Thư gửi vợ:

Hôn nhân luôn là một trường học

21:16 | 21/05/2015
Từ ngày lấy em, anh mới nhận ra rằng, hôn nhân luôn là một trường học. Ở đó, anh ngẫm ngợi và rút ra khá nhiều điều mà những người độc thân không dễ gì có được...
Ra mắt bộ phim truyền hình “Hôn nhân trong ngõ hẹp”
Bí kíp để tránh mâu thuẫn hôn nhân
Giữ cảm hứng cho hôn nhân
Lãng mạn thời hôn nhân

Có em, anh mới hiểu, hóa ra đồng hồ không phải để xem giờ. Em có chừng hơn một tá những cái đồng hồ với màu sắc khác nhau. Em bày chúng chật cả ngăn tủ. Hôm qua, người đến lắp máy tính còn rụt rè hỏi anh: Chú bán đồng hồ à ?. Đối với em, đồng hồ chỉ là để chưng diện khi ra đường. Chắc em nghĩ, ở nhà không cần quan tâm đến thời gian. Nhiều đồng hồ là thế nhưng mỗi khi cần xem giờ, nếu không có anh ở cạnh thì em… rút điện thoại ra xem. Hoặc nếu có anh, em sẽ hồn nhiên mà vóng vót: "Anh ơi, xem hộ em mấy giờ rồi ?".

Anh xem giờ, rồi liếc vào cái đồng hồ lấp lánh trên tay em, nghĩ đến mớ đồng hồ lủng củng nằm nhà, lòng anh không khỏi phân vân. Dường như hiểu ý anh, em cười bẽn lẽn: "Mấy cái đồng hồ này cấu tạo hơi phức tạp nên khó nhìn giờ lắm". Ơ kìa, hóa ra em mua đồng hồ là vì cái sự long lanh của nó. Thế có phải là đồng hồ không dành để xem giờ không ?. Đó là điều làm anh ngẫm mãi.

Hôn nhân luôn là một trường học

Có em, anh mới hiểu giữa những kế hoạch dự định ban đầu và việc thực hiện chúng nhiều khi chả liên quan gì đến nhau. Anh ví dụ nhé, em dự định mua một cái điện thoại. Ban đầu, em trò chuyện với anh như một chuyên gia về công nghệ thứ thiệt. Em nói em sẽ mua một cái điện thoại có cấu hình mạnh (anh thì nghe từ “cấu hình” một cách hoàn toàn lơ đãng). Rồi sau đó em nói em sẽ mua một chiếc điện thoại có "thương hiệu". Nói gì thì nói, điện thoại có thương hiệu sẽ yên tâm về chất lượng. Để xây dựng nên thương hiệu, người ta đã phải bỏ ra bao nhiêu tâm huyết và công sức. Có một cái tên trong làng công nghệ, đúng là “không phải dạng vừa đâu” anh nhỉ.

Rồi em nói sẽ mua một cái điện thoại có giá tiền vừa vừa thôi. Điện thoại, xe máy… chỉ là phương tiện, mình nghèo, không cần phải lãng phí tiền bạc vào chúng quá. Cần gì hơn thua nhau cái điện thoại phải không anh ? Anh gật gù ra chiều tâm đắc.

Và cuối cùng, em nhấn mạnh: "Em thề là em sẽ không quan trọng về hình thức. Điện thoại là để gọi, để giao dịch chứ có phải quần áo, túi tiếc gì đâu mà cần đẹp, mà cần long lanh". Em nói với anh bằng ánh mắt ngời sáng, bằng một niềm tin mãnh liệt về những điều mình suy nghĩ. Rồi em đi ra hàng điện thoại bằng tất cả sự hăm hở và mãnh liệt ấy. Em chọn mua một chiếc điện thoại, rất nhanh, không chần chừ, chỉ bởi hình thức nó… quá đẹp.

Vậy đó. Anh lại ngẫm mãi về sự khác biệt giữa "kế hoạch" và "hiện thực" là thế.

Có em, anh mới biết không phải lúc nào những câu chuyện cười của mình cũng có tác dụng gây cười. Vốn là người hài hước, trong dạy học, anh thường hay kể những câu chuyện vui. Nhiều khi sinh viên cười lăn lộn mà mặt anh thì cứ tỉnh bơ. Đấy, học sinh thì yêu thích thế. Nhưng riêng em, một “cựu sinh viên” của anh thì lại thờ ơ. Lạ thế.

Hôm trước khi xem phim Hàn Quốc, vừa xem em vừa sụt sịt, mắt mũi tèm lem, tay chấm chấm, miệng khào khào: "Anh ơi, sao cái cô ấy xinh mà khổ quá anh nhỉ ? Đúng là hồng nhan bạc phận. Chẳng lẽ xinh cũng là một cái tội hả anh ?".

Anh đã an ủi em rằng: "Ừ, đúng là hồng nhan bạc phận đấy nhưng em yên tâm, nếu xinh đẹp là một cái tội thì em …vô tội". Nói xong, anh cười tủm tỉm. Cứ tưởng em cũng sẽ cười. Vậy mà em làm mặt lạnh. Và còn rất nhiều lần những câu chuyện cười của anh rơi tõm vào lặng im. Cho nên, anh mới thấy, không phải lúc nào truyện cười với em cũng là vui.

