Hạn chế hút thuốc lá ở đám cưới, đám ma

Phải xử phạt cán bộ vi phạm trước

09:56 | 23/05/2015
Những ngày qua, người dân cả nước xôn xao trước thông tin Bộ Y tế có công văn đề nghị hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám đang, lễ hội trên địa bàn dân cư. Nhiều người tỏ ra đồng tình với văn bản được đưa ra, tuy nhiên không ít người tỏ ra lo ngại về tính khả thi khi văn bản chính thức được thực hiện.
Khoảng 30 triệu người Việt Nam bị tác động bởi thuốc lá
Cấm hút thuốc lá tại nhà ga, bến xe

Số người chết vì thuốc lá gấp 3 lần TNGT

Được biết, tại hội thảo hưởng ứng “Ngày thế giới không hút thuốc lá và tăng cường thực thi luật Phòng chống tác hại của thuốc lá” vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có văn bản gửi tới UBND các tỉnh, thành phố, đề nghị đưa quy định hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám đang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước. Theo thông tin từ Bộ Y tế, việc sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh ung thư phổi, đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Hàng năm số người chết vì thuốc lá cao hơn số người chết vì căn bệnh HIV/AIDS và cao gấp 3 lần số người chết do TNGT.

Phải xử phạt cán bộ vi phạm trước
Không hút thuốc lá nơi công cộng tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của người xung quanh

Trước những thực trạng đáng buồn mà hệ quả của việc hút thuốc lá mang lại, anh Phạm Duy Khánh nhân viên một công ty truyền thông trên đường Đinh Lễ, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, để cấm người dân hút thuốc lá tại đám cưới, đám ma, lễ hội…là rất khó. Nhưng việc hạn chế người dân hút thuốc ở những nơi này là hoàn toàn hợp lý.

Cùng chung quan điểm với anh Duy Khánh, chị Nguyễn Hồng Tươi ở Hoàng Mai, Hà Nội cho rằng, việc hút thuốc lá ở nơi công cộng hoặc ở các đám cưới, đám ma không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người hút, mà còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh. Đề xuất này của Bộ Y tế rất hay và phù hợp với thực tế, vì theo chị ở những chỗ đông người khói thuốc lá vẫn tràn lan làm ảnh hưởng đến nhiều người.

Cần chế tài đủ mạnh

Được biết, từ sau khi có quyết định chính thức về xử phạt hành vi hút thuốc lá tại các địa điểm bị cấm và Nghị định 176 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực, hiện tại hầu như chưa có trường hợp nào bị phạt vì vi phạm hành vi hút thuốc lá. Theo chị Hồng Tươi, cần phải có chế tài đủ mạnh nếu không người hút vẫn cứ hút, không ai bị phạt cả. Chị Tươi cũng cho rằng, việc xử lý cần phải linh hoạt phù hợp với thực tế, vì trong đám ma hay đám cưới người dân đang đau buồn hoặc vui vẻ mà đột nhiên bị nhắc nhở hay xử phạt thì sẽ rất dễ gây hiệu ứng trái chiều. “Theo tôi, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền để người dân có ý thức hơn trong việc hút thuốc lá nơi công cộng. Đặc biệt phải xử phạt nghiêm các cán bộ, những người là công chức nhà nước vi phạm trước để làm gương. Khi các chế tài được áp dụng với người dân sẽ dễ dàng thực hiện hơn”, chị Tươi chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi về vấn này, luật sư Nguyễn Văn Nguyên – Giám đốc Công ty luật Hưng Nguyên (Hội luật sư TP. Hà Nội) cho biết, ngày từ năm 2012 khi luật phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực, thì ngay trong luật này cũng đã nhắc đến quy định hạn chế hút thuốc lá trong đám cưới, đám tang, lễ hội. Tuy nhiên, văn bản Bộ Y tế đưa ra hạn chế hút thuốc ở đám cưới, đám ma, lễ hội và đưa vào hương ước, theo quan điểm của tôi, trong xã hội hiện nay hương ước gần như không còn tồn tại trong thực tế và nếu còn cũng không nghiêm như trước đây được. Việc Bộ Y tế đưa ra văn bản hạn chế thuốc lá và tác hại của thuốc lá là phù hợp nhưng phải có các chế tài kèm theo. Nếu cần thiết, Bộ Y tế nên phối hợp với Công an, Bộ Tư pháp…để người dân thực hiện nghiêm theo pháp luật.

Luật sư Nguyên cho rằng, trong khi các quy định của pháp luật về xử phạt hành vi vi phạm về hút thuốc lá chưa phát huy tác dụng, cơ quan chức năng cần tăng thuế đặc biệt đối với việc tiêu thụ thuốc lá. Nhà nước cần phải có những giải pháp cụ thể hơn nhằm hạn chế các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá cũng như tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này. “Chúng ta cần đứng về góc độ lợi ích cá nhân, lợi ích xã hội chứ không nên đứng ở góc độ các doanh nghiệp sản xuất để đánh giá tác hại của thuốc lá. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cũng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền người dân trong việc nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá đối với bản thân và đối với toàn xã hội bằng những chương trình, hành động cụ thể. Khi đó, người dân sẽ chủ động hơn trong việc thực hiện những chủ trương của Nhà nước đưa ra đối với vấn đề phòng chống tác hại của thuốc lá”, luật sư Nguyên nhấn mạnh.

Đạt Đỗ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này