Hoạt động tín dụng tiêu dùng: Quản lý chặt để hạn chế rủi ro

11:45 | 16/05/2015
Theo nội dung 2 dự thảo thông tư của Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ ban hành trong thời gian tới thì ngân hàng thương mại sẽ không được cho vay tiêu dùng, tùy theo lộ trình do nhà quản lý quy định. Trước những quy định siết chặt đó nên nhiều ngân hàng đã đi tắt đón đầu, mở thêm công ty tài chính để chuẩn bị cho việc tiếp tục hoạt động kinh doanh cho vay tiêu dùng sau khi các thông tư nói trên được phê duyệt và chính thức có hiệu lực.
Lo tín dụng bơm tiền cho bất động sản ?
Ngân hàng “đứng cho vay, quỳ thu nợ”!

"Nở rộ" công ty tài chính của ngân hàng

Hiện nay, cho vay tiêu dùng không là nguồn mang lại lợi nhuận khủng cho các ngân hàng, thế nên, lo ngại bị “tước” quyền cho vay tiêu dùng trong thời gian tới, hàng loạt công ty tài chính của ngân hàng được thành lập ra.

Ngay từ đầu năm 2015, một số ngân hàng lớn như Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng thương mại cổ phẩn công thương Việt Nam (Vietinbank) và Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đều có kế hoạch thành lập các công ty tài chính để mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng. Đây là hình thức góp phần khá lớn vào sự phát triển của mảng bán lẻ.

Hoạt động tín dụng tiêu dùng: Quản lý chặt để hạn chế rủi ro
Ngân hàng cho vay tiêu dùng phải thành lập công ty tài chính

Mỗi ngân hàng lựa chọn con đường tiếp cận thị trường khác nhau dựa trên thế mạnh sẵn có của mình. BIDV mua lại một số Cty tài chính trên thị trường; chuyển đổi Công ty cho thuê tài chính BIDV sang công ty tài chính hoặc thành lập mới một công ty tài chính tiêu dùng BIDV. Vietinbank dựa trên sự sáp nhập PG Bank, đã chuyển PG Bank thành công ty tài chính PG Finance. Hiện, Vietinbank có các công ty con là bảo hiểm, cho thuê tài chính, chuyển tiền, quản lý quỹ, chứng khoán, quản lý nợ và khai thác tài sản.

Vietcombank dù đã có công ty tài chính Việt Nam – Hồng Kông nhưng đây chưa phải là công ty tài chính khai thác thị trường nội địa nên ngân hàng này đang nghiên cứu để tham gia vào cuộc cạnh tranh thị phần bán lẻ tiêu dùng trong nước.

Cùng với xu hướng phát triển nói trên trong thị trường bán lẻ tiêu dùng, các ngân hàng nhỏ cũng đã chuẩn bị tinh thần cho điều này. Đầu tiên phải kể đến sự thâu tóm Công ty tài chính Việt (SVGF) của Ngân hàng thương mại cổ phần phát triển nhà thành phố Hồ Chí Minh (HD Bank). Công ty tài chính SVGF đã được đổi tên thành HD Finance.

“Việc NHNN quản lý tập trung các công ty tài chính, đặc biệt là các công ty được các tổ chức tín dụng thành lập thêm, là điều hoàn toàn đúng. Nó sẽ giúp cho các tổ chức tín dụng tránh được rủi ro trong việc thành lập Cty tài chính”, ông Giang nói thêm.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc mua lại SVGF sẽ là lợi thế rất lớn của HD Bank bởi đây là công ty tài chính vào thị trường Việt Nam từ khá sớm (từ năm 2007). Công ty đã phát triển dịch vụ tài chính cá nhân khá tốt với việc cho vay trả góp hơn 125.000 khách hàng cá nhân thông qua 300 đối tác và gần 800 điểm dịch vụ tại các cửa hàng xe máy và điện máy trên cả nước.

Dựa vào lợi thế sẵn có, HD Bank lại tiếp tục tìm thêm đối tác mới. Với việc kết hợp cùng với Credit Saigon, một tập đoàn hàng đầu về phát triển thẻ tiêu dùng ở Nhật, HD Credit Saigon hứa hẹn sẽ có bước đi riêng trên thị trường tài chính tiêu dùng. Trong khi đó, Ngân hàng thương mại cổ phần hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) lại có lợi thế trong cuộc đua tài chính tiêu dùng bởi ngân hàng này vừa sát nhập MDB (do từng bắt tay với cổ đông chiến lược là Công ty đầu tư tài chính Fullerton Financials Holding ).

Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam thịnh vượng (VPBank) cũng đã mua lại Cty TNHH MTV Tài chính Than Khoáng sản Việt Nam (CMF); Ngân hàng thương mại cổ phần kỹ thương Việt Nam (Techcombank) thì mua Cty Tài chính Hóa chất. Gần đây, ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB Bank) đang lên kế hoạch để mua lại Công ty tài chính Vinaconex – Viettel.

Những ngân hàng mua lại công ty tài chính có vốn nhà nước thì sẽ phải thực thi nhanh việc tái cấu trúc kết hợp với việc tăng quy mô và nguồn lực để kịp cuộc đua với các công ty tài chính khác. Trên thị trường bán lẻ tiêu dùng ở khu vực nông thôn, các công ty tài chính có vốn nhà nước đang chiếm lợi thế hơn các công ty tài chính khác.

Quản lý chặt để tránh rủi ro

Để giúp các tổ chức tín dụng tránh được rủi ro khi tổ chức thành lập các công ty tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xây dựng dự thảo thông tư quy định về hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính. Cụ thể: Ngân hàng thương mại thực hiện cho vay tiêu dùng được thành lập công ty tài chính. Các hình thức cho vay tiêu dùng bao gồm việc cho vay trả góp, cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng, phát hành thẻ mua hàng. Ngân hàng thương mại sẽ không được ký thêm hợp đồng tín dụng tiêu dùng kể từ ngày thông tư có hiệu lực.

Ngoài ra, NHNN cũng đang xây dựng dự thảo thông tư quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng với nhiều quy định mới. Trao đổi với LĐTĐ xung quanh vấn đề này, ông Hoàng Giang, giảng viên Trường Đại học Thương mại cho rằng, nội dung dự thảo có cho phép các tổ chức tín dụng được đăng ký thành lập công ty tài chính nhưng phải xin giấy phép và được cấp phép từ NHNN. Điều đó đồng nghĩa với việc NHNN sẽ nắm quyền quản lý và kiểm soát các công ty tài chính. NHNN là người quyết định xem tổ chức nào đủ điều kiện để có thêm Cty tài chính và tổ chức nào không đủ điều kiện để thành lập Cty tài chính.

Việc hàng loạt các hoạt động cho vay tài chính tiêu dùng được mở ra rầm rộ trong thời gian qua đã gây không ít khó khăn cho một số ngân hàng. Do đó, những quy định mới trong các thông tư liên quan hoạt động tín dụng tiêu dùng là điều cần thiết, giúp NHNN thuận lợi hơn trong quá trình quản lý.

Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này