Cán bộ công đoàn phải “ba cùng” với công nhân

15:00 | 19/05/2015
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu không chỉ là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, mà Người còn đặt cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc thành lập và phát triển tổ chức công đoàn Việt Nam - một tổ chức quan trọng đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Trao giải Cuộc thi viết về học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Trao Giải sáng tác về 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM'

Trong suốt quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới từng bước đi, bước trưởng thành của Công đoàn Việt Nam. Người thường xuyên quan tâm đến công tác công đoàn và phong trào công nhân lao động. Người yêu cầu Công đoàn các cấp phải đoàn kết và phối hợp giúp đỡ nhau giữa các tổ chức và các ngành nghề; chống tư tưởng chờ đợi, ỷ lại và cục bộ; phải có kế hoạch bồi dưỡng các anh hùng và chiến sĩ thi đua để phát huy vai trò kiểu mẫu và tác dụng đầu tàu của họ; đối với anh em lao động trí óc và cán bộ khoa học kỹ thuật, phải có kế hoạch giúp đỡ họ không ngừng tiến bộ. Công đoàn phải làm tốt công tác bảo hộ lao động, phải thực sự chăm nom nơi ăn, nhà ở của công nhân viên chức. Trong nội bộ tổ chức công đoàn cũng phải thực hành dân chủ thực sự, đi đôi với tôn trọng sự lãnh đạo tập thể. Mỗi khi ra một chỉ thị, nghị quyết đều phải vì lợi ích chung của quần chúng, tìm hiểu trình độ tiếp thu của quần chúng để biết kết quả thực tế mà uốn nắn sửa chữa. Bất cứ làm gì cũng đều phải chuẩn bị cho tốt, có kế hoạch làm cho thiết thực.

Tại hội nghị cán bộ công đoàn cơ sở toàn miền Bắc năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ mong muốn, cán bộ công đoàn cần có tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường, quyết tâm khắc phục khó khăn làm tròn nhiệm vụ mà Đảng đã giao phó. Cán bộ công đoàn phải là người hiểu biết sản xuất, đời sống, nguyện vọng của công nhân, viên chức, phải hiểu chính sách của Đảng, phải hiểu về quản lý kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Cán bộ công đoàn “phải giỏi cả về chính trị, thạo về kinh tế” thì mới lãnh đạo được đội ngũ công nhân ngày càng phát triển.

Người hết sức chú trọng đến việc gần gũi công nhân viên, tham gia lao động của cán bộ công đoàn. Người nói: "Cán bộ công đoàn phải tham gia lao động, gần gũi công nhân viên chức. Cán bộ công đoàn mà xa công nhân thì làm tròn nhiệm vụ làm sao được?". Người căn dặn: “Cán bộ công đoàn phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và bàn bạc với công nhân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Nếu ai cũng hăng hái làm mà có một số công nhân lười cũng không được. Muốn giữ kỷ luật lao động phải có tinh thần hăng hái, có tính sáng tạo. Tính hăng hái, sáng tạo tỏ ra ở chỗ thi đua. Thi đua không phải là tranh đua. Mọi người phải cố gắng tiến bộ, không giấu nghề, người đi trước hiểu biết, dẫn người đi sau, làm cho mọi người cùng tiến bộ”.

Từ những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ những năm 1960, nhiều phong trào thi đua lớn đã được phát động mang lại những kết quả vô cùng to lớn như: Phong trào “Thi đua ái quốc”, phong trào “Tăng gia sản xuất”, “Tất cả cho tiền tuyến”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Năng suất – chất lượng – hiệu quả”, “Lao động giỏi”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Thi đua hai tốt”… Với tư duy “Thi đua là yêu nước”, đến nay, những phong trào thi đua lao động sản xuất trong CNVCLĐ ngày càng được nhân rộng và lớn mạnh cả về chất và lượng, như phong trào “Công nhân giỏi”, “ Sáng kiến sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”,… góp phần làm giàu cho đất nước.

Trải qua thời gian, tổ chức Công đoàn các cấp đã không ngừng đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, không ngừng phát triển và trưởng thành, trở thành điểm tựa cho đông đảo công nhân, viên chức, lao động; là lực lượng đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiếp tục thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với khẩu hiệu: “Đổi mới, sáng tạo, vì lợi ích của đoàn viên, công nhân, viên chức lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước”.

Thương Huế

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này