Lo cho ngành công nghiệp phụ trợ

09:34 | 28/05/2015
Tập đoàn Samsung vừa đầu tư vào khu phức hợp điện tử gia dụng (SEHC) với tổng mức đầu tư 1,4 tỉ USD, tại khu công nghệ cao TPHCM đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ là “sân sau” cung cấp nguyên vật liệu hỗ trợ. 
Sự cố ở nhà máy Samsung Thái Nguyên không phải khí độc

Phụ trợ nhập từ nước ngoài

Một số tỉnh như Thái Nguyên, Bắc Ninh thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài song bức tranh kinh tế tỉnh chưa thực sự đột phá bởi doanh nghiệp FDI không mặn mà với sản phẩm “made in Vietnam”.

Vấn đề ngành công nghiệp phụ trợ còn yếu kém, tỷ lệ nội địa hóa thấp là điều đã được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. Trong cuộc họp về các vấn đề kinh tế xã hội, ông Ngô Văn Minh, ĐB tỉnh Quảng Nam dẫn chứng, thậm chí những thứ tưởng chừng đơn giản như cái cúc áo cũng phải nhập. Không biết mai mốt khi Việt Nam chính thức gia nhập vào TPP sẽ thế nào. “Không lẽ chúng ta vẫn phải nhập cả cái cúc áo để may ra một chiếc áo sao”, ông Minh nói.

Băn khoăn của các ĐB QH về ngành công nghiệp phụ trợ cũng là điều mà Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Phúc trăn trở. Theo ông Phúc, chỉ trong vòng 9 tháng, doanh nghiệp Samsung ở Thái Nguyên đã được xây phòng ốc hoành tráng nhưng từ cái ghế ngồi, bàn ăn, đồ nội thất cũng nhập từ bên Hàn. Việt Nam kêu gọi phát triển phụ trợ để tăng tỷ lệ nội địa nhưng chủ yếu doanh nghiệp FDI vẫn nhập hàng từ nước mình. Doanh nghiệp ngoại không mặn mà với hàng Việt Nam, thêm vào đó mặt hàng trong nước cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của họ. “Sở dĩ cán cân thương mại được cân bằng là do xuất siêu sang Mỹ, châu Âu bù lại cho nhập siêu từ nước châu Á, Trung Quốc”, ông Phúc nói.

Trưởng ban quản lý khu công nghệ cao TP HCM Lê Hoài Quốc cho biết, ngay sau khi Samsung rót 1,4 tỉ USD triển khai dự án SEHC, nhiều DN trong nước đã quan tâm và muốn trở thành một mắt xích cung cấp linh phụ kiện đầu vào. “Ban quản lý đã tổ chức kết nối giữa Samsung với các DN, từ hàng trăm DN cung cấp linh phụ kiện qua 3 vòng kết nối chỉ còn hơn 20 DN, đòi hỏi tiêu chuẩn sản phẩm chất lượng ổn định và sản lượng phải đáp ứng yêu cầu”, ông Quốc nói.

Lo cho ngành công nghiệp phụ trợ
Với những dự án khủng từ các doanh nghiệp FDI đầu tư, công nghiệp phụ trợ Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được sân chơi do mình làm chủ.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Samsung Vina, yêu cầu để trở thành nhà cung cấp của Samsung rất khắt khe, nhiều điều khoản doanh nghiệp nội địa chưa chú ý nên khó đáp ứng như về sở hữu trí tuệ, tuân thủ vấn đề đạo đức… Hiện phần lớn các nhà cung ứng linh phụ kiện cho Samsung ở 2 nhà máy SEV (khu tổ hợp Samsung Bắc Ninh) và Samsung Thái Nguyên (SEVT) đều đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan. Số lượng doanh nghiệp Việt chen chân vào chuỗi sản suất của tập đoàn này còn rất hạn chế. Tỉ lệ nội địa hóa ở các nhà máy của Samsung chỉ từ 15%-30%. “Một hội nghị giữa Samsung và các doanh nghiệp trong nước dự kiến được tổ chức vào cuối năm nay. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong nước muốn trở thành mắt xích của Samsung”, ông Đạo nói.

