Người Hà Nội “khát” sân chơi: Tìm lại sân chơi cho trẻ

17:00 | 09/05/2015
Trong khi nhiều khu đô thị mới, khách sạn nhà hàng, trung tâm thương mại phục vụ nhu cầu mua sắm giải trí của người dân được đầu tư xây dựng ồ ạt, thì không gian công cộng truyền thống, nhu cầu cấp thiết của nhân dân, đặc biệt là sân chơi trẻ em lại đang bị thu hẹp hoặc “xẻ thịt”.
Bất an với khu vui chơi dành cho trẻ

Nhiều nhu cầu, ít lựa chọn

Bất cứ ai sinh sống trong thành phố đều đã quen đối mặt với khoảng không gian bị bó hẹp. Tuy nhiên có lẽ do sống quen và thích ứng với hoàn cảnh nên chúng ta quên mất rằng, trẻ em cần không gian để vận động. Hà Nội không thiếu chỗ vui chơi, khi những khu chung cư cao cấp, khách sạn, nhà hàng… thậm chí khu vui chơi giải trí chất lượng cao, resort mọc lên như nấm. Thế nhưng không phải trẻ em nào cũng được hưởng những dịch vụ có giá “cắt cổ” này. Được mệnh danh là Châu Âu thu nhỏ giữa lòng Hà Nội, giá vé vào cửa của Thủy cung lớn nhất Việt Nam có mức trung bình là 170.000đ cho người lớn và 100.000 đồng cho trẻ em. Vào các ngày thứ 7, chủ nhật hay các ngày lễ mỗi vé sẽ phải thêm 50.000 đồng, đó là chưa kể các chi phí phát sinh như phí gửi xe, mua đồ ăn, thuê đồ… Tương tự, mức giá dành cho các khu vui chơi khác như sân trượt băng, thế giới game, khu 3D… cũng khiến nhiều bậc phụ huynh phải lắc đầu ngao ngán.

Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội, Công viên Thủ Lệ, Công viên Thống Nhất… là một trong số ít những điểm vui chơi truyền thống của bao thế hệ người dân Thủ đô. Tuy nhiên những năm gần đây, những địa điểm này chỉ là lựa chọn “bất đắc dĩ” của các bậc phụ huynh. Để vào vui chơi ở đây các bậc phụ huynh cũng phải mất đủ thứ chi phí từ gửi xe, mua vé trò chơi với mức giá 10.000 -15.000 đồng/ lượt… trong khi đó, hàng loạt mô hình vui chơi đều đang bị xuống cấp hoặc đắp chiếu, nhiều chuồng thú đang ở tình trạng… trống không.

Người Hà Nội “khát” sân chơi: Tìm lại sân chơi cho trẻ
Nếu Hà Nội của chúng ta có thêm nhiều sân chơi như thế này, mỗi ngày sẽ đều là những kỷ niệm tuyệt vời của các em nhỏ.

Còn trên địa bàn các khu dân cư, thông thường đều có sân chơi riêng dành cho trẻ, thế nhưng những năm gần đây các sân chơi này vì nhiều lý do đều bị chiếm dụng. Theo khảo sát của PV, tại một số khu đô thị lớn như Mỹ Đình, Lê Văn Lương, Thanh Xuân… hay tại các khu tập thể như Bách Khoa, Giảng Võ, Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Tân Mai… mỗi nơi đều có khu vực dành cho thiếu nhi nhưng diện tích rất hạn hẹp. Các dụng cụ đồ chơi để ngoài trời không được bảo quản thường xuyên nên xuống cấp nhanh chóng. Ngay cả các nhà văn hóa vốn được xây dựng với mục đích là nơi vui chơi giải trí cho người dân, đặc biệt là trẻ em thì lại không thấy bóng dáng trẻ em ở đâu. Thay vào đó là sân nhà văn hóa biến thành bãi gửi xe ô tô, sân tổ chức đám cưới… hay đóng cửa để tránh xuống cấp.

