Dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động:

Khó thực hiện khi áp dụng với lao động nước ngoài tại Việt Nam

14:11 | 19/05/2015
Dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đưa ra một số quy định mới. Trong đó có quy định đối tượng áp dụng được mở rộng cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo ý kiến của TS Phạm Đỗ Nhật Tân – nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐTBXH, để áp dụng được quy định này với đối tượng lao động nước ngoài là khó khả thi.
Dự luật ATVSLĐ: Cần làm rõ vai trò của giới chủ sử dụng lao động

Những tác động tích cực của luật mới

Trong một số quy định của dự thảo Luật ATVSLĐ có quy định đối tượng áp dụng không chỉ áp dụng đối với lao động có quan hệ lao động mà còn được mở rộng cho cả đối tượng không có quan hệ lao động, đồng thời còn áp dụng cho cả người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam (khoản 3 và 4 Điều 2). Công tác điều tra, thống kê được coi trọng nhằm quản lý và giám sát tốt hơn các rủi ro của người lao động khi bị tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN). Dự thảo Luật đã thiết kế một số điều, khoản quy định cụ thể về việc khai báo, điều tra và thống kê tai nạn lao động, trong đó có báo cáo về lao động chết do tai nạn trong quá trình làm việc của người lao động không có quan hệ lao động (từ Điều 30 – 34).

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bổ sung một số chế độ đối với người lao động, gia tăng mức thụ hưởng nhằm hỗ trợ tốt hơn khi họ gặp rủi ro về TNLĐ, BNN như: Một số quy định về chế độ đối với người bị TNLĐ- BNN từ Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN đã được thiết kế, bổ sung thêm so với quy định trước, như chế độ hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ-BNN, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ-BNN khi trở lại làm việc. Đây là hai quy định mới có tác động tích cực không chỉ đối với người lao động mà còn cả với người sử dụng lao động, giúp họ có ý thức hơn về công tác ATVSLĐ tại đơn vị mình.

Khó thực hiện khi áp dụng với lao động nước ngoài tại Việt Nam
Để áp dụng được quy định này với đối tượng lao động nước ngoài là khó khả thi

Dự thảo đã quy định chế độ TNLĐ, BNN đối với người lao động trong khu vực không hưởng tiền lương, tiền công nhằm hướng tới sự bình đẳng và công bằng đối với mọi người lao động trong xã hội; quy định Quỹ TNLĐ-BNN đối với người lao động không có quan hệ lao động với phương thức tham gia tự nguyện trên cơ sở mức đóng và chế độ hưởng tùy thuộc vào điều kiện kinh tế- xã hội cụ thể từng giai đoạn. Có thể nói, đây là một trong các quy định mang tính định hướng song nhằm tăng độ bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng của chính sách này.

Một số vấn đề cần làm rõ

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mới, dự thảo Luật ATVSLĐ vẫn còn một số vấn đề cần được làm rõ. Cụ thể, theo Khoản 4 Điều 2 của dự thảo có quy định đối tượng áp dụng là người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Quy định này sẽ được hiểu người lao động nước ngoài làm việc kể cả người có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động. Điều này sẽ khó khả thi khi áp dụng các quy định của dự thảo Luật. Đối tượng này nên quy định như Luật Bảo hiểm xã hội sẽ đảm bảo sự tương thích và khả thi hơn, đó là “Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp” .

Cũng theo dự thảo, các chế độ đối với người bị TNLĐ-BNN sẽ được chi trả 6 chế độ (Điều 39). Quy định này liên quan tới các chế độ trợ cấp một lần và trợ cấp hàng tháng, trợ cấp phục vụ. Tuy nhiên, tại Điều 51 về trợ cấp một lần khi người lao động chết do TNLĐ- BNN lại chưa được thể hiện rõ việc chi trả lấy từ đâu? Bên cạnh đó, đối tượng lao động nước ngoài làm việc tại VN có được áp dụng các chế độ trên không khi bị TNLĐ – BNN ?.
Ngoài ra, việc mở rộng chính sách tham gia bảo hiểm TNLĐ-BNN đối với người lao động không hưởng tiền lương, tiền công (quy định tại tiết c khoản 3 Điều 7, khoản 3 Điều 60) là quy định mới và có ý nghĩa tích cực nhưng cần phải được cân nhắc thêm khi thiết kế và thực hiện vì quy định liên quan tới lao động không hưởng lương tham gia bảo hiểm TNLĐ đã được đề cập tại Khuyến nghị 121 về trợ cấp TNLĐ-BNN của Tổ chức ILO năm 1964.

Việc quy định như dự thảo về chế độ này đối với người lao động không hưởng tiền lương, tiền công trong điều kiện hiện nay cũng như trong thời gian tới sẽ là khó khả thi khi chưa có sự nghiên cứu căn cơ và đánh giá đầy đủ về chính sách này đối với khu vực không có quan hệ lao động. Trong khi đó kể cả mặt nhận thức của người lao động và bộ máy tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập, do vậy, trước mắt và trong giai đoạn tới nên tập trung thiết kế các quy định và làm tốt các khâu như: Thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức người lao động; tập huấn, đào tạo, tư vấn phòng ngừa TNLĐ-BNN; hỗ trợ huấn luyện khi làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ cho người lao động thuộc khu vực này như trong Dự thảo đề cập là hợp lý hơn.

Điều 32 của dự thảo cũng quy định về thống kê, báo cáo tai nạn lao động kể cả lao động không có quan hệ lao động, song khi thống kê, báo cáo về bệnh nghề nghiệp (Điều 34) lại chỉ đề cập tới người lao động có quan hệ lao động. Như vậy, những người lao động không có quan hệ lao động làm việc tại các nơi môi trường ô nhiễm bị các bệnh hiểm nghèo thì trách nhiệm phát hiện, thống kê, báo cáo, có giải pháp khắc phục sẽ thuộc về cơ quan, cấp nào thực hiện? Hay vấn đề giới trong các quy định của dự thảo còn chưa được thể hiện rõ (ngoài Điều 61 và Điều 66 có đề cập mang tính nguyên tắc)…

H. Thành (lược ghi)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này