UBTVQH cho ý kiến điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội

Điều chỉnh đáp ứng nguyện vọng người lao động

14:40 | 14/05/2015
Thực tế Luật Bảo hiểm xã hội nói chung (BHXH) và điều 60 nói riêng rất nhân văn, không ngoài mục đích đảm bảo cuộc sống cho công nhân, người lao động. Vấn đề phụ thuộc vào khâu tuyên truyền.

Cần sửa để tạo sự linh hoạt

Tại phiên họp thứ 38 của UBTVQH, đại diện Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho hay, xuất phát từ thực tế đời sống và nguyện vọng của người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp, ý kiến của Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chính phủ báo cáo UBTVQH kiến nghị QH xem xét, điều chỉnh Điều 60 của Luật BHXH sửa đổi năm 2014 theo hướng: Trước mắt, cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH thì có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định của Luật BHXH năm 2006.

Điều chỉnh đáp ứng nguyện vọng người lao động
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp

Nội dung này cũng sẽ được xem xét, điều chỉnh tương đồng đối với cả người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Bộ trưởng nhấn mạnh: "Việc sửa đổi như trên sẽ tạo sự linh hoạt trong giải quyết BHXH một lần, đáp ứng được nguyện vọng của người lao động có thời gian đóng BHXH ngắn có nhu cầu nhận BHXH một lần để trang trải cuộc sống trước mắt. Tuy nhiên, nếu người lao động nhận BHXH một lần thì khi hết tuổi lao động sẽ không có điều kiện để được hưởng lương hưu hàng tháng, không bảo đảm ổn định cuộc sống khi về già, không bảo đảm an sinh xã hội và tạo thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước".

“QH làm luật, sửa luật là chuyện bình thường. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, do công tác tuyên truyền không tốt nên khi động đến lợi ích trước mắt là dân lên tiếng. Vấn đề đặt ra từ nay đến thời điểm luật có hiệu lực còn dài, ban soạn thảo và các chuyên môn cần tính toán, nếu đến thời điểm tháng 11.2015 thấy không ổn chúng ta tiến hành xem xét, sửa”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Sửa luật hay ban hành nghị định riêng?

Đồng ý nghiên cứu điều chỉnh để phù hợp với đặc thù từng công việc, nhưng mấu chốt quan trọng là nếu sửa thì sửa thế nào? Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý đề nghị: Phải sửa Điều 60 của Luật BHXH, chứ không thể giao cho Chính phủ ban hành nghị định để hướng dẫn, vì đây là luật của Quốc hội ban hành. Ông nhấn mạnh: "Theo báo cáo của Chính phủ đưa ra thì phương án 1 hay phương án 2 đều là sửa, thế nên cần đưa vấn đề này ra Quốc hội để lấy ý kiến. Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta sửa luật, trước đây Luật Thi đua khen thưởng cũng phải sửa trước khi mới ban hành" .

Tuy nhiên, theo quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì chủ trương xây dựng Điều 60 Luật BHXH là phù hợp với thế giới, phù hợp với an sinh xã hội cho người lao động, quan điểm là đúng đắn. Việc người lao động phản đối là đáng tiếc. Do vậy, cần tính đến việc điều chỉnh cái gì. Cũng đặt câu hỏi vì sao chỉ có một bộ phận người lao động ở phía Nam phản đối, còn ở miền Bắc, miền Trung lại không, do vậy cần xem lại bản chất của vấn đề. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu kiến nghị nên trình việc này ra Quốc hội để Quốc hội cân nhắc.

Với tư cách là cơ quan bảo vệ cho người lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính dẫn chứng: “Tôi là người trực tiếp tham gia gặp gỡ, đối thoại với công nhân tham gia đình công, nghe người dân nói về những lợi ích của họ khi hưởng bảo hiểm một lần như, con tôi bị ốm, nếu không có bảo hiểm một lần thì con tôi chết; con tôi học đại học nếu không có bảo hiểm một lần thì không có tiền cho con đi học. Vì những lý do của người dân, tôi rất mong Quốc hội linh hoạt để cho người lao động được hưởng BHXH một lần, vì thực tế nhiều người lao động khi nghỉ việc ở các khu công nghiệp trở về quê thì không tham gia vào quan hệ lao động nữa”. Tuy nhiên, ông Chính nhấn mạnh: “Quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về thực hiện an sinh xã hội là đúng đắn, nhưng cần phải có lộ trình. Khi có tuyên truyền tốt và thực hiện chính sách BHXH tốt thì ta không chi trả BHXH một lần nữa”.

“Tôi rất đồng cảm chia sẻ với người lao động. Với những người lao động mong muốn hưởng chế độ bảo hiểm một lần, tôi thấy các đồng chí đều khẳng định tốt mà lại sửa ngay là không đúng lúc. Thế nên, chúng ta phải bình tĩnh để phân tích nguyên nhân, tôi thấy mục tiêu và chính sách của Điều 60 là rất nhân văn” Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

N. Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này