Trước ngày công bố danh sách NNND, NNƯT: Băn khoăn… hậu vinh danh

13:33 | 02/06/2015
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, danh sách nghệ nhân được xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú (NNƯT), nghệ nhân nhân dân (NNND) về lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể sẽ được công bố. Đây là một tin mừng cho các nghệ nhân dân gian sau hơn chục năm chờ đợi. Tuy nhiên, vấn đề đãi ngộ các nghệ nhân sau khi được vinh danh trở thành mối quan tâm của dư luận.
Danh hiệu chẳng để làm gì nếu không được diễn

“Dài cổ” vì chính sách

Được biết, trong tổng số 737 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NNƯT, NNND của 57 hội đồng cấp tỉnh gửi về, có 618 hồ sơ đủ điều kiện đề nghị xét tặng danh hiệu NNƯT, NNND cấp bộ. Ba tỉnh thành có hồ sơ được thông qua nhiều là Kon Tum (43 hồ sơ), Hà Nội (39 hồ sơ), Nghệ An (39 hồ sơ), chủ yếu là về nghệ thuật trình diễn dân gian. Địa phương có ít hồ sơ được thông qua là Đắk Lắk với một hồ sơ về ngữ văn dân gian. Hiện, danh sách 618 hồ sơ này đang được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ VHTT&DL để tiếp tục lấy ý kiến nhân dân trước khi hội đồng chuyên ngành cấp bộ hoàn thành hồ sơ trình hội đồng cấp nhà nước.

Theo thông tin của Vụ Thi đua khen thưởng, hồ sơ được lựa chọn dựa trên kết quả bỏ phiếu và kiểm phiếu công khai. 119 hồ sơ không được thông qua là những hồ sơ mô tả tri thức kỹ năng di sản phi vật thể của các nghệ nhân đang nắm giữ quá sơ sài, số lượng truyền dạy học trò tiêu biểu không rõ. Một số trường hợp nghệ nhân được đào tạo ở các trường nghệ thuật, theo quy định họ không thuộc đối tượng được xét tặng. Có nghệ nhân đã được phong tặng các danh hiệu khác nên không được xét tặng danh hiệu lần này.

Trước ngày công bố danh sách NNND, NNƯT: Băn khoăn… hậu vinh danh
Nghệ nhân ca trù Nguyễn Phú Đẹ trong lần biểu diễn chầu hát Cửa đình

Xung quanh việc xét tặng, phong danh hiệu đã có không ít những ý kiến trái chiều. Nổi cộm vẫn là thời gian đợi chờ quá lâu trong suốt hàng chục năm qua bởi những quy chế, quy định rườm rà, không thống nhất của các cơ quan quản lý. Theo GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam, nguyên do của sự chậm trễ này là bởi sự nhùng nhằng, không thống nhất giữa Bộ Công Thương và Bộ VHTT&DL. Cụ thể, năm 2009, việc phong tặng nghệ nhân được thực hiện theo Luật Thi đua khen thưởng quy định rõ là chỉ xét tặng nghệ nhân trong lĩnh vực thủ công truyền thống, đồng thời việc phong tặng được Chính phủ giao cho Bộ Công Thương làm, chứ không phải là Bộ VHTTDL.

Ở nước ta, các nghệ nhân đều đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, có cụ 80, 90 tuổi. Có những nghệ nhân tuổi cao, sức yếu không chờ nổi các thủ tục hành chính và qua đời ngay cả khi hồ sơ của họ đã lọt qua hội đồng cấp bộ để lên hội đồng cấp nhà nước.

Sau đó Chính phủ đã sửa đổi một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật Thi đua khen thưởng giao cho Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương cùng soạn thảo nghị định về việc tổ chức xét danh hiệu NNND, NNƯT thống nhất theo nguyên tắc: Bộ Công Thương vẫn tiếp tục triển khai việc xét NNND, NNƯT cho các cá nhân trong lĩnh vực nghề thủ công truyền thống; Bộ VHTTDL tổ chức xét phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT cho các cá nhân hoạt động trong 6 lĩnh vực của di sản văn hóa phi vật thể gồm: “Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian”. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện xét tặng nảy sinh những vấn đề không thống nhất. Trong đó theo đề nghị của Bộ Công Thương, một nghệ nhân không được xét tặng ở cả hai hội đồng của hai bộ.

