Kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2015):

Bài học cần, kiệm, liêm, chính

15:47 | 15/05/2015
Quan liêu, tham nhũng, lãng phí là 3 căn bệnh nguy hiểm đang cản bước tiến của dân tộc.  Đẩy lùi những vấn nạn này đã, đang và sẽ được toàn Đảng, toàn dân tiến hành. Song vấn đề có tính chất quyết định là tìm ra mấu chốt dẫn đến tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí để “bốc thuốc” chữa trị không phải dễ dàng. Kỷ niệm 125 năm sinh nhật Bác, nghĩ về những điều dạy của Người liên quan đến bài học thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nguyên giá trị.
Trao Giải sáng tác về 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM'
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mắt cựu nhân viên ngoại giao Mỹ tại Sài Gòn

Luận giải kỹ nội dung về tiết kiệm và thực hành tiết kiệm, trong các cuộc nói chuyện với cán bộ, đảng viên, Người nhấn mạnh: tiết kiệm là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là xem đồng tiền to bằng cái nống; gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực. Bác dẫn chứng: “Liên Xô và các nước dân chủ mới, khi cách mạng mới thành công, chỉ có hai bàn tay trắng. Nhờ nhân dân thi đua sản xuất và tiết kiệm, tự lực cánh sinh, chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, nên dần dần dân giàu, nước mạnh. Việt Nam ta đang phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm, Chính phủ, đoàn thể và nhân dân đồng tâm nhất trí, thì nhất định thành công”.

Bài học cần, kiệm, liêm, chính
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng Bác luôn gương mẫu thực hành, tiết kiệm

Đi đôi với thực hành tiết kiệm là chống nạn tham ô, lãng phí, Người nói: “Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là ăn cắp của công làm của tư. Đục khoét của nhân dân. Ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình, cũng là tham ô. Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”. Còn lãng phí được Người chỉ rõ: “Là tiêu dùng bừa bãi; lãng phí bao gồm lãng phí sức lao động, lãng phí thời gian, lãng phí tiền của, lãng phí của cải vật chất của nhân dân, của đất nước. Cạnh đó, lãng phí là do trình độ non kém, do thiếu nghiệp vụ chuyên môn, do độc đoán đưa ra những quyết định sai lầm”.

Thế nên Bác chỉ rõ: “Chúng ta phải kiên quyết chống nạn lãng phí ở các cơ quan và trong sinh hoạt của chúng ta. Chống cách tiêu dùng bừa bãi tiền của của nhân dân và vốn liếng của Chính phủ. Hiện nay, có những cuộc khai hội, những lễ kỷ niệm, những đám yến tiệc tốn hàng vạn, hàng chục vạn. Cần phải chấm dứt nạn phô trương, lãng phí ấy. Trong lúc công nghệ cần phải xây dựng, đồng bào đang bị thiếu thốn, chúng ta không thể tha thứ những việc phô trương, lãng phí như vậy”. Và để tiếp tục kêu gọi chống nạn tham ô, lãng phí, báo Nhân dân, số 68, ngày 31/7/1952 có đăng bài viết “Chống quan liêu, tham ô, lãng phí” của Hồ Chủ Tịch dưới bút danh C.B. trong đó có đoạn viết: “Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần kiệm liêm chính, để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc. Đó là một nhiệm vụ quan trọng của mỗi người chúng ta”.

Những lời dạy của Bác về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí năm xưa cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn.

PV

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này