Đề xuất cấm đặt tên người vượt quá 25 chữ cái: Vi phạm quyền nhân thân ?

15:45 | 15/05/2015
Tại buổi làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12/5 về Bộ luật Dân sự sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, sau khi lấy ý kiến của nhân dân, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung nội dung: “Tên và chữ đệm của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam. Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cái”. Xung quanh đề xuất này đang có nhiều ý kiến trái chiều.
Đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu lao động cạo mủ cao su
Đề xuất bổ sung quyền được chết

LS Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest:

Theo tôi các quy định hiện hành tại Bộ luật Dân sự 2005 về quyền đối với họ, tên, quyền thay đổi họ, tên (điều 26, điều 27), là đủ và phù hợp. Trước khi đưa ra quy định cấm, hạn chế quyền đối với họ, tên vào luật, cần xem xét kỹ, liệu có bao nhiêu đất nước, đặc biệt là có nước phát triển nào làm như vậy hay không? Lịch sử pháp luật Việt Nam có quy định nào về điều cấm hay hạn chế đặt tên tương tự như vậy hay không?

Thực tế có rắc rối từ việc đặt tên đặc biệt, không theo “chuẩn” chung (việc này cơ quan báo chí đã phản ánh). Thế nhưng cần phải thấy rằng, công dân hiểu rõ nhất họ cần gì, và như thế nào là tốt nhất đối với họ. Hạn chế sử dụng biện pháp, quy định hành chính can thiệp các quan hệ dân sự là xu hướng tất yếu của một xã hội phát triển. Do đó, đối với quy định điều cấm, hoặc những hạn chế trong đặt tên là không cần thiết, bởi về bản chất đây là những quan hệ dân sự, nên để chủ thể (cá nhân) tự quyết định.

Đề xuất cấm đặt tên người vượt quá 25 chữ cái: Vi phạm quyền nhân thân ?

Về phía cơ quan hành chính, hiện nay đã có rất nhiều việc để làm. Thử đặt câu hỏi, trong bối cảnh hiện nay, năng lực cán bộ tư pháp cấp xã, phường đã thực sự đáp ứng tốt yêu cầu quản lý xã hội hay chưa. Nếu thêm quy định cấm hoặc hạn chế trong đặt tên, nghĩa là thêm việc, tăng thêm trách nhiệm cho đội ngũ này, có nghĩa là ở góc độ nào đó tăng biên chế và các hệ lụy đi kèm. Ví dụ như sẽ có tranh chấp hành chính giữa cơ quan quản lý nhà nước và công dân việc chấp thuận hay không chấp thuận với cách đặt họ, tên ai đó…

LS Trịnh Khánh Toàn -VPLS Quốc Thái:

Điều 14 Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCN Việt Nam quy định

1.Ở nước CHXHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

2.Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Điều 26 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định:

1. Cá nhân có quyền có họ, tên. Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.

2. Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

3. Việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”.

Đề xuất họ, tên và chữ đệm của công dân Việt Nam không được vượt quá 25 chữ cái có phần cứng nhắc và động chạm đến quyền nhân thân trong Hiến pháp. Hiến pháp quy định mọi người đều có quyền về họ, tên trong đó bao gồm cả việc đặt tên, thay tên, đổi họ. Bộ luật Dân sự 2005 cũng đã có quy định này để đảm bảo quyền nhân thân của một con người và ở đó không bị hạn chế về kiểu tên, số lượng chữ, từ trong thành phần kết cấu nên tên và chỉ cần tên miễn là phát âm được bằng tiếng Việt.

Việc đặt tên kèm theo tiếng nước ngoài không ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục hay bất kỳ người nào khác. Vì thuần phong mỹ tục chỉ đặt ra khi nó xâm hại hoặc đạo đức, hoặc hình ảnh quê hương, dân tộc. Ngay cả vợ, con của người có quốc tịch nước ngoài thì đương nhiên sẽ có tên nửa tây, nửa ta. Nhưng nước ngoài họ vẫn để cho tự do về việc này. Hoặc giống như những vùng dân tộc, tên rất khó đọc và khác tiếng Việt, nhưng vẫn phải tôn trọng vì đó là quyền và nó lại phù hợp với mỗi vùng miền, văn hóa và nguồn gốc của họ...

LS Dương Kim Sơn -Đoàn luật sư TP Hà Nội:

Quyền đối với họ, tên là một trong những quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp và Bộ luật Dân sự. Đây là quyền năng gắn liền với nhân thân của mỗi người, theo đó mỗi cá nhân đều có quyền đối với họ tên của mình như quyền được đặt tên, quyền thay đổi họ, tên… trên cơ sở quy định của pháp luật và không trái với đạo đức và phong tục tập quán của Việt Nam.

Theo tôi, với đề xuất họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá 25 chữ cái vô hình chung đã cản trở công dân thực hiện quyền nhân thân của mình được quy định trong Hiến pháp và Bộ luật Dân sự. Pháp luật đã trao cho mỗi cá nhân có quyền đối với họ tên của mình thì đương nhiên họ được thực hiện quyền năng đó. Do đó, chúng ta nên tôn trọng công dân được thực hiện những quyền cơ bản của mình trên cơ sở pháp luật và đạo đức xã hội.

Võ Hoàng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này