Có em, anh tự nhiên thấy các tính toán khoảng cách cho những quãng đường đi của mình xem chừng lung lay lắm. Anh chịu không thể ước lượng được thời gian em sẽ đi từ điểm này đến điểm kia. Không hẳn vì em lạc đường mà chủ yếu phụ thuộc vào vô số thứ em gặp trên đường, vào tần suất các cuộc điện thoại.

Ví dụ nhé, nếu anh cần đi từ nhà đến nơi làm việc thì đường đi sẽ được tính là: Nhà mình rồi đến cơ quan. Cũng con đường đó, nếu em thì sẽ là: Nhà mình đến “con đường tình yêu”- con đường có hàng cây lộc vừng gần thư viện (dừng lại chụp ảnh tự sướng), đến quán Scafe (dừng lại nói chuyện với bạn bè), đến sân hiệu bộ (dừng lại “buôn” điện thoại) và rồi mới đến nhà hiệu bộ. Đại loại thế. Đó là còn chưa kể, nếu vui chân, em sẽ rẽ vào một khoa nào đó để trò chuyện.

Em thay đổi lộ trình nhanh như chớp. Từ đi thẳng, em rẽ ngang, em tạt dọc, em quay đầu. Mọi thứ không thể lường trước. Như một cầu thủ hạng cừ có những cú lách bóng kinh điển, em cứ quay qua quay lại. Nên nhiều khi, anh hẹn em lên chỗ anh làm việc, anh đợi ở sân hiệu bộ. Gọi điện, em nói bắt đầu đi rồi mà nửa tiếng sau, với quãng đường hơn 500 mét, em vẫn ở chế độ “đang đi”. Nên anh ngạc nhiên lắm vì đối với em, giữa khoảng cách địa lý và thời gian hình như chả có gì liên quan đến nhau.

Hôn nhân luôn là một trường học

Có em, anh mới thấy nền điện ảnh sẽ còn thành công và phát triển dài dài. Em có thể xem cùng một thể loại phim từ ngày này sang ngày khác. Trong khi anh mải mê đọc sách, viết lách thì em phớt lờ tất cả. Dù chỉ loáng thoáng lướt qua màn hình nhưng anh vẫn có thể kể lại nội dung các bộ phim em xem.

Này nhé, việc tỏ tình chẳng hạn (màn luôn làm em cảm động nhất ấy), với phim Mỹ, sẽ là chả cần nói năng, chỉ nhìn nhau rồi lao vào "hun" lấy "hun" để. Thế là yêu.

Với phim chuyển thể từ truyện ngôn tình sẽ là: Ban đầu thì cãi lộn, ghét bỏ sau đó khi một người chuẩn bị bỏ đi thì người kia gọi giật lại, nói một câu sến súa. Vậy là yêu thôi.

Với phim cổ trang thì hai người lao vào đấu kiếm, tan tác hoa lá, chim muông. Rồi họ chạm vào nhau như hóa đá. Vậy là yêu.

Phim Việt Nam thì đuổi nhau quanh gốc cây, đuổi nhau quanh công viên, đuổi nhau trên bãi biển, rượt đuổi tít mù trên đồi...và rồi vác nhau đi tắm. Như thể nếu không có chạy nhảy và tắm táp thì sẽ mất vui. Vậy là yêu.

Đấy, anh tổng kết có đúng không. Vậy mà em có thể xem say sưa từ giờ này sang giờ khác, vừa xem vừa cảm thán. Nên anh mới hiểu, công thức nào của nhà làm phim cũng có thể làm lay động được trái tim nhạy cảm của em.

Có em, anh mới hiểu, có những “hiện tượng tâm lý” mà không một chuyên gia tâm lý nào có thể giải thích nổi. Ví như, hễ em đi ăn với bạn bè, thức ăn bày lên, mọi người đói meo nhưng cũng phải là chụp ảnh “cúng” facebook rồi ăn mới ngon được. Hoặc, khi có quá nhiều việc cần phải làm, có quá nhiều điều cần phải suy nghĩ, cách em lựa chọn sẽ là… đi ngủ. Hoặc, khi em đã ăn mặc thật đẹp, đã xịt nước hoa thơm lừng, đã đeo cái đồng hồ long lanh ưng ý, thì quả sẽ là một sự lãng phí khủng khiếp nếu em không gặp được vài ba cô bạn thân… Và còn rất nhiều điều như thế, những “hiện tượng” mà đối với anh thật là khó hiểu.

Có em…

Ái chà, có quá nhiều rắc rối, có quá nhiều điều lạ lẫm mà với một người vốn trầm tính như anh, thật khó để mà hiểu.

Hôn nhân là trường học để mình thương mình và mình biết thương ta.

Nhưng có lẽ chính vì vậy mà anh càng thêm yêu ngôi nhà bé nhỏ và “phức tạp” của mình. Để mỗi ngày, anh được ăn những bữa cơm nấu từ vị yêu thương. Để anh lụi hụi bưng bát cháo thơm lừng dâng lên bố mẹ, để em lụi hụi tưới giàn cây mướt xanh trên sân thượng nhà mình, để anh ríu rít đùa vui cùng con mèo mặt bếu…

Sáng nay trời nắng gắt oi nồng nhắc anh về mùa hạ, mùa của chuyến đi. Trong mỗi chuyến đi, nếu ai đó luôn dành một phần cho hành trình trở về nhà thì thật là hạnh phúc. Đó cũng là những chuyến đi đáng giá để mỗi chúng ta có thể sống được nhiều hơn, đi được dài và xa hơn, phải không em ?

Đỗ Xuân Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này