Nên đóng cửa Sơn Đoòng để xây dựng phương án khai thác

09:32 | 28/05/2015
Sau khi vẻ đẹp hoang sơ và huyền bí của Sơn Đoòng lên sóng chương trình Chào buổi sáng của kênh truyền hình Mỹ, lượng khách đăng ký tour du lịch khám phá Sơn Đoòng tăng lên chóng mặt, thậm chí có thông tin tour du lịch này đã kín vé đến tận năm 2016. Đây quả là một tin mừng cho du lịch nước nhà nhưng cũng lại là nỗi lo cho việc bảo tồn vẻ đẹp Sơn Đoòng.
“Chào buổi sáng” nước Mỹ từ hang Sơn Đoòng

Thực tế, nhiều di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận như Hạ Long, Cố đô Huế, Phong Nha – Kẻ Bàng,…hiện đang bị đe dọa vì sự khai thác triệt để của địa phương. Hạ Long, vịnh đẹp hoang sơ, hiếm là thế nhưng một số đơn vị khai thác du lịch đã ngang nhiên xẻ núi, phá đá, bạt rừng ven biển, xâm hại nghiêm trọng đến di sản đại diện của nhân loại.

Tình trạng chèo kéo, chặt chém du khách, nạn xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường khiến nơi đây phần nào “mất điểm” trong mắt du khách. Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng cũng đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa như nạn săn bẫy động vật hoang dã, khai thác gỗ bừa bãi, ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước.

Một số di tích thuộc quần thể cố đô Huế bị chiếm đất làm nhà để kinh doanh dịch vụ. Tại thị xã Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm cũng đang bị biến dạng. Nhiều di tích như chùa chiền, đình đền đều bị xâm lấn bởi các hoạt động trần tục làm mất đi sự thư thái linh thiêng. Khi di sản, di tích được sử dụng với mục đích đại trà để phục vụ du lịch, thì hang Sơn Đoòng cũng không phải trường hợp ngoại lệ.

Nên đóng cửa Sơn Đoòng để xây dựng phương án khai thác
Thế giới đang trầm trồ, thán phục trước vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí của hang Sơn Đoòng

Lo lắng này là hoàn toàn có cơ sở, bởi lẽ sau khi được thế giới biết đến, được nhiều lời ca tụng, hàng triệu người sẽ tìm đến chốn thiên đường này. Lúc đấy vẻ đẹp hoang sơ của Sơn Đoòng ít nhiều cũng sẽ bị hủy hoại bởi con người, bởi sự khai thác du lịch ồ ạt.

Cách đây vài tháng, một dự án xây dựng cáp treo Phong Nha - Kẻ Bàng đã được đề ra. Song vì vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình cho rằng, dự án trên sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, trong đó có Sơn Đoòng nên dự án đang tạm thời chưa được triển khai. Nhưng liệu có vì sự kiện hang Én và hang Sơn Đoòng được lên sóng trực tiếp truyền hình Mỹ mà dự án cáp treo lại được triển khai với lý do phục vụ nhu cầu của đông đảo du khách?

Trao đổi với LĐLĐ về vấn đề này, PGS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, di sản văn hóa là của cộng đồng, của xã hội. Nếu không cho di sản đến với cộng đồng mà chỉ phục vụ một số người thì hoàn toàn không hợp lý. Sẽ mâu thuẫn khi vì nhu cầu bảo tồn mà cấm không cho phát triển di sản. Ngược lại nếu phát triển bừa bãi, cốt đặt mục tiêu lợi nhuận và phát triển kinh tế xã hội lên trên, không quan tâm đến bảo tồn thì cũng là mâu thuẫn. Hoạt động xã hội nào cũng có mặt được và mặt trái. Vấn đề là làm sao để phát triển du lịch mà ít ảnh hưởng đến di sản, môi trường nhất.

Sơn Đoòng được một người dân tình cờ phát hiện vào năm 1991. Đến năm 2010, trên tạp chí National Geographic đã công bố Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới khiến người dân Việt Nam cảm thấy tự hào. Hiện nay, Công ty Oxalis là đơn vị lữ hành duy nhất đưa khách thám hiểm Sơn Đoòng.

“Tôi được biết, trong quy định của UNESCO, mỗi một di sản thiên nhiên thế giới đều có một kế hoạch quản lý. Trong kế hoạch quản lý có một mục tiêu giữ được tính toàn vẹn, tính chất nguyên gốc của di sản. Điều này có nghĩa Ban quản lý Phong Nha Kẻ Bàng phải có kế hoạch quản lý đối với các yếu tố tác động đến di sản. Trong yếu tố tác động đến di sản, du lịch cũng là một yếu tố vừa tích cực vừa tiêu cực.

Vì vậy, kế hoạch quản lý phải làm sao vạch ra được các nhân tố tác động đồng thời vạch ra chương trình hành động để phát huy được tính tích cực và hạn chế được những mặt tiêu cực. Đồng thời tuyên truyền cho người dân nhận thức các giá trị của di sản, để họ có ý thức trong việc bảo vệ di sản đó. Nếu có cách tiếp cận đúng thì sẽ có giải pháp khắc phục phần nào tình trạng xâm hại di sản”, ông Bài khẳng định.

Còn theo ông Vũ Thế Bình, nguyên Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch, các nhà chuyên môn, các doanh nghiệp, quần chúng đều thống nhất bảo vệ vẻ đẹp nguyên sơ của Sơn Đoòng. Nhiều ý kiến cho rằng nên tạm thời đóng cửa Sơn Đoòng để xây dựng các phương án khai thác và bảo toàn trước khi phát triển du lịch tại đây. “Phát triển di sản mà không gìn giữ được nguyên trạng thì sẽ phá tan môi trường hiện có. Điều này cũng đã nói quá nhiều. Vấn đề ở đây là địa phương có nghe những ý kiến đóng góp đó không, hay vì quyền lợi của địa phương, của một nhóm lợi ích nào đó mà họ bất chấp”, ông Vũ Thế Bình lo lắng.

Sơn Đoòng được bảo vệ như thế nào trước tác động của con người là một câu hỏi không dễ trả lời. Hành trình khám phá ra Sơn Đoòng đã mất nhiều công sức, song tiếp theo câu chuyện đó sẽ là một phương án, về việc phát triển du lịch và công tác bảo tồn chốn thiên đường này.

Lưu Nhi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này