳng, kéo mọi người lại gần nhau hơn...”.

Còn anh Phạm Việt Phương – nhân viên IT chia sẻ: “Nếu chiếu theo nội dung bản quy tắc thì bản thân tôi cũng đã vi phạm nhiều lần rồi. Có thể nội dung nghiêm túc một cách thái quá này sẽ phù hợp với các cơ quan nhà nước hơn là môi trường làm việc tư nhân như chúng tôi...”.

Chia sẻ về nội dung bản quy tắc, ông Hà Đình Bốn, vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: “Để khuyến khích người lao động và người sử dụng lao động cùng phối hợp tạo ra môi trường làm việc lành mạnh và an toàn, bộ quy tắc đưa ra một số biện pháp phòng chống QRTD tại nơi làm việc. Trong đó nhấn mạnh đến việc bảo vệ danh tính của các bên liên quan - vấn đề được biết đến như là trở ngại lớn nhất khiến phần lớn những người bị QRTD ngần ngại không dám lên tiếng tố cáo”.

Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc: Dễ gánh “án oan”

Nạn QRTD hiện đang là thực trạng phổ biến tại các công sở.

Ảnh minh họa.

Trong khi đó, không ít người lại cho rằng, bản quy tắc quá chú trọng vào liệt kê những hành vi QRTD mà vẫn còn lúng túng trong việc đưa ra những biện pháp cho người bị quấy rối thì chưa rõ ràng và quyết liệt. Chị Mỹ Anh – nhân viên của một công ty truyền thông chia sẻ: “Do tính chất công việc của mình là thường xuyên phải gặp khách hàng để đàm phán, ký hợp đồng quảng cáo cho công ty. Nhiều đối tác hẹn mình đi cafe để trao đổi công việc nhưng lại được đưa đẩy sang những nội dung nhạy cảm khác như tình ban trưa, tình một đêm...thì việc ký kết hợp đồng mới thuận lợi hơn...”. Đối với những trường hợp như thế thì chúng tôi mong muốn có chế tài xử phạt nghiêm minh. Còn việc kêu gọi sự tự nguyện cũng như một vài biện pháp tự phòng vệ một cách đơn giản thì hiệu quả sẽ không cao...”.

Quan trọng vẫn là giáo dục ý thức cộng đồng

PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng:

“Việc công ty, doanh nghiệp... đưa ra những quy tắc là một hình thức nhắc nhở mọi người về một hiện tượng có thực, cần được quan tâm là một cách làm hay. Nó giống như hương ước ở các làng xã thời xưa. Tuy nhiên về nội dung, cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với yếu tố tập quán, văn hóa của Việt Nam, tránh hình thức mà hiệu quả lại không được như mong muốn. Quan trọng nhất vẫn là sự giáo dục ý thức trong cộng đồng, đặc biệt chú trọng đặt vào địa vị người phụ nữ để cho họ ý thức được quyền của mình để từ đó có sự phản ứng thích hợp hơn là thái độ im lặng, cam chịu như hiện nay...”.

Cần kiện toàn hành lang pháp lý

Theo ông Hà Đình Bốn, bộ quy tắc được áp dụng cho các doanh nghiệp, không kể quy mô. Thuật ngữ "nơi làm việc" không chỉ bao hàm những địa điểm cụ thể như văn phòng hay nhà máy, mà còn là những địa điểm khác có liên quan đến công việc như các hội thảo, tập huấn, công tác chính thức... “Bộ quy tắc này không phải là luật, đây được coi là nguồn tài liệu tham khảo, hướng dẫn cách ứng xử tại nơi làm việc được áp dụng cho tất cả doanh nghiệp” – ông Bốn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trên thực tế, ở góc độ quản lý tại các doanh nghiệp, nhiều người lại cho rằng việc thực hiện theo bộ quy tắc không giải quyết được gì mà trái lại còn tạo thêm áp lực cho các doanh nghiệp. Ông Trần Hữu – Phó giám đốc Công ty cổ phần xây dựng SHD cho biết: “Hiện tại nhiều công ty đều ban hành nội quy riêng phù hợp với tính chất hoạt động. Trong bản nội quy đó đã bao gồm những quy định về văn hóa ứng xử nhằm xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh. Vì thế, nếu “gánh” thêm một bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc thì vô hình, lại tạo áp lực căng thẳng lên nhân viên trong công ty, bởi cứ phải cảnh giác, dè chừng...từng hành động đến lời ăn tiếng nói”.

Luật sư Vi Văn Diện – văn phòng luật Thiên Minh - cho biết, bộ quy tắc được coi là một văn bản “hướng dẫn cách ứng xử tại nơi làm việc”, dựa trên cơ sở kêu gọi sự tự giác . Đây chưa phải là một văn bản luật, có thể quy định bắt buộc thực hiện đối với mọi đối tượng nên chưa có chế tài cụ thể nên khả năng thực thi thì hiệu quả cũng không cao. Trong khi đó muốn kiện ra tòa thì thủ tục đi kèm rất phức tạp, cụ thể nạn nhân phải có đầy đủ bằng chứng như: quay phim, chụp ảnh...Vì thế nhiều nạn nhân đành im lặng hoặc tặc lưỡi cho qua.

“Trên thực tế Bộ luật Lao động năm 2012 đã quy định hành vi QRTD tại nơi làm việc là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật cũng như các văn bản hướng dẫn thực thi đều vấp phải một điểm chung là chưa cụ thể, chung chung trong việc đưa ra các tiêu chí, dấu hiệu để nhận diện hành vi nào là QRTD. Vì thế nên kiện toàn lại hành lang pháp lý để bảo vệ cho người lao động với những chế tài xử phạt rõ ràng. Bên cạnh đó việc tuyên truyền để người lao động nắm rõ luật để tự bảo vệ mình sẽ phù hợp hơn” – luật sư Diện cho biết.

Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này