Người lao động vật vã trong nắng nóng ngày hè

21:52 | 02/06/2015
Những ngày này, thời tiết khu vực phía Bắc, trong đó có Hà Nội vô cùng oi bức, nhiệt độ ngoài trời luôn xấp xỉ 40 độ C. Trong tiết trời nóng như đổ lửa, cuộc sống của công nhân, người lao động nghèo trong những căn phòng trọ chật chội, mái lợp tôn hoặc fibro ximăng càng trở lên khổ cực hơn bao giờ hết.
Hai trường hợp hôn mê sâu do biến chứng của say nắng
Hà Nội: Nắng nóng trên 40 độ C, người già nhập viện tăng cao

Phòng trọ như lò thiêu

14h30 cái nóng đang đỉnh điểm, hầm hập, oi nồng. Trong thời tiết như vậy, ai cũng chỉ muốn ngồi trong công sở, nhà riêng, hoặc quán xá, siêu thị, trung tâm thương mại...những nơi có điều hòa mát mẻ. Thế nhưng, với CNLĐ khu công nghiệp Sài Đồng, đây lại là thời điểm đáng sợ nhất khi họ được tan ca và trở về những căn phòng trọ nóng nực. “Nóng quá. Ngoài trời cứ hừng hực bốc hơi nóng bỏng rát người, nhưng về phòng thì chả khác gì chui vào cái lò thiêu”- mồ hôi nhễ nhại khi vừa đạp xe từ công ty về, Nguyễn Thị Loan - KCN Sài Đồng, ở trọ trong làng Sài Đồng (Long Biên) chia sẻ.

Cái nắng nóng như đổ lửa tưởng chừng đã thiêu chín da thịt khiến nét mặt cô công nhân trẻ lộ rõ vẻ mệt mỏi. Căn phòng chật, lợp tôn, nằm tít sâu trong ngõ là nơi Loan ở trọ với hai đồng nghiệp nữa. Không gian dường như càng bó hẹp dưới cái nắng đổ lửa. Loan cho biết, dù đã thấm mệt sau một ngày làm việc, nhưng khi trở về phòng trọ, cô thấy như mệt mỏi lại tăng thêm. "Đi làm về bụng đói meo mà chẳng muốn ăn cơm, phần vì nóng mệt, không nuốt nổi, phần vì không dám nấu nướng bởi cứ có chút lửa là không khí thêm nóng bức. Dạo này em và các bạn toàn ăn mì tôm, uống nước lọc qua bữa”- Loan kể.

Đến thăm một căn phòng trọ khác của Nguyễn Văn Thắng (KCN Bắc Thăng Long), ở trọ tại thôn Tây Bầu (Kim Chung, Đông Anh) cũng bắt gặp không khí ngột ngạt, oi nồng tương tự. Dù đã cuối giờ chiều, căn phòng trọ của Thắng vẫn hầm hập. Với diện tích 10m2, căn phòng vốn đã nhỏ lại thêm bao đồ dùng sinh hoạt, những bộ quần áo lao động giăng khắp nhà. "Dù rất mệt sau khi tan ca đêm nhưng em cũng chỉ tranh thủ chợp mắt được một lát, không sao ngủ được vì nóng quá"- Thắng ngao ngán.

Người lao động vật vã trong nắng nóng ngày hè
Dùng nước lau sạch sàn nhà là một trong những cách chống nóng của công nhân

Những CNLĐ đã có gia đình, con nhỏ mới tận cùng cực nhọc trong cái nắng nóng ngày hè. Nguyễn Thu Hà - KCN Dương Xá, đang ở trọ tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm cho biết, ngày nào cô cũng nghe dự báo thời tiết với nỗi lo sợ nơm nớp khi thấy nhiệt độ ở Hà Nội liên tiếp ở mức cao. Vợ chồng Hà và con gái 3 tuổi sống trong căn phòng trọ vỏn vẹn 12m2 kê vừa đủ một chiếc giường và một bếp ga. Mái nhà lợp fibro ximăng thấp, với tay là tới. Thế nên mùa hè đến, phòng ở chẳng khác nào cái lò nung, nhất là khi có thêm ngọn lửa từ bếp ga.