Băn khoăn… hậu vinh danh

Theo Vụ Thi đua khen thưởng, sau khi nghệ nhân nhận danh hiệu sẽ được một khoản tiền thưởng. Bên cạnh đó, Bộ VHTT&DL đã làm việc với Bộ LĐTB&XH đề xuất một số chính sách hỗ trợ các nghệ nhân như trợ cấp cho các nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn từ 100.000- 200.000 đồng/tháng; bảo hiểm y tế; trợ cấp mai táng phí khi các cụ qua đời. Bên cạnh đó, Bộ sẽ kêu gọi, đề nghị các địa phương có những chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân.

Theo GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, trong thời gian chờ được Nhà nước phong tặng danh hiệu, Hội đã phải tự phong danh hiệu nghệ nhân dân gian trong phạm vi nội bộ. Danh phong này chỉ mang lại danh dự, góp phần khích lệ, động viên chứ không được hưởng bất kỳ một quyền lợi nào.

Được biết, ở Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc một số các nước ASEAN, các di sản văn hóa phi vật thể cũng có lúc rơi vào tình trạng bị mai một. Song nhờ sự quan tâm đúng mực đến đời sống, chế độ chính sách như được tham gia BHXH, được khám sức khỏe định kỳ,…mà họ yên tâm bám nghề. Các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ thất truyền vì thế đã được phục hồi và phát triển. Còn ở nước ta, các nghệ nhân đều đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, có cụ 80, 90 tuổi. Có những nghệ nhân tuổi cao, sức yếu không chờ nổi các thủ tục hành chính và qua đời ngay cả khi hồ sơ của họ đã lọt qua hội đồng cấp bộ để lên hội đồng cấp nhà nước. Về vấn đề này, Vụ Thi đua khen thưởng cũng phải thừa nhận, ở đợt xét tặng danh hiệu này hội đồng cấp Bộ cũng gặp phải trường hợp của một nghệ nhân dân tộc Thái, sinh năm 1933, ở Phong Thổ, Lai Châu. Theo đúng hồ sơ của địa phương đưa lên thì cụ mất trước lúc hoàn thiện hồ sơ ở cấp cơ sở.

Tuy nhiên theo quy định của Nghị định số 62/2014 về xét tặng danh hiệu NNƯT, NNND trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thì không có một trường hợp nào được đặc cách nên hội đồng cấp bộ buộc phải chấp hành đúng là không xét tới trường hợp này. Đây quả là điều đáng tiếc cho các nghệ nhân - những người đã gắn cả cuộc đời cho việc “giữ lửa” di sản. GS Ngô Đức Thịnh cho biết, hiện nay nhiều ý kiến đang đề nghị phải có một hình thức đãi ngộ xứng đáng cho những nghệ nhân qua đời trước khi nhận được danh hiệu để các cụ khỏi thiệt thòi. “Bởi đây là lỗi từ phía cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải lỗi của các nghệ nhân”, GS Ngô Đức Thịnh nói.

Việc chờ đợi được vinh danh trong thời gian hơn chục năm đã là khoảng thời gian dài đối với các nghệ nhân, nhất là những nghệ nhân cao tuổi. Giờ đây nếu lại tiếp tục để họ phải chờ đợi cơ quan quản lý nhà nước cân nhắc rồi thống nhất các chế độ đãi ngộ thì không biết còn bao nhiêu nghệ nhân “kiên trì” đến ngày ấy. Danh hiệu là rất cần thiết, song làm thế nào để các nghệ nhân được hưởng niềm vui trọn vẹn mới là cái đích của “nghệ thuật vị nhân sinh”.

Lưu Nhi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này