Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII

Loại bỏ dần phí, lệ phí để bớt gánh nặng cho dân

15:35 | 28/05/2015
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Pháp lệnh phí và lệ phí năm 2001 gồm 73 khoản phí, được sắp xếp thành 12 nhóm theo tính chất công việc gắn với lĩnh vực, nhóm ngành và giao Chính phủ quy định chi tiết (Chính phủ đã quy định chi tiết thành 171 loại phí). Đến nay, một số khoản phí đã và đang chuyển sang cơ chế giá theo quy định của luật chuyên ngành (đặc biệt là một số khoản phí có tác động lớn đến người dân như học phí và viện phí). 
Đã đóng thuế thì phải loại bỏ dần phí, lệ phí
Nhiều loại phí và lệ phí sẽ được miễn thu

Để khuyến khích xã hội hóa, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cung cấp dịch vụ công, dự thảo đã đưa ra khỏi danh mục phí 18 khoản; 5 khoản phí trước đây có quy định thu nhưng nay đã dừng thu (gồm phí xây dựng; phí an ninh trật tự; phí phòng, chống thiên tai; phí niêm phong, kẹp chì hải quan; phí chứng nhận xuất xứ hàng hoá); 6 khoản phí có cùng đối tượng điều chỉnh cần rà soát thu gọn danh mục; 5 khoản phí quy định trong danh mục nhưng pháp luật chuyên ngành đã quy định thực hiện theo cơ chế giá (phí đấu thầu; học phí; viện phí; phí giám định tư pháp; phí kiểm định đo lường chất lượng). Đồng thời dự thảo bổ sung 15 khoản phí đã được quy định tại các luật chuyên ngành (như phí bay qua vùng trời, phí công chứng, phí sử dụng kho số viễn thông...).

Loại bỏ dần phí, lệ phí để bớt gánh nặng cho dân
Loại bỏ dần phí, lệ phí để bớt gánh nặng cho dân . Ảnh minh họa
Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, rà soát, có thể bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí có số thu thấp, chi phí thu cao; một số khoản phí không phù hợp, gây bức xúc cho người dân (như phí sử dụng lề đường, lòng đường, vỉa hè, phí giao thông đối với xe gắn máy...).

Về lệ phí, dự thảo đã đưa ra khỏi danh mục 12 khoản lệ phí, gồm: 8 khoản lệ phí đã được quy định trong danh mục lệ phí nhưng đến nay chưa thu, dừng thu; 4 khoản lệ phí bãi bỏ để cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời dự thảo bổ sung thêm 9 khoản lệ phí đã được quy định tại các luật chuyên ngành. Như vậy, theo dự thảo danh mục phí sẽ bao gồm 51 khoản phí (36/73 khoản trong danh mục phí hiện hành được kế thừa và 15 khoản phí quy định tại các luật chuyên ngành).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, qua giám sát và làm việc với các bộ, ngành cho thấy, danh mục phí, lệ phí quy định trong dự thảo chưa đầy đủ, chưa toàn diện, chỉ quy định theo nhóm, loại phí, lệ phí; chưa rõ về tên gọi với nội hàm của một số loại phí, lệ phí. Vì vậy, để phù hợp với Hiến pháp, đảm bảo tính cụ thể và nhằm tránh tình trạng phụ thu, lạm bổ tạo gánh nặng đóng góp cho dân, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo quy định chi tiết các khoản phí, lệ phí, phân loại theo nhóm ngành cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: “Chế độ quản lý thu, nộp, sử dụng các khoản phí, lệ phí hiện hành thiếu thống nhất. Nhiều khoản thu, chi từ phí, lệ phí chưa đúng các quy định của pháp luật, dẫn đến tình trạng lạm thu hoặc bỏ sót nguồn thu. Sử dụng lãng phí, thiếu minh bạch, công khai, công bằng và hiệu quả”.

Một số ĐB cho rằng, trên thực tế hiện nay hầu hết bất luận mua gì, sử dụng gì người dân đều phải đóng thuế. Ví như dẫu đã có sổ hồng, sổ đỏ người dân vẫn phải đóng thuế sử dụng nhà đất; phương tiện ô tô, xe máy ngoài thuế trước bạ phải đóng phí đường bộ, mua xăng đóng thuế môi trường, mua hàng hóa, sử dụng điện nước đóng thuế VAT, song thực tế người dân vẫn đang chịu nhiều loại phí và lệ phí. Ở các nước đã đóng thuế thì không bao giờ có phí và lệ phí. Bởi thế, cần phải xem xét thấu đáo vấn đề này. Trước mắt, do hoàn cảnh chưa thể bỏ hẳn việc thu phí và lệ phí thì cần rà soát, cân nhắc loại bỏ những loại phí, lệ phí để giảm bớt gánh nặng cho dân.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, số thu ngân sách Nhà nước từ phí, lệ phí năm 2011 là 42.023 tỷ đồng; năm 2012 là 29.112 tỷ đồng; năm 2013 là 31.271 tỷ đồng.

Lê Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này