Lương của hai vợ chồng hạn hẹp, cuộc sống đủ thứ phải chi tiêu nên việc lắp một chiếc điều hòa là điều quá xa xỉ. Hơn thế nữa, tiền điện phải dùng theo giá điện kinh doanh của chủ nhà trọ, tiết kiệm lắm một tháng cũng hết vài trăm ngàn; giờ điện tăng giá, nếu có nhịn ăn nhịn mặc sắm được điều hòa rồi cũng không biết lấy tiền đâu ra để trả tiền điện. “Mình làm công nhân khổ cực quen rồi nên nóng mấy vẫn cố chịu được, chỉ thương đứa nhỏ. Trong khi những đứa trẻ khác được nằm điều hòa thì con mình cả đêm vật vã ngủ không ngon. Nóng quá ăn không được, ngủ không xong thành ra ốm đau dặt dẹo. Thế rồi lại tiền thuốc thang, tiền lương vợ chồng bị trừ vì xin nghỉ chăm con ốm. Khổ đủ đường”, Hà thở dài.

Tìm đủ cách chống nóng

Cần chú ý giữ sức khỏe Bác sĩ Chu Thanh Hương (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) khuyên: "Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, công nhân nên chú ý các biện pháp bảo vệ sức khỏe, không tắm ngay khi vừa đi làm về, đặc biệt khi vừa đi trong nắng nóng khắc nghiệt, không lạm dụng nước đá để giải nhiệt, không nên dầm mình quá lâu trong nước, đồng thời cũng chú ý đến các loại thực phẩm giải nhiệt cho mùa hè, hạn chế sử dụng các loại đồ ăn được chế biến sẵn ngoài vỉa hè, quán cóc...

Mở cửa sổ để phòng thoáng mát vào ban đêm, công nhân cần chú ý đảm bảo an ninh vì rất có thể việc mở cửa sổ, cửa chính sẽ tạo cơ hội cho nạn trộm cắp. Ngoài ra, vì sử dụng nước để làm mát cho phòng nên công nhân cũng cần cũng chú ý tránh tình trạng chập điện, dẫn đến tai nạn do điện.

Để chống chọi với cái nóng khắc nghiệt, công nhân đã phải vắt óc nghĩ ra đủ phương cách phù hợp. Phổ biến nhất là việc thường xuyên dội nước, lau sạch nền nhà và khu vực xung quanh, đặt chậu nước trước quạt để thổi hơi mát vào người.

Như trường hợp của Hà, ngày nào đi làm về, vợ chồng cô cũng phải dội nước lên mái tôn, đổ cả ra sàn nhà, lau lại thật sạch rồi cả nhà nằm ngủ dưới sàn cho đỡ nóng. "Sợ tốn tiền điện thì đành chấp nhận tốn nước vậy, tiền nước dẫu sao cũng rẻ hơn tiền điện"- Hà nói.

Trong khi đó, Loan - KCN Sài Đồng, ở trọ trong làng Sài Đồng lại có biện pháp chống nóng rất “phụ nữ” ấy là chăm chỉ dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc gọn gàng để tạo thêm không gian thoáng đãng. “Người xưa vẫn bảo “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”, khi nhà cửa gọn gàng tinh tươm thì trông mát mẻ hơn, chứ thời tiết thế này mà nhà cửa ngổn ngang bừa bộn thì bức bí lắm. Chính bởi vậy, em thường tranh thủ bất cứ lúc nào có thể lau dọn nhà cửa, sắp xếp đồ đạc cho ngăn nắp, gọn gàng”- Loan bộc bạch.

Nhiều công nhân khác thì lựa chọn phương pháp tránh nóng bằng cách rủ nhau ra những con đường lớn hay quán nước để "hứng gió". "Phải tầm 21h - 22h, khi phòng bớt oi bức, em mới dám về phòng nghỉ ngơi. Dù rất mệt vì thiếu thời gian ngủ nhưng còn hơn là bị "nung" trong phòng trọ", công nhân tên Dương- ở trọ tại Sài Đồng cho biết. Còn Hà, KCN Vĩnh Tuy, ở trọ tại phường Vĩnh Hưng lại có một “độc chiêu” tránh nóng: “Ngay từ đầu hè em đã tìm và xin được một chân lễ tân ở quán cà phê. Thế là hàng ngày, hết giờ làm ở công ty, em lại tới đây làm việc đến tối muộn. Tuy làm ngoài giờ có mệt, nhưng ở quán cà phê rất mát, còn hơn là về nhà trọ nóng bức, mà lại có thêm thu nhập”- Hà khoe.

Ngọc Tú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này