Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo sinh con đúng chính sách

Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo sinh con đúng chính sách

14:00 | 12/05/2015
Ngày 27/4/2015, Nghị định 39/2015/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số chính thức có hiệu lực. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo trên cả nước bởi họ sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng nếu sinh con đúng chính sách dân số. Tuy nhiên, trong nghị định vẫn còn một vài quy định khó khả thi, xa rời thực tiễn!
Hỗ trợ cải thiện nhà ở, nước sạch cho các gia đình dân tộc thiểu số

Chủ trương đúng

Cần phải khẳng định NĐ 39 là một chính sách thiết thực đối với đồng bào vùng cao trên cả nước. Những đối tượng phụ nữ nghèo, đặc biệt là phụ nữ nghèo vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn, khi sinh con càng trở nên khó khăn hơn. Chính vì lẽ đó, trong nhiều chủ trương của Đảng và Nhà nước đều đề cập đến việc hỗ trợ nhóm phụ nữ này, giúp họ cải thiện đời sống, tăng cơ hội tiếp cận các nguồn lực để phát triển kinh tế.

Từ những căn cứ đó, tại cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ vào tháng 2/2012, Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam đã trình Thủ tướng về đề xuất chính sách hỗ trợ 1 lần cho phụ nữ nghèo khi sinh con đúng chính sách dân số. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc với đề xuất này và giao Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Tài chính và Hội LHPN Việt Nam nghiên cứu đề xuất mức hỗ trợ, phương thức hỗ trợ phù hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo sinh con đúng chính sách
Cuộc sống của người dân vùng cao còn rất nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa)

Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định 39 đã ra đời. Về đối tượng, phạm vi áp dụng là phụ nữ dân tộc thiểu số hoặc phụ nữ là người Kinh nhưng có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh con đúng chính sách dân số (trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc); các trường hợp sinh đôi, sinh ba, điều chỉnh mức hỗ trợ thêm 1 triệu đồng. Mức hỗ trợ cụ thể là 2 triệu đồng/người, thời điểm hỗ trợ là ngay tháng đầu sau khi sinh con. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, với số lượng phụ nữ thuộc hộ nghèo sinh con đúng chính sách dân số hiện nay là 97.500 người/năm; mà mức hỗ trợ là 2 triệu đồng/người thì ngân sách nhà nước bố trí khoảng 195 tỷ đồng/năm.

Rõ ràng Nghị định 39 thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ một cách kịp thời, đúng và trúng đối tượng. Ước tính, mỗi năm có khoảng 97.500 phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số (theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) được hưởng lợi. Không chỉ hỗ trợ bản thân người phụ nữ, chính sách này còn chăm lo cho thế hệ tương lai, tạo sự phát triển đồng đều và bền vững cho xã hội.

Còn quy định khó thực thi

Theo khảo sát, đánh giá của các bộ, ngành, phần lớn phụ nữ nghèo, nhất là phụ nữ nghèo vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn khi sinh con, nhất là thiếu thốn về kinh tế. Đồng bào dân tộc thiểu số của Hà Nội cư trú tập trung theo cộng đồng xã, thôn tại 152 thôn thuộc 14 xã của 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức. Các dân tộc thiểu số chính là Mường, Tày, Dao, Nùng...

Chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số nếu được triển khai một cách kịp thời và đúng đắn sẽ mang lại niềm vui cho rất nhiều gia đình dân tộc thiểu số. Vậy nhưng vấn đề hiện nay được nhiều người quan tâm đó là tính khả thi của chính sách này khi nghị định có hiệu lực vẫn còn những quy định làm khó người dân.

Đơn cử, ở điểm 6, điều 1 của nghị định quy định các trường hợp được hỗ trợ nêu rõ: “Sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp trung ương xác nhận”.

Theo tìm hiểu của PV, quy định này vô hình chung đã làm khó người dân. Thực tế, để có được bản xác nhận được Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp trung ương không hề dễ bởi thủ tục phức tạp và mất nhiều thời gian.

Chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số nếu được triển khai một cách kịp thời và đúng đắn sẽ mang lại niềm vui cho rất nhiều gia đình dân tộc thiểu số. Vậy nhưng vấn đề hiện nay được nhiều người quan tâm đó là tính khả thi của chính sách này khi nghị định có hiệu lực vẫn còn những quy định làm khó người dân.

Xin được nói kỹ hơn, để có được bản xác nhận này, đối tượng được thụ hưởng chính sách phải có chính quyền xã/phường xác nhận, sau đó nộp hồ sơ (gồm cả phiếu đã khám chữa bệnh ở bệnh viện) đến phòng LĐTB&XH huyện. Tiếp đó, hồ sơ mới được chuyển lên Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh để xét duyệt. Sau khi có thông báo của hội đồng này thì người khuyết tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mới được đưa đến để giám định. Việc đưa ra điều kiện này chẳng khác nào “chặn lối” khi mà người dân tộc thiểu số hầu hết đều sinh sống ở địa bàn xa xôi, việc đi lại khó khăn, vất vả, có những nơi còn chưa có đường ô tô, chủ yếu bà con... đi bộ. Thêm nữa, đã là đối tượng nghèo thì việc bỏ công, bỏ việc, bỏ kinh phí, dành thời gian để “kiếm” giấy xác nhận trên là điều không tưởng.

Một quy định “trên trời” khác trong Nghị định này tại điểm 3, điều 2 quy định rõ: “Đối tượng thụ hưởng phải tự nguyện cam kết bằng văn bản không sinh thêm con, nếu vi phạm phải hoàn trả lại kinh phí đã nhận hỗ trợ”.

Theo luật sư Xuân Bính (Đoàn luật sư Hà Nội), quy định này nếu không có thông tư hướng dẫn cụ thể thì sẽ rất khó thực thi. Xét trên thực tế, việc Nhà nước hỗ trợ cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số hoặc phụ nữ có chồng là người dân tộc thiểu số được hưởng 2 triệu đồng/lần sinh là quý nhưng khi đồng bào đã có ý định sinh thêm con thì việc quy định “tự nguyện cam kết bằng văn bản” có lẽ chỉ mang tính hình thức. Hơn nữa, việc quy định “nếu vi phạm phải hoàn trả lại kinh phí đã nhận” cũng khó khả thi. Thời điểm được hưởng thì họ chưa vi phạm, nhưng sau khi nhận tiền hỗ trợ, trót vi phạm thì liệu đối tượng thụ hưởng chính sách vốn là hộ nghèo này liệu họ có đủ tiền để hoàn trả? Nếu hộ nghèo đó không hoàn trả số tiền 2 triệu đồng không lẽ lại nhờ cơ quan thi hành án.

“Mục đích nghị định này là khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số duy trì việc sinh con đúng chính sách dân số nhằm đảm bảo nguồn lực lao động và an ninh, quốc phòng ở địa phương. Tuy nhiên, nếu họ đã nhận hỗ trợ mà vẫn sinh thêm con, vi phạm pháp lệnh dân số thì có thể xử phạt bằng một chế tài khác với số tiền tương đương. Việc này đòi hỏi phải ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết hơn, rõ hơn để đồng bào dễ hiểu, dễ thực hiện”, luật sư Xuân Bính trao đổi.

Phước Long

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này