Chuyển giới chui: Hậu quả khôn lường

10:11 | 19/05/2015
Mới đây Bộ Y tế đã đề xuất cho phép chuyển đổi giới tính tại Việt Nam và đang hoàn thiện bản góp ý cho dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, trong đó có đề cập đến nội dung này, nhằm tạo điều kiện để người đồng tính tìm lại được con người thật của mình và tránh tình trạng thực hiện chuyển giới tại những cơ sở phẫu thuật chui.
Hương Giang Idol: Bản lĩnh của người đẹp chuyển giới
Nhan sắc Hoa hậu chuyển giới Thái Lan từ 2004 đến nay
Mãn nhãn với thí sinh cuộc thi "Hoa hậu chuyển giới 2014"

Nỗi khổ của người chuyển giới

Theo thống kê, cả nước có khoảng 500.000 người có giới tính không trùng với giới tính hiện có, tức là bên ngoài là nam nhưng trong suy nghĩ lại là nữ và ngược lại. Thế nhưng Việt Nam luật pháp chưa cho phép thực hiện việc chuyển đổi giới tính nên đến nay, có khoảng 1.000 người đã ra nước ngoài thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính và về sống trong nước.

Franky Nguyễn – nhà thiết kế chuyển giới đầu tiên ở Việt Nam là một ví dụ. Cô cho biết toàn bộ quá trình chuyển giới của mình được thực hiện trong vòng 5 năm với chi phí hơn 30 ngàn đô. Đây là số tiền không nhỏ, không phải người đồng tính nào cũng có điều kiện để thực hiện.

Tuy nhiên cũng theo chia sẻ của Franky, sau khi chuyển giới cô cũng gặp phải không ít phiền toái trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, nhất là khi đi giao dịch yêu cầu phải có giấy tờ tùy thân như giao dịch ngân hàng, tiếp xúc với phường... Bởi trên giấy tờ, giới tính của cô vẫn là nam nên phải mất thời gian giải thích, thậm chí có những nơi còn phải cung cấp cả hồ sơ thực hiện phẫu thuật chuyển giới ở nước ngoài để làm bằng chứng.

Chuyển giới chui: Hậu quả khôn lường
Ảnh minh họa

Hiếu Vy cho biết, có nhiều trường hợp không đủ tiền ra nước ngoài phẫu thuật nên chỉ có thể duy trì vẻ nữ tính tạm thời bằng cách tiết kiệm tiền để mua hormone chích mặc dù biết làm như thế sẽ nguy hiểm. Còn Trần Trọng Hiếu – nghệ danh Hiếu Vy (Trường Cao đẳng du lịch Hà Nội) từng được biết đến như một người mẫu lưỡng tính nổi danh thì cho biết, từ khi nhận ra giới tính thật của mình, Hiếu Vy luôn mong được phẫu thuật để trở thành phụ nữ thực sự, thế nhưng cũng như số đông những người cùng hoàn cảnh, vấn đề chi phí cho một cuộc phẫu thuật được tiến hành ở nước ngoài khá đắt đỏ nên Hiếu Vy không “kham” được. Vì thế để tạm thời duy trì vóc dáng của mình, Hiếu chỉ có thể thực hiện bằng cách hạn chế việc mang vác những món đồ nặng để không kích thích cho việc phát triển cơ bắp.

Thực tế cho thấy, vì luật chưa cho phép chuyển giới, các cơ sở y tế ở Việt Nam cũng không cung cấp dịch vụ tư vấn về việc chuyển giới, nên không hiếm những trường hợp đã chuyển giới nhưng không có tiền để duy trì sức khỏe sau hậu phẫu đã tự ý sử dụng hoóc môn, tiêm silicon dẫn đến những biến chứng, thậm chí mất mạng do sốc thuốc. Nhiều người chưa kịp hồi phục đã phải về Việt Nam vì không có tiền nằm lâu ở nước ngoài. Nếu có biến chứng, họ lại phải ra nước ngoài kiểm tra, điều trị. Như vậy, rõ ràng trong tình huống này, người không có tiền sẽ gánh hậu quả nghiêm trọng do muốn giữ hình thức đúng giới tính của mình.

