Tin là thế

15:30 | 28/05/2015
Bác nghĩ thế nào về việc tại diễn đàn Quốc hội đang “nóng” chuyện điều chỉnh hay không điều chỉnh điều 60 của luật BHXH sửa đổi vừa ban hành?

- Cái chuyện quyền được “về một cục” phải không chú? Theo tớ chính sách BHXH là chính sách ưu việt, đảm bảo an sinh cho mỗi người lao động sau khi hết tuổi lao động, vì vậy việc hưởng lương hưu hằng tháng là một biện pháp tối ưu.

- Vậy sao nhiều lao động lại không đồng ý với việc không cho phép “về một cục”? Thậm chí còn lãn công để đòi quyền lợi này?

- “Về một cục” cũng tương tự như việc lấy của để dành ra ăn ngay. Đó sẽ là nguy cơ dẫn đến bất ổn xã hội. Nhất là khi những người “về một cục” lại thường là nhóm người lao động có thu nhập thấp. Các cụ có câu: “miệng ăn núi lở”.Vì thế, tớ hoàn toàn ủng hộ chính sách bảo hiểm xã hội như hiện tại, không áp dụng hình thức trợ cấp một lần như trước đây.
-Nhưng có rất nhiều đối tượng sẽ khó có thể đáp ứng yêu cầu có tối thiểu 20 năm đóng bảo hiểm để được hưởng lương hưu. Đặc biệt là với nhóm công nhân may mặc, giày da... tại các doanh nghiệp FDI vốn có tuổi nghề ngắn và chịu sự đào thải rất khắc nghiệt từ chủ sử dụng lao động.

- Thế hệ tớ, khi chuyển đổi cơ chế từ bao cấp sang thị trường, nhiều lao động dôi dư đã được hưởng “về một cục”, gọi là “về 176”, bây giờ có cảm giác như mình nằm ngoài xã hội.

- Thế nhưng nhiều lao động có nỗi lo chung về quản lý quỹ bảo hiểm xã hội hay sự trượt giá khiến lương hưu chẳng có mấy giá trị. Tuần rồi chả rộ lên chuyện một cô giáo sau 30 năm công tác khi nghỉ, lương hưu không đủ để ăn sáng đó bác?

- Đó chỉ là trường hợp đặc biệt. Song cũng là điều đáng bàn. Nghĩa là làm thế nào để lương hưu đủ chi phí cho cuộc sống của họ. Nghĩa là phải có chính sách mềm dẻo trong từng trường hợp. Đối với lao động không thể làm việc đủ 20 năm thì giải quyết thế nào, chứ lương hưu không được, “một cục” cũng không thì “đau” thật.

- Đấy khó là ở chỗ đó. Bảo hiểm xã hội là phục vụ lợi ích của cộng đồng, sự chia sẻ giá trị và mục tiêu của cộng đồng nhằm đạt được sự ổn định của xã hội. Do hướng tới lợi ích của số đông, nên đôi khi trong một số trường hợp bắt buộc phải hạn chế quyền của cá nhân cũng như quyền của một nhóm nhỏ hơn.

- Nhưng nhiều người lao động đang đấu tranh sửa điều luật của Bảo hiểm xã hội theo hướng họ có quyền nhận bảo hiểm trước thời hạn nghỉ hưu, đã đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách những băn khoăn không thể không bàn.

- Em tin là Quốc hội sẽ có những phân tích để đưa ra những quyết sách lợi nhất cho người lao động, phát huy tính ưu việt của chính sách BHXH, đảm bảo tốt an sinh xã hội. Trong trường hợp tiếp tục chính sách trả lương hưu như hiện nay, cũng phải nghiên cứu và thi hành những chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn trong việc đóng bảo hiểm chưa đủ 20 năm.

-Tớ cũng tin là thế.

Thiện Tâm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này