Hưởng lương hưu hay lĩnh Bảo hiểm xã hội một lần ?

10:00 | 07/05/2015
“Nếu so giữa việc hưởng lương hưu hàng tháng và việc lĩnh trợ cấp 1 lần cho cùng một khoảng thời gian đóng BHXH thì tổng lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hàng tháng sẽ cao hơn hơn”. Đó là khẳng định của bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTBXH) về lợi ích của việc chọn việc đóng BHXH để hưởng hưởng lương hưu khi đủ tuổi hơn là việc lĩnh BHXH một lần.
Điều 60 Luật BHXH năm 2014: Hưởng BHXH một lần không lợi
Đối tượng nào được hưởng chế độ BHXH một lần?

Trước năm 1995, chính sách BHXH chỉ áp dụng đối với công nhân, viên chức nhà nước (hay nói nôm na là những người làm việc trong biên chế) và được thực hiện gần như bao cấp, điều này có nghĩa chỉ những đối tượng này mới được lương hưu khi về già. Song từ năm 1995 đến nay, chính sách đã thay đổi theo hướng mở rộng, mọi đối tượng người lao động thuộc các thành phần kinh tế đều có cơ hội tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Đáng chú ý, từ năm 2008, ngoài chính sách BHXH bắt buộc còn có chính sách BHXH tự nguyện được áp dụng đối với người lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc (lao động trong khu vực phi kết cấu, nông dân, ngư dân…). Việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH như vậy tạo điều kiện cho nhiều người lao động có cơ hội nhận được lương hưu khi về già.

Hưởng lương hưu hay lĩnh Bảo hiểm xã hội một lần ?
Người lao động muốn hưởng chế độ BHXH một lần phần lớn là công nhân làm việc trong các khu công nghiệp

Người lao động có lương hưu sẽ có nguồn thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống khi về già. Ngoài lương hưu hàng tháng, người lao động được cấp thẻ bảo hiểm y tế (do quỹ hưu trí tử tuất bảo đảm), do đó họ yên tâm khi ốm đau, bệnh tật vào cơ sở khám chữa bệnh đã có bảo hiểm chi trả. Đặc biệt, trong trường hợp người lao động mất, thân nhân của họ sẽ được nhận trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất hàng tháng hoặc tuất một lần. “Nếu so sánh giữa việc hưởng lương hưu hàng tháng và việc lĩnh trợ cấp 1 lần cho cùng một khoảng thời gian đóng BHXH thì tổng lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hàng tháng sẽ cao hơn hơn”, bà Nga khẳng định.

Dẫn chứng, bà Nga cho hay, nếu 1 lao động là nam giới đủ 60 tuổi và nghỉ hưu năm 2016, có 20 năm đóng BHXH, mức bình quân tiền lương đóng BHXH là 4 triệu đồng/tháng. Trong trường hợp người lao động này chọn cách nhận lương hưu hàng tháng: Tỉ lệ hưởng lương hưu (20 năm đóng BHXH) là 55%, thì lương hưu hàng tháng của người này sẽ là 4.000.000 đồng x 55% = 2.200.000 đồng/tháng. Tính bình quân thời gian sống của nam giới sau khi nghỉ hưu là 18,1 năm (quy ra 217 tháng). Như vậy, số tiền lương hưu nhận của lao động nam giới này được nhận đến khi chết: 217 tháng x 2.200.000 đồng/tháng = 477.400.000 đồng. Ngoài ra, có thêm thẻ bảo hiểm y tế với thời gian trên là 21.500.000 đồng. Ngoài ra khi họ chết, gia đình còn nhận thêm khoản trợ cấp mai táng 10 tháng lương cơ sở là 11.500.000 đồng. Tiền tuất (giả định tuất 1 lần thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng) là 6.600.000 đồng. Tổng chi phí cho lao động này nghỉ hưu là 516.000.000 đồng.

Trong khi đó, cũng với giả định như trên, nếu một người lao động một lần xin hưởng BHXH, tổng thời gian đóng BHXH là 20 năm thì tổng số tiền hưởng BHXH một lần sẽ là: 4.000.000 x (1,5 x 18 + 2 x 2) = 124.000.000 đồng. Như vậy, mức chênh lệch giữa 2 lựa chọn là hơn 4 lần. Còn nếu trường hợp người lao động là nữ giới thì mức chênh lệnh hưởng giữa 2 lựa chọn hưởng này còn lên đến 7 lần (khoảng 756 triệu đồng). Sở dĩ lao động nữ nghỉ hưu có chi phí cao hơn lao động nam là do lao động nữ nghỉ hưu sớm hơn, thời gian hưởng lương hưu dài hơn; tỉ lệ hưởng lương hưu của nữ cũng cao hơn nam nếu có cùng thời gian đóng góp.

Cũng theo bà Nga, thời gian qua, có nhiều lao động muốn hưởng chế độ BHXH một lần phần lớn là công nhân làm việc trong các khu công nghiệp. Đây là đối tượng lao động có thời gian gắn bó với công việc và DN không dài, tiền lương thực tế thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn trước mắt nên họ muốn lấy chế độ BHXH một lần để có tiền trang trải cuộc sống trước mắt mà chưa nghĩ đến cuộc sống sau này khi về già khi đã mất sức lao động. Ngoài ra, do công tác tuyên truyền còn hạn chế nên nhiều người lao động cũng chưa thực sự hiểu tường tận về các lợi ích của việc bảo lưu thời gian đóng BHXH.

M. Hoàng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này