Trường hợp của nhà thiết kế thời trang Franky Nguyễn hay người mẫu lưỡng tính Hiếu Vy chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp đang phải chịu nỗi khổ khó sẻ chia vì việc chuyển giới chui. Vì thế, thông tin về đề xuất mới của Bộ Y tế, có thể cho phép thực hiện chuyển đổi giới tính tại Việt Nam, khiến nhiều người trong giới vui mừng bởi việc thực hiện phẫu thuật này ở trong nước sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí và được “bảo lãnh” về mặt pháp luật.

Khảo sát về "Nhu cầu pháp lý của người chuyển giới" do Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội và môi trường (iSEE), Trung tâm ICS và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) thực hiện năm 2014, với 230 mẫu phỏng vấn trực tiếp ở Hà Nội và TP HCM. Kết quả cho thấy 78,1% người đồng tính mong muốn phẫu thuật chuyển giới. 11,1% đã phẫu thuật ít nhất một bộ phận trên cơ thể (ngực, cơ quan sinh dục hoặc cả hai). Trong đó 100% các ca phẫu thuật liên quan tới bộ phận sinh dục thực hiện ở nước ngoài, 83,3% ca cấy và cắt bỏ ngực thực hiện trong nước.

Tránh tình trạng ban hành luật kiểu “nước đôi”

Theo bản góp ý cho dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi mà Bộ Y tế đang hoàn thiện thì nội dung thực hiện chuyển đổi giới tính, gồm 2 phương án. Phương án thứ nhất không cho phép, không thừa nhận chuyển đối giới tính tại Việt Nam như lâu nay vẫn đang thực hiện. Phương án thứ hai là trong một số trường hợp đặc biệt thì có thể thực hiện việc chuyển đổi giới tính, được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật. Như vậy, theo phương án 1 có thể ngầm hiểu rằng không cấm nhưng cũng không thừa nhận việc chuyển giới.

Chia sẻ về phương án thứ nhất, người mẫu Hiếu Vy cho rằng, luật pháp thì phải rành mạch, rõ ràng để công dân có thể dễ dàng chấp hành, làm theo, không thể quy định kiểu nước đôi. “Các nước trên thế giới đã mở cửa và tạo điều kiện cho những người tìm lại giới tính thật của mình bằng phương pháp phẫu thuật chuyển đổi giới tính, vậy tại sao Việt Nam lại không? ” – Hiếu Vy nói.

Trong khi đó, phương án 2 cởi mở hơn nhưng vẫn khiến nhiều người băn khoăn. Theo bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội dẫn chứng người mong muốn chuyển đổi giới tính có hai trường hợp. Một là do rối loạn định dạng giới khi một người nam cứ nghĩ mình là nữ và ngược lại nên họ đã tìm đến phẫu thuật chuyển đổi giới tính để sống đúng với suy nghĩ của mình. Trường hợp 2 là nhiều người đàn ông muốn trở thành phụ nữ vì làm trong một số ngành nghề, lĩnh vực nếu là nữ thì công việc thuận lợi, dễ kiếm tiền hơn. Bà Mai đề nghị, việc xác định lại giới tính là nhân văn và cần được ủng hộ. Riêng với chuyển đổi giới tính thì nên cân nhắc đã phù hợp với văn hóa Việt Nam hay chưa.

Trước những luồng ý kiến băn khoăn rằng, nếu pháp luật cho phép thì sẽ dẫn đến trường hợp một số người chuyển đổi giới tính theo ý thích, nhà thiết kế thời trang Franky Nguyễn cho rằng, hầu hết đa số người chuyển giới là muốn trở về con người thật của mình như trường hợp 1, còn trường hợp 2 là ít và không thực tế, bởi không ai dại gì đánh đổi mạng sống của mình chỉ để kiếm tiền.

Trao đổi với LĐLĐ, PGS. TS Lê Quý Đức , nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, mọi sự đánh giá, phân tích nên dựa trên góc độ quan niệm người chuyển giới là một công dân bình thường để có cái nhìn công bằng. Bởi nếu họ gặp nhiều định kiến, kì thị sẽ khó tìm được công ăn việc làm ổn định, những người chuyển giới càng dễ mắc vào các tệ nạn xã hội và phạm tội. Tuy nhiên, việc cho phép phẫu thuật chuyển giới ở Việt Nam vẫn cần có những quy định rõ ràng, chặt chẽ, để tránh tình trạng giới trẻ đua nhau chuyển giới theo tâm lý đám đông và cũng là để tránh chuyển giới chui, gây hậu quả khó lường cho người trong cuộc.

Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này