![]() | Vinh danh những người thợ giỏi nghề |
![]() | Mỗi năm đào tạo 3.500 lao động tay nghề cao |
![]() | Tôn vinh lực lượng lao động trẻ có tay nghề cao |
Hiệu trưởng một trường nghề chia sẻ, trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh từ 5.000 - 6.000 học sinh/năm nhưng làm mọi cách cũng chỉ tuyển được hơn 1.200 học sinh/năm. Trường Cao đẳng nghề Duyên Hải vào thời hoàng kim, mỗi năm có khoảng 4.000 sinh viên, học sinh. Nhưng 2 năm trở lại đây, trường không tuyển sinh được. Hiện, nhà trường chỉ còn lại số ít sinh viên năm thứ 3, thứ 4 đang học liên thông lên đại học. Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hải Phòng, từng là đơn vị đầu đàn về trường nghề tại Hải Phòng nhưng cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút học sinh.
![]() |
Thị trường lao động luôn cần những lao động có tay nghề và kỹ năng tốt |
Một trong những nguyên nhân khiến các trường nghề khó tuyển sinh bởi tâm lý chuộng bằng cấp cũng như việc tuyển sinh đại học dễ dàng khiến nhiều người không muốn theo học nghề. Chính sách hỗ trợ cho người học nghề chưa thỏa đáng. Ngoài ra do các trường nghề chưa đầu tư đồng bộ máy móc cũng như giáo trình, để bắt kịp với sự thay đổi của công nghệ.
Bà Trần Thị Tâm, phó giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Minh Đức cho biết, vào những tháng cao điểm công ty có nhu cầu tuyển dụng trên dưới 20 người, nhưng tìm được người đáp ứng công việc không dễ. “Do đặc thù công việc lắp đặt sửa chữa điều hòa, máy lạnh, máy tính nên yêu cầu chúng tôi đặt ra cho các ứng viên phải có nghề lên tới 98%, số lao động phổ thông chỉ 2%. Mặc dù mỗi lần đăng thông báo tuyển dụng có nhiều hồ sơ thi tuyển nhưng tỷ lệ đạt chỉ 35%”.
Theo bà Tâm, trong quá trình tuyển dụng, bà nhận thấy các ứng viên thường thiếu kiến thức chuyên ngành phù hợp. Có những ứng viên lý thuyết thì tốt nhưng khi bắt tay vào làm thì lúng túng thậm chí làm sai cả những chi tiết đơn giản.
Với đặc thù công ty xây dựng, nhu cầu tuyển dụng luôn biến động theo tiến độ của công trình nhưng theo ông Trần Văn, trợ lý tổng giám đốc Cty Đầu tư xây dựng thương mại QHC, có những vị trí cần công nhân có kỹ thuật cao mà mỏi mắt không tìm được. Các em học trường nghề ra thì chưa đáp ứng được công việc, các em tốt nghiệp đại học thì chưa làm thợ đã thích “làm thầy” không thích đi công trường, chỉ thích ngồi bàn giấy. “Họ cho rằng, mình được học hành, mình phải được làm lãnh đạo. Nếu không đáp ứng yêu cầu, các bạn ấy sẵn sàng bỏ việc” ông Văn chia sẻ.
Có một thực tế bên cạnh tâm lý nhiều bạn trẻ chưa thích học nghề thì hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã nhập thiết bị máy móc hiện đại, do đó muốn thu hút học sinh trước tiên các trường nghề phải có sự đổi mới về thiết bị dạy học hiện đại. Các trường nghề nên chủ động tái cơ cấu, nâng cao chất lượng giảng dạy để thu hút học sinh. Bên cạnh đó, trường nghề cần tìm hiểu nhu cầu thị trường lao động, liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo để gắn nhu cầu với thực tế.
Lâm - Vũ
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/moi-mat-tim-tho-lang-nghe-21871.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này