Có nên giấu bằng khi xin việc?

13:23 | 02/06/2015
Hiện nay không ít người có trong tay bằng cấp khá giỏi nhưng lại không thể tìm được việc làm. Thậm chí, nhiều người phải giấu bằng cấp để tìm một công việc phổ thông với mức lương ít ỏi đang là thực tế hiện nay.
Bằng giỏi là điều kiện cần chứ chưa đủ khi xin việc

Khổ vì bằng cấp

Chia sẻ về câu chuyện nhiều cử nhân, thạc sĩ, rồi cả tiến sĩ đã giấu bằng cấp của mình để xin đi làm công nhân, lao động phổ thông để thoát cảnh thất nghiệp, ông Ngô Tấn Vũ Khanh - nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành Hệ thống thông tin quản lý của ĐH Soongsil (Hàn Quốc) kể: “Tôi có một người bạn thân sau khi tốt nghiệp ĐH Bách khoa TP HCM loại giỏi, đã học lên thạc sĩ cơ khí. Nhưng sau khi rinh cái bằng thạc sĩ cơ khí đi xin việc 3-4 tháng không tìm được việc, cuối cùng anh ấy quyết định cầm tấm bằng đại học đi xin việc thì chỉ sau có 3 tuần là có một công việc khá ổn định, hiện đang là trưởng một bộ phận cơ khí của công ty đó”.

Thế nhưng không phải trường hợp nào giấu bằng cấp cũng có được một cái kết như mong muốn. Ông Ngô Tấn Vũ Khanh dẫn chứng trường hợp khác: “Một người bạn khác cùng học tiến sĩ với tôi sau khi học xong thì xin việc ở Intel Việt Nam, chuyên ngành điện tử công nghiệp. Không hiểu vì lý do gì lúc xin việc thì chỉ khai là có bằng thạc sĩ. Làm việc được 1- 2 năm đang là trình 5 (lev 5) thì công ty tiếp nhận 1 anh tiến sĩ về làm việc với mức lương hơn bạn tôi một bậc. Thế là bạn tôi công khai bằng tiến sĩ của mình ra nhằm mong muốn tăng lương. Nhưng trái lại, lương không những không tăng mà anh còn bị quy vào gian dối trong khai bằng cấp”. Một câu hỏi đặt ra, phải chăng vì bằng cấp quá cao không phù hợp với công việc họ xin ứng tuyển hay chủ sử dụng lao động ngại trả mức lương cao cho người có bằng cấp cao?

Có nên giấu bằng khi xin việc?
Ảnh minh họa

Nhìn nhận về vấn đề này, bà Thanh Nguyễn – CEO Cty Anphabe cho biết: “Qua làm việc với các DN tôi thấy những người đầu tư thời gian dài cho việc học hành, khi đã có được bằng cấp mong muốn thì họ đã ở độ tuổi tương đương với người ở tầm quản lý trong DN. Vì vậy, khi đi xin việc, họ thường mong muốn có một thu nhập tương đương với người cùng độ tuổi với mình nhưng những gì họ đóng góp không tương xứng với kỳ vọng của DN. Nghịch lý là ở chỗ, người có bằng cấp thường thiếu kinh nghiệm quản lý và người quản lý tuy có kinh nghiệm nhưng không có nền tảng kiến thức như người có bằng cấp. “Mỗi bên đều có ưu và khuyết nhưng đặt lên bàn cân thì rõ ràng người có chuyên môn vừa phải nhưng sở hữu kinh nghiệm quản lý tốt vẫn được doanh nghiệp chú trọng hơn vì những kỹ năng họ tích lũy được vẫn cần thiết hơn là lý thuyết suông. Do đó, hiện tượng một số người có bằng cấp cao như thạc sĩ, tiến sĩ tại nước ngoài vẫn không xin được việc, thậm chí phải giấu bằng để có thể tìm được việc là biểu hiện cho khoảng cách giữa cung và cầu trên thị trường lao động, nhất là phân khúc cấp cao”- bà Thanh nhìn nhận.

Bà Thanh Nguyễn – CEO Công ty Anphabe khuyến cáo: Để hạn chế tình trạng này, người lao động cần có định hướng nghề nghiệp rõ ràng trước khi quyết định đầu tư cho việc học cao hơn, và cần nhất quán con đường mình đã chọn. Đồng thời, cần tìm hiểu rõ về đặc thù ngành, nghề mình muốn tham gia để đưa ra những quyết định đúng đắn, vừa phù hợp với điều kiện của bản thân lẫn nhu cầu của thị trường lao động.

Cần định hướng nghề nghiệp tốt

Một người có bằng cấp cao không có nghĩa đó là người tài, người có năng lực mà đó mới chỉ là dấu hiệu của một người có năng lực. Người tài phải là người làm việc có năng suất, hiệu quả hơn người khác, tạo ra giá trị mới chứ không phải là người chỉ có kiến thức. “Nếu ai học cao mà cũng đều giỏi, giúp ích cho đơn vị mình công tác, thì Việt Nam với hơn 9.000 giáo sư phó giáo sư, và hàng trăm ngàn tiến sĩ và thạc sĩ (thống kê đầu năm 2012) sẽ làm nên chuyện lắm đó”- ông Ngô Tấn Vũ Khanh nhìn nhận.

Đồng quan điểm, ông Hảo Nguyễn - trưởng phòng Phát triển kinh doanh ĐH Scandinavia (Đan Mạch) cho rằng: “Kinh nghiệm đã từng làm việc là yếu tố quan trọng để có một công việc, bằng cấp có được là khẳng định kiến thức và tư duy suy luận của một cá nhân đã được nâng cấp như thế nào, kết hợp hai yếu tố này nhà tuyển dụng sẽ lựa chọn ứng viên phù hợp với vị trí mà họ đang tìm kiếm. Lấy các dẫn chứng thực tế là những tập đoàn lớn như BAT, CitiGroup (Mỹ) và các tổ chức đa quốc gia vẫn đang tiến hành săn ứng viên đã có bằng MBA hoặc cao hơn để đào tạo trở thành các nhà quản lý trong tương lai (lương chắc chắn cao sau khi được đào tạo) và các tổ chức này thường có tầm nhìn chiến lược từ 15 - 20 năm”.

Đứng ở góc độ nhà tuyển dụng nhân sự, ông Nguyễn Minh Toàn- cán bộ nhân sự của Tập đoàn Bến Thành (Bến Thành Group) cho hay: “Phần nhiều DN họ cần người có kinh nghiệm làm việc chứ không hẳn cần người có nhiều bằng cấp, hoặc bằng cấp cao. Còn riêng về phần kinh nghiệm bản thân trong khâu chọn hồ sơ phỏng vấn, thì học vấn bằng cấp luôn là phần tôi xem sau cùng. Chủ yếu là người đó PR tốt bản thân về mặt kinh nghiệm làm việc đã kinh qua và mô tả chi tiết công việc đã từng làm”.

Thái Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này