Miệt mài lao động trong nắng nóng

05:49 | 06/06/2015
Những ngày qua, Hà Nội và một số thành phố ở phía Bắc chìm trong “lò lửa” do nắng nóng gay gắt. Tuy nhiên, do cuộc sống mưu sinh và đặc thù công việc, nhiều người lao động tự do, công nhân một số ngành nghề vẫn phải phơi mình giữa trời nắng nóng trên 40 độ C để làm việc. 
Người lao động vật vã trong nắng nóng ngày hè
Hai trường hợp hôn mê sâu do biến chứng của say nắng
Thợ điện Thủ đô “oằn mình” dưới nắng lửa

1h trưa một ngày cuối tháng 5, thời tiết đang ở mức nóng đỉnh điểm, phố chợ 8-3 thuộc phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng vắng bóng người, nhưng anh Nguyễn Văn Quý và Phạm Văn Tùng- hai lao động tự do, quê ở Thanh Hóa vẫn chăm chỉ, cần mẫn với công việc vận chuyển đồ đạc của mình. Khệ nệ khiêng từng chiếc tủ lạnh, máy giặt, giường tủ từ xe ô tô tải đỗ dưới đường lên một căn phòng ở tầng 4, gương mặt và lưng áo hai anh ướt đầm mồ hôi.

Anh Quý cho biết, hai anh nhận làm bốc vác đồ đạc cho một gia đình chuyển nhà với tiền công là 200 ngàn/ người. Do khu này là nơi họp chợ dân sinh nên phải tranh thủ làm việc lúc buổi trưa đường vắng mới có chỗ để đỗ xe tải. "Toàn là đồ đạc nặng, lại phải vận chuyển lên tận tầng cao, trong điều kiện thời tiết bình thường đã mệt, trời nắng nóng như thế này, tốn sức quá"- anh Quý nói.

Còn anh Tùng chia sẻ thêm: "Thấy chúng tôi làm việc vất vả, chủ nhà thương nên mua cho bia, nước ngọt, kem để ăn nhưng thực tình lúc này chúng tôi chỉ thèm nước lạnh, chúng tôi uống không biết bao nhiêu là nước rồi, càng uống nước nhiều càng nhiều mồ hôi". Vất vả cực nhọc là thế, nhưng cả hai anh đều bộc bạch: "Chúng tôi lao động chân tay, quen với nắng mưa rồi, nắng thế này chứ nắng hơn nữa, có việc là chúng tôi vẫn làm, không có ai thuê mướn mới là điều đáng sợ".

Miệt mài lao động trong nắng nóng
Công nhân thi công đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông

Nếu những lao động tự do ở ngoại tỉnh sẵn sàng phơi mình dưới nắng để mưu sinh, thì không ít CNLĐ của một số ngành nghề dịch vụ dù không áp lực về tiền bạc nhưng cũng vẫn sẵn lòng làm việc dưới chảo lửa mùa hè vì nhiệm vụ chung. Chẳng hạn như công nhân ngành điện lực. Mặc dù EVN HANOI đã hoãn toàn bộ các lịch cắt điện cao, trung, hạ thế từ ngày 26/5/2015 đến hết ngày 15/7/2015 tuy nhiên với nhu cầu dùng điện quá nhiều của người dân trong những ngày nắng nóng nên cũng không tránh khỏi các trường hợp sự cố đột xuất, bất thường trên lưới điện, các hạng mục bắt buộc phải cắt điện xử lý để thi công các công trình cấp bách phục vụ chống quá tải hè 2015.

Một buổi trưa đầu tháng 6, thợ điện Trần Bình Nguyên- Đội quản lý khách hàng trạm chuyên dùng Công ty Điện lực Hoàng Mai vẫn miệt mài sửa chữa lại đường dây điện cho một gia đình khách hàng tại ngõ 173 Tam Trinh. Anh chia sẻ: "Từ đầu tháng 5 đến giờ, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhà nào cũng dùng điều hòa, quạt điện và nhiều thiết bị làm mát khác nên nhiều lúc bị mất điện vì nhảy Aptomat của trạm biến áp do quá tải, có những nhà dân còn bị cháy Aptomat trong nhà".

Uống hết cốc trà đá mà khách hàng mang tới một cách ngon lành, anh nói tiếp: "Nhiều hôm vừa ăn được miếng cơm, nhận được tin báo của khách hàng, tôi lại lập tức lên đường. Tuy công việc vất vả, nhiều lúc phải phơi mình ngoài trời nắng hàng tiếng đồng hồ, nhưng mỗi khi xong việc, khi có điện trở lại, bà con nhân dân vui mừng tôi cũng thấy vui lây. Như lúc này, được uống cốc nước của bà con, tôi thấy mát lòng mát dạ vô cùng. Thợ điện bây giờ là niềm tin của khách hàng rồi".

