Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII:

Đã đóng thuế thì phải loại bỏ dần phí, lệ phí

14:08 | 26/05/2015
Đó là ý kiến của một số đại biểu Quốc hội (QH) khi trao đổi với PV bên lề hành lang QH liên quan đến dự thảo Luật phí và lệ phí do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày trước QH sáng nay.
Lệ phí cấp đăng ký và biển số xe thấp nhất từ 150.000 đồng
Lệ phí dự thi môn năng khiếu lên tới 300.000 đồng/ thí sinh
Nhiều loại phí và lệ phí sẽ được miễn thu
Đã đóng thuế thì phải loại bỏ dần phí, lệ phí
Quá nhiều loại phí, lệ phí

Dự án Luật Phí và lệ phí gồm 6 Chương, 22 Điều, được xây dựng nhằm: Thiết lập khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ về quản lý phí, lệ phí; đảm bảo thống nhất, phù hợp với quy định của Luật NSNN (sửa đổi) và các văn bản pháp luật có liên quan; Từng bước tập trung phản ánh kịp thời, đầy đủ nguồn thu từ phí, lệ phí; khắc phục hạn chế trong quản lý nguồn thu từ phí, lệ phí.

Dự án Luật Phí và lệ phí còn nhằm từng bước tính đúng, tính đủ các chi phí nhằm đáp ứng được các yêu cầu đặt ra đối với quá trình đổi mới cơ chế quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ công phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Đảm bảo chính sách phí, lệ phí công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính trong các ngành, lĩnh vực cung cấp các dịch vụ có thu phí, lệ phí.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí năm 2001 gồm 73 khoản phí. Qua rà soát còn lại 36/73 khoản phí được quy định trong Danh mục phí kèm Pháp lệnh phù hợp với thực tế, cần được kế thừa để đưa vào Luật Phí và lệ phí. Danh mục phí kèm theo Luật sẽ bao gồm 51 khoản phí. Trong đó, 36 khoản phí kế thừa Danh mục phí hiện hành và 15 khoản phí đang được quy định tại các Luật chuyên ngành. Danh mục lệ phí dự kiến kèm theo Luật, gồm 39 khoản. Trong đó, 30 khoản lệ phí kế thừa Danh mục lệ phí hiện hành và 9 khoản lệ phí đang được quy định tại các Luật chuyên ngành.

Về mức thu phí được dự thảo Luật quy định như sau: Mức thu phí đối với các dịch vụ do Nhà nước đầu tư phải bảo đảm bù đắp chi phí, thu hồi vốn, có tính đến những chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ; Mức thu phí đối với các dịch vụ do tổ chức, cá nhân đầu tư vốn phải bảo đảm thời gian thu hồi vốn, có lợi nhuận định mức, phù hợp với khả năng đóng góp của người nộp.

Đối với lệ phí, pháp luật hiện hành quy định: Mức thu lệ phí được ấn định trước đối với từng công việc, không nhằm mục đích bù đắp chi phí; riêng mức thu lệ phí trước bạ được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên giá trị tài sản trước bạ. Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mức thu lệ phí tuy có khác nhau và không phải lúc nào cũng đặt vấn đề bù đắp chi phí. Lệ phí gắn liền với hoạt động quản lý nhà nước (dịch vụ hành chính công), do cơ quan nhà nước thực hiện nên quy định mức thu lệ phí không nhằm mục đích bù đắp chi phí là phù hợp. Vì vậy, dự thảo Luật kế thừa quy định như hiện hành.

Về thẩm quyền của Bộ Tài chính, dự thảo Luật quy định: Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với các phí, lệ phí thuộc thẩm quyền; Hướng dẫn thực hiện chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền phí, lệ phí thu được. Còn HĐND cấp tỉnh quyết định mức thu; miễn, giảm; chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí được phân cấp, do Uỷ ban nhân dân cùng cấp trình theo quy định.

Đã đóng thuế thì phải loại bỏ dần phí, lệ phí
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển
đề nghị cần bỏ bớt các loại phí và lệ phí

Để tránh tình trạng lạm thu hoặc thu phí tràn lan, đại diện cơ quan thẩm tra Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: “Chế độ quản lý thu, nộp, sử dụng các khoản phí, lệ phí hiện hành thiếu thống nhất. Nhiều khoản thu, chi từ phí, lệ phí chưa đúng các quy định của pháp luật, dẫn đến tình trạng lạm thu hoặc bỏ sót nguồn thu. Sử dụng lãng phí, thiếu minh bạch, công khai, công bằng và hiệu quả”.

Theo cơ quan thẩm tra của Quốc hội, việc chuyển học phí, viện phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật phí và lệ phí để thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ nhận được sự đồng tình, mục đích là nhằm khuyến khích đẩy nhanh thực hiện xã hội hóa, thu hút đầu tư để phát triển dịch vụ. Song đây là các lĩnh vực tác động mạnh đến đời sống của mọi tầng lớp dân cư, do vậy, đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ với Quốc hội về lộ trình, cơ chế quản lý và tác động xã hội đối với nội dung này.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, có thể bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí có số thu thấp, chi phí hành thu cao; một số khoản phí không phù hợp, có thể gây bức xúc cho người dân (như phí sử dụng lề đường, lòng đường, vỉa hè, phí giao thông đối với xe gắn máy...) nhằm giảm thủ tục hành chính, chi phí hành thu.

Trao đổi với PV, một số ĐB cho rằng xết trên thực tế hiện nay hầu hết bất luận mua gì, sử dụng gì người dân đều phải đóng thuế. Ví như đã có sổ hồng, sổ đỏ người dân vẫn phải đóng thuế sử dụng nhà đất; phương tiện ô tô, xe máy ngoài thuế trước bạn phải đóng phí đường bộ, mua xăng đóng thuế môi trường, mua hàng hóa, sử dụng điện nước đóng thuế VAT, vậy mà lại phải chịu cả mấy chục loại phí và lệ phí. Ở các nước đã đóng thuế thì không bao giờ có phí và lệ phí. Bởi thế, cần phải xem xét thấu đáo vấn đề này.

Tổng hợp số thu NSNN từ phí, lệ phí từ năm 2011-2013, như sau: Năm 2011: 42.023 tỷ đồng; Năm 2012: 29.112 tỷ đồng; Năm 2013: 31.271 tỷ đồng. Trong đó, số thu NSNN từ phí, lệ phí của các cơ quan Trung ương: Năm 2011: 2.476 tỷ đồng; Năm 2012: 2.080 tỷ đồng; Năm 2013: 1.871 tỷ đồng. Số thu NSNN từ phí, lệ phí của các địa phương: Năm 2011: 37.775 tỷ đồng; Năm 2012: 25.150 tỷ đồng; Năm 2013: 27.554 tỷ đồng.

Lê Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này