Hiện phía Samsung và Ban quản lý khu công nghệ cao TPHCM đang tiến hành các bước tìm kiếm nhà cung ứng linh kiện, phụ kiện đầu vào cho dự án SEHC. Đi kèm với dự án SEHC tại khu công nghệ cao TPHCM, Samsung cũng xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, trung tâm này sẽ giúp Việt Nam tiếp cận dần với công nghệ cao của thế giới và sử dụng nguồn nhân lực trình độ cao người Việt vào quá trình sản xuất.

Tuy nhiên, theo ông Lê Hoài Quốc, trong khi cơ hội từ dự án 1,4 tỉ USD của Samsung là rất lớn nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước lại chưa sẵn sàng. “Một khi Samsung ở Việt Nam chấp nhận một linh phụ kiện do doanh nghiệp bản địa sản xuất thì Samsung trên toàn thế giới cũng sẽ chấp nhận và đòi hỏi một số lượng sản phẩm rất lớn”, ông Quốc nói.

Cần vốn lớn

Với việc Samsung động thổ dự án SEHC, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân kỳ vọng dự án của Samsung sẽ góp phần giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất sản phẩm công nghệ tiên tiến, hiện đại trong lĩnh vực điện tử, gia dụng. Đặc biệt, một trung tâm nghiên cứu và phát triển được xây dựng nằm trong dự án sẽ là bước tiến quan trọng.

Thực tế, chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ Việt Nam đã có hơn chục năm, nhưng vẫn loay hoay với bài toán vốn để có thể đầu tư trang thiết bị. Theo số liệu của Viện Chiến lược công nghiệp (Bộ Công Thương), Việt Nam có khoảng 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế tạo thì chỉ 200 doanh nghiệp trong nước đủ trình độ tham gia sản xuất cho nước ngoài, tập trung vào lĩnh vực xe máy và điện tử. Công nghiệp ôtô, dệt may, cơ khí đặt mục tiêu nội địa hóa 60-70%, song đến nay vẫn chủ yếu phải nhập linh kiện, nguyên phụ liệu từ nước ngoài.

Ông Trần Văn Quang, Vụ phát triển khoa học công nghệ địa phương (Bộ Khoa học & Công nghệ) nói tại cuộc tọa đàm về phát triển công nghiệp hỗ trợ tổ chức tại Hải Phòng ngày 12/5, nhìn lại công nghiệp hỗ trợ nhằm phát triển ngành công nghiệp ôtô, xe máy và các cuộc tìm kiếm doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất linh kiện cho Samsung, đã có sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước nhưng đến nay dễ trở thành con số không.

Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng cảm thấy "đáng tiếc" khi kể từ năm 2001, Nhà nước đã có quyết định thành lập khu công nghiệp hỗ trợ tại Hải Phòng, Vũng Tàu nhưng hiện vẫn chưa có chính sách cụ thể để các khu này phát triển nổi trội.

Để giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Phạm Công Tạc cho hay Chính phủ đã cho thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2015. Quỹ sẽ tài trợ, cấp kinh phí không thu hồi, cho vay ưu đãi lãi suất và bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn. Nếu đáp ứng được các tiêu chí về công nghệ tiên tiến, quỹ sẽ hỗ trợ tối đa 30% tổng kinh phí trong hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc 70% đối với các dự án liên quan bảo vệ sức khỏe, phòng chống thiên tai dịch bệnh hoặc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp tại địa bàn khó khăn. Quỹ cũng hỗ trợ tối đa 50% tổng kinh phí trong hợp đồng chuyển giao công nghệ đối với các dự án công nghệ cao.

Song vấn đề lại được đặt ra là với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia khi dùng hết thì năm sau Chính phủ lại phải bù tiếp để đạt 1000 tỷ đồng. Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, tuy quỹ có số vốn chưa lớn nhưng xem đây là một bước đột phá về phía Nhà nước để mở ra cơ hội cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng đồng thuận ý kiến trên và họ nhận định, đây cũng là một giải pháp được trông đợi để hỗ trợ cải tiến máy móc, làm chủ công nghệ, sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu “made in Vietnam”.

Trần Nguyên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này