Còn chị Đồng Thị Hải Yến ở ngõ 82 phố Ô Cách, phường Đức Giang, quận Long Biên thì xúc động kể: "12 giờ trưa, đang lúc nắng nóng nhất tôi đi làm về thì thấy mấy anh thợ điện thuộc điện lực Long Biên vẫn đang chăm chỉ làm việc để thay thế dọn dẹp lại đường dây điện và cột điện đã cũ cho đường đi được rộng rãi. Hình ảnh ấy khiến tôi cảm động quá, đúng là hình ảnh đẹp về những người thợ điện".

Miệt mài lao động trong nắng nóng
Chị Trần Lệ Thu bịt kín mít để đi làm

Thường xuyên làm việc vào giờ cao điểm, bất kể trời nắng nóng hay mưa rét cũng là công việc của chị Trần Lệ Thu- cộng tác viên kênh VOV giao thông (Đài tiếng nói Việt Nam). Chị Lệ Thu chia sẻ: "Công việc của chúng tôi là bám ở các đoạn đường, các nút giao thông trọng điểm vào các giờ cao điểm: sáng, trưa, chiều tối để thông tin về tình hình giao thông về cho tổng đài, giúp tổng đài điều tiết giao thông. Buổi sáng và buổi chiều tối thì còn đỡ, sợ nhất là vào các giờ cao điểm buổi trưa trong thời tiết nắng nóng như mấy hôm vừa rồi. Mặc dù đã trang bị khẩu trang kín mít, mặc áo chống nắng đầy đủ mà nhiều lúc tôi vẫn cảm thấy ngộp thở". Vất vả như vậy nhưng chị Thu vẫn vui vẻ: "Nhờ những thông tin mà chúng tôi cung cấp, người tham gia giao thông có thể biết về tình hình giao thông trên đường để kịp thời điều chỉnh hướng đi, điều tiết được giao thông. Đó là những công việc hữu ích nên dù vất vả, tôi vẫn thấy rất vui và sẽ luôn cố gắng làm tốt công việc được giao".

Cũng vào giữa một buổi trưa tại công trường đường sắt trên cao, đoạn thuộc ga vành đai 3 (đường Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân, Hà Nội), một tốp công nhân đang ngồi nghỉ, nhìn ai cũng mệt mỏi. Lý giải việc được nghỉ sớm, anh công nhân tên Thuận cho biết, do trời quá nắng nóng, công trường phải đổi giờ làm việc, ca sáng làm sớm từ 6h-9h30 và ca chiều làm muộn hơn bình thường, từ 16h30-21h. Nhờ vậy, anh em vẫn bảo đảm giờ công, nhưng đỡ vất vả. “Hôm 30-31.5, tôi thấy nắng nóng nhất, anh em vất vả quá. Trời nóng, lại làm việc ở trên cao, đầy bê-tông, sắt thép, cộng với khí thải của xe cộ, anh em ra mồ hôi nhiều, mất nước, rất nhanh xuống sức, mệt mỏi. Vừa bắt tay làm việc là mồ hôi mẹ, mồ hôi con đua nhau chảy ướt đầm áo, chúng tôi phải liên tục uống nước để tránh mất nước, mất muối quá nhiều. May mà Cty và CĐCS quan tâm đến anh em, chuẩn bị đầy đủ nước chanh, muối đá cho anh em giải khát” - anh Thuận nhớ lại.

Anh Thuận cho biết thêm: “Những ngày vừa qua, tôi phải uống 3-4 lít nước/ngày, đồng thời lót thêm 1 chiếc khăn vào trong mũ để thấm mồ hôi. Mấy ngày nắng nóng, Cty tăng tiền ăn trưa cho công nhân thêm 5.000-10.000đ/bữa”. Một số công nhân khác cho biết, dù nắng nóng gay gắt như thế nhưng do được thay đổi giờ làm việc và có chủ động phòng ngừa, bồi dưỡng thêm nên không ai bị say nắng. Hơn nữa, trước khi vào ca làm việc, nếu công nhân cảm thấy mệt mỏi, không làm việc được có thể báo với tổ trưởng, tổ trưởng sẽ báo lại với bên kỹ thuật để cho công nhân đó nghỉ. Công nhân cảm thấy mệt mỏi cũng có thể xin nghỉ sớm.

Còn nhiều, rất nhiều nữa những CNLĐ thuộc các ngành như môi trường đô thị, cảnh sát giao thông cũng sẵn sàng phơi mình dưới nắng để hoàn thành nhiệm vụ, vì nhịp sống bình yên của thành phố. Theo ông Đặng Văn Khánh - Trưởng phòng BHLĐ, Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, mặc dù có những công việc không thể trì hoãn nhưng cần phải sắp xếp lại thời gian làm việc tránh thời điểm nắng nóng nhất. Bên cạnh đó, các đơn vị cần trang bị lều tạm, chỗ nghỉ cho công nhân tránh nắng; trang bị quần áo BHLĐ cho công nhân, người lao động với loại vải thấm mồ hôi tốt, thoáng; bố trí nước uống đầy đủ, bổ sung khoáng chất cho công nhân; tăng số lần nghỉ giải lao trong khi làm việc... để hạn chế mất sức cho người lao động.

Ngọc Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này