Điểm sáng hiếm hoi

Trên thực tế, trẻ em không đòi hỏi quá cao, ví dụ như các khu vui chơi ở công cộng như hiện này chỉ cần vài chiếc xích đu, cầu trượt, hay đơn giản là một khoảng không gian đủ rộng là có thể thu hút được trẻ… Khu sân chơi thuộc tổ 7, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy là một trong những địa điểm hiếm hoi của Hà Nội có được một không gian tốt, với những thiết bị đồ chơi hấp dẫn dành cho trẻ em. Những người được thụ hưởng nhiều nhất là những gia đình ở quanh khu vực này, nơi mà họ có thể đến hàng ngày. Anh Đỗ Hoàng Nam, cư dân tại khu tập thể 17T10 cho biết, kể từ khi khu sân chơi cho trẻ em được hoàn thiện, vào các buổi chiều, sau khi tan học, tôi đều đưa cháu ra đây chơi, những mà các đều thích chơi như là đu dây, bập bênh, trượt cầu trượt… hay đơn giản hơn nữa là vừa hò hét vừa chạy thục mạng rồi lăn đùng ra bãi cỏ. “Sân chơi này cũng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định việc gia đình tôi chuyển về sinh sống tại khu vực này”, anh Nam khẳng định.

Nhìn rộng ra trong cả thành phố, những đứa trẻ được vui chơi tại sân chơi như con của anh Nam không nhiều. Hầu hết các địa bàn trong nội thành Hà Nội hiện đang thiếu sân chơi trầm trọng, vì thế ngoài giờ học, đa số trẻ em phải ở trong 4 bức tường, làm bạn với tivi hay những trò giải trí điện tử. Dù biết như vậy là không tốt nhưng nhiều bậc phụ huynh cũng chẳng có cách nào.

Theo bà Phạm Thị Hải Yến, Phó chủ tịch UBND phường Trung Hòa, phường hiện quản lý 2 sân chơi trên địa bàn 1 thuộc tổ 32 trên đường Nguyễn Chánh, 1 thuộc tổ 7 trên đường Nguyễn Thị Định. Những sân chơi này được phường đầu tư xây dựng từ những năm 2000 nhưng thời điểm đó do vấn đề về kinh phí nên chỉ làm được tường bao và đổ nền cũng như trồng một số cây cảnh. Cho đến năm 2012 thì được UBND quận đầu tư xây dựng sân chơi ở tổ 32, hoàn thiện hệ thống chiếu sáng và đồ chơi của Nhật. Riêng sân chơi ở tổ 7 trên đường Nguyễn Thị Định được hoàn thiện năm 2014 từ ngân sách của phường. “Sân chơi là nhu cầu cấp thiết của nhân dân đặc biệt là trẻ em trong điều kiện đất chật người đông như thế này, cả lãnh đạo quận và phường đều rất quan tâm đầu tư những cái sân chơi dành cho trẻ, những hạng mục này đều được ưu tiên hàng đầu dù trong điều kiện kinh phí còn hạn hẹp”, bà Yến nhấn mạnh.

Mới đây, cứ mỗi dịp cuối tuần khu vực dọc theo phố Đào Duy Từ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đều tưng bừng như những ngày hội. Một “sân chơi di động” truyền thống với các mô hình đồ chơi dân dã như xích đu, bập bênh, ô ăn quan… do một nhóm kiến trúc sư tình nguyện xây dựng đã thu hút hàng trăm trẻ em đến tham gia. Những ý tưởng mới lạ, hay đơn giản chỉ là một đống rơm vàng giữa phố đều đã tạo nên sức hút “khó cưỡng” với mọi đứa trẻ, chẳng phân biệt tuổi tác, màu da, ngôn ngữ, sự giàu nghèo... Những buổi tối như vậy, con phố dài 500m luôn tràn ngập tiếng cười của trẻ nhỏ và ánh mắt lấp lánh niềm vui của các bậc phụ huynh. Giây phút này, hoàn toàn là những kỷ niệm không phai mờ trong tâm trí các em.

Tuấn Trần

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này