Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII

Xác định những việc cần làm ngay

14:48 | 21/05/2015
Sáng qua (20/5) kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII đã khai mạc. Theo chương trình, tại kỳ họp này, Quốc hội (QH) sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật, trong đó có nhiều dự án luật quan trọng, có tác động đến sự phát triển của đất nước và đời sống của nhân dân như: Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi, Luật Chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Ban hành văn bản pháp luật...
3.854 kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Năm 2015 là năm "về đích" các chỉ tiêu Đại hội Đảng XI và Quốc hội khóa XIII đề ra, Kỳ họp thứ 9 là cơ hội để nhìn lại chặng đường phát triển của đất nước, qua đó xác định những việc cần làm ngay, những việc cần tiếp tục hoàn thành trong năm 2015 và chặng đường còn lại của kế hoạch 5 năm; phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu Kinh tế - Xã hội mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.

Xác định những việc cần làm ngay
Quang cảnh kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII

Hơn 500 ngàn lao động có việc làm Theo báo cáo của Chính phủ, trong 4 tháng đầu năm, ước tạo việc làm cho khoảng hơn 500.000 người, đạt 31,2% kế hoạch, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Tạo việc làm trong nước đạt 465.000 người, tăng 2,6%; xuất khẩu lao động 35,7 nghìn người, tăng 3,9%. Tiếp tục thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề, tìm việc làm cho người lao động.

Thời gian tới, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Thực hiện tốt các chính sách trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội. Phát triển các mô hình chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội dựa vào cộng đồng.

Báo cáo trước QH, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khái quát bức tranh Kinh tế - Xã hội 5 tháng đầu năm, trong đó chỉ rõ: “Kinh tế vĩ mô ốn định, lạm phát được kiếm soát, tăng trưởng được phục hồi trong hầu hết các ngành, lĩnh vực; tăng trưởng GDP cao hơn hai năm trước, sau 4 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015), năm 2014 là năm đầu tiên có mức tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra. Cụ thể, trong tống số 14 chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao có 10 chỉ tiêu đạt cao hơn so với số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội, không có chỉ tiêu nào thấp hơn so với số đã báo cáo Quốc hội. So với kế hoạch năm 2014, có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ những hạn chế, đó là: “Việc triến khai nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế còn chậm, chất lượng, hiệu quả chưa cải thiện nhiều. Cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, cơ cấu chi ngân sách chưa hợp lý. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về thị trường tiêu thụ và khả năng cạnh tranh.

Đáng lưu ý, chất lượng nguồn nhân lực cải thiện chưa thật rõ nét, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triến. Đời sống của một bộ phận nhân dân ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn, kết quả giảm nghèo ở một số nơi chưa thực sự bền vững”.

Để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6.2% trong năm nay, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XI (2011- 2015), Phó Thủ tướng cho rằng, bên cạnh việc phát huy sức mạnh tổng lực của toàn thể hệ thống chính trị, Chính phủ cũng xác định những việc cần làm ngay trong thời gian tới để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Xem xét sửa đổi điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 9 QH khóa XII, Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Cử tri nhận xét Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014 đã đáp ứng được mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện để người lao động hưởng lương hưu hàng tháng, đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già. Song do nhu cầu cuộc sống trước mắt mà một bộ phận người lao động có nhu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần. Do vậy, thời gian vừa qua ở một số địa phương có tình trạng người lao động ngừng việc tập thể, phản đối quy định về giải quyết bảo hiểm xã hội một lần theo điều 60. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm nghiên cứu, xem xét để có các giải pháp đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu đa dạng trong việc lựa chọn hình thức trợ cấp bảo hiểm xã hội, phù hợp với quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và điều kiện thực tế.

L. Hà- N. Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này