Nước rút cổ phần hóa: Đừng để lãng phí đất đai

11:36 | 04/06/2015
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPH DNNN) là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước đã và đang phát huy hiệu quả trên bình diện kinh tế và lao động việc làm. Tuy nhiên, tiến trình CPH vẫn còn nhiều bất cập. Nếu như những năm 2000- 2008 tiến trình CPH DNNN xảy ra hiện tượng định giá tài sản thấp, thì nay cũng đang có hiện tượng không ít DN thuộc các tổng công ty kinh doanh không đúng ngành nghề, làm ăn kém hiệu quả nhưng vẫn cho tiến hành CPH.
Cổ phần hóa doanh nghiệp: Cần làm rõ mục tiêu
Cổ phần hóa để cạnh tranh và nâng cao hiệu quả hoạt động

Theo kế hoạch trong năm nay, cả nước hoàn thành CPH 289 DNNN. Trong đó, Bộ Giao thông - Vận tải đi tiên phong trong việc CPH. Đi tiên phong, quyết liệt thực hiện CPH DNNN để tránh có một bộ phận DN làm ăn kém, muốn ỷ lại “bầu sữa” nhà nước. Tuy vậy, trong tiến trình CPH nếu cứ chạy theo thành tích, mà không tính đến những bài toán thiệt, hơn thậm chí lách luật của một số đơn vị sẽ dẫn đến tình trạng lợi ích nhóm còn NLĐ chịu thiệt thòi. Bởi thực tế, không hẳn DN nào sau CPH cũng hoạt động hiệu quả. Đặc biệt có những đơn vị thành viên của tổng công ty hoạt động không liên quan gì đến ngành nghề được phép hoạt động của công ty mẹ.

Cụ thể vào tháng 10/2011 Thủ trướng Chính phủ đã ký ban hành nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 9 trong đó yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (Gọi chung DNNN) không được phép kinh doanh ngoài ngành, đầu tư ra ngoài ngành mà chỉ tập trung vào hoạt động sản xuất- kinh doanh theo đặc thù ngành nghề của mình. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã bỏ kinh doanh viễn thông, tài chính; Tập đoàn Dầu khí bỏ dần kinh doanh địa ốc… Hai tập đoàn lớn này đã chuyển sang kinh doanh đúng với chuyên môn của mình, không lập các công ty con để lấn sân ra lĩnh vực khác. Tuy nhiên, vẫn còn đó những DN, những công ty con hoạt động không đúng chức năng của công ty mẹ. Ví như Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Hiện Vietnam Airlines vẫn tồn tại công ty con kinh doanh trong nhiều lĩnh vực. Công ty CP Vận tải hàng không là ví dụ. Công ty cổ phần này có cả một trung tâm đào tạo lái xe, kinh doanh lữ hành, xuất nhập khẩu lao động. Vì năng lực tài chính yếu kém, nên những năm qua không ít công nhân, lao động công ty này đã làm đơn tố cáo việc không được đóng bảo hiểm xã hội…

Nước rút cổ phần hóa:  Đừng để lãng phí đất đai
Tổng công ty Hàng không Việt Nam hiện có nhiều công ty con, công ty thành viên đang sử dụng rất nhiều đất tại quận Long Biên

Làm ăn yếu kém, lĩnh vực kinh doanh không gắn với ngành nghề chính của công ty mẹ, song công ty này vẫn thực hiện quá trình CPH và đến nay chuyển sang giai đoạn thoái vốn để CPH 100%. Điều đáng nói, mặc dù năng lực kinh doanh kém, nhưng hiện công ty này đang sử dụng trên diện tích đất 10.500 m2, tại 200 Nguyễn Sơn- Bồ Đề- Long Biên. Vì không sử dụng hết công năng, theo phản ánh của công nhân lao động một số diện tích Cty đã cho các cá nhân thuê lại làm nhà xưởng, nghĩa là đất đai của nhà nước đã sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí (dẫu đơn vị này trước đó đã CPH và nhà nước mà đại diện là Tổng Cty Hàng không Việt Nam đang giữ 51% cổ phần.)

Từ câu chuyện cụ thể ở một công ty con của Vietnam Airlines đặt ra rất nhiều vấn đề trong giai đoạn nước rút tiến trình cổ phần hóa DNNN. Đó là: Tại sao những công ty, đơn vị thuộc tổng công ty không kinh doanh đúng ngành nghề của công ty mẹ, làm ăn yếu kém mà vẫn để sử dụng diện tích đất lớn của nhà nước? Cạnh đó, vẫn cho tiến hành CPH 100%? Với những công ty này chắc chắn CPH hoạt động cũng sẽ không mấy hiệu quả. Tuy nhiên, khi đưa câu chuyện cụ thể này ra, không ít chuyên gia cho rằng đây là một hình thức lợi dụng CPH để chiếm dụng đất nhà nước của công ty mẹ.

Vấn đề đặt ra, với những công ty như thế này tại sao TCty Hàng không Việt Nam vẫn xin ý kiến Bộ GT- VT và các cơ quan chức năng cho CPH? Tại sao không sáp nhập vào một đơn vị khác để trả lại đất cho nhà nước giao cho đơn vị khác làm ăn hiệu quả hơn? Hơn 10 ngàn m2 đất giao cho một DN làm ăn không hiệu quả, rồi tiến hành CPH cuối cùng nhà nước bị thất thu vì đất đai sử dụng lãng phí. Nếu hơn 10 ngàn m2 đất đó được trả lại cho nhà nước để các đơn vị khác vào kinh doanh chắc chắn mỗi năm nhà nước sẽ thu về khoản ngân sách lớn. Qua câu chuyện này, đã đến lúc các bộ, ngành, DN phải rà soát lại xem những DN nào cần phải tiến hành CPH, đơn vị nào cần sáp nhập, giải thể chứ không thể cứ lập ra các đơn vị con, làm ăn không hiệu quả là cho CPH, gây lãng phí tài sản đất đai của nhà nước.

L. Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này