Đà Nẵng "dọa" khởi kiện nhân tài vì vi phạm hợp đồng

12:36 | 13/03/2014
LĐTĐ - 29 học viên tham gia Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TP Đà Nẵng vi phạm hợp đồng, phải bồi thường gấp 5 lần học bổng, khiến số nợ lên đến hơn 33 tỷ đồng.

Trong chiến lược đào tạo cán bộ đến năm 2020, Thành ủy Đà Nẵng hợp nhất hai đề án "Đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài" và "Đào tạo đại học bằng ngân sách nhà nước cho học sinh THPT" thành Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922).

Những người tham gia 922 được cấp học bổng, chi phí đi lại; hỗ trợ học ngoại ngữ và được bố trí việc làm thu nhập cao sau khi tốt nghiệp cũng như các chính sách ưu đãi khác. Học viên ra khỏi Đề án phải bồi thường cho Đà Nẵng số tiền gấp 5 lần kinh phí nhận từ ngân sách thành phố nếu vi phạm các lỗi như tự ý bỏ học, không trở về công tác, không thực hiện đủ thời gian làm việc theo cam kết, đơn phương chấm dứt hợp đồng... 

IMG-3840.jpg

Đà Nẵng đang thu hút được cán bộ công chức trẻ có năng lực, chuyên môn cao nhờ các chính sách đãi ngộ. Ảnh: Nguyễn Đông

Tại Hội nghị tổng kết Đề án 922 hôm 12/3, đại diện Sở Tài chính cho biết, đến nay có 608 lượt người tham gia, thành phố đã chi gần 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, 29 học viên ra khỏi Đề án với các lý do như kết quả học tập không đạt yêu cầu, không làm việc cho thành phố, bị đơn vị sa thải… buộc phải bồi thường hơn 33 tỷ đồng. Đà Nẵng mới chỉ thu hồi được hơn 2 tỷ đồng từ các học viên này.

Ông Trần Thọ, Bí thư Đà Nẵng, chỉ đạo thành phố cần có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm hợp đồng đào tạo. Bên cạnh đó, thành phố sẽ thu hút nhân tài là chuyên gia đầu ngành, lĩnh vực cần thiết, tăng nhân lực y tế, văn hóa, du lịch, đặc biệt tránh "chảy máu chất xám".

Trao đổi với PV sáng 13/3, ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Đề án 922, cho biết trong số các học viên vi phạm hợp đồng, có người học nước ngoài 5-7 năm, tiêu tốn số tiền trên dưới 1 tỷ đồng, giờ bị yêu cầu bồi thường gấp 5 lần nên đội số tiền lên cao. 

ongtueng-1177-1394677071.jpg

Ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Đà Nẵng từng "dọa" khởi kiện nhân tài với những trường hợp vi phạm hợp đồng, nhưng theo ông Tiếng, đến nay chưa tiến hành với học viên nào vì phải giải quyết có tình, có lý. Có người cố tình vi phạm, nhưng cũng có người gặp phải hoàn cảnh bất khả kháng, như đi học lấy chồng ngoại rồi chồng bị tai nạn giao thông, nằm liệt giường không về lại Đà Nẵng được.

"Thực ra, việc nhân tài không làm việc cho thành phố thì cũng sẽ góp công sức cho sự phát triển của đất nước. Nhưng mình nghèo thì không thể chơi sang kiểu đó, anh cam kết tham gia thì phải thực hiện đúng hợp đồng. Không có chế tài mạnh Đề án sẽ rã đám ngay", ông Tiếng nói.

Cũng theo ông Tiếng, Thủ tướng Chính phủ vừa có quy định chung về xử lý vi phạm hợp đồng với những người đi học bằng tiền ngân sách, mức phạt là hoàn trả đúng số tiền học bổng được nhận, hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, Đà Nẵng vẫn yêu cầu học viên 922 trước khi có quy định của Thủ tướng phải thực hiện đúng cam kết bồi thường như ban đầu, không được hồi tố.

Từ năm 1998 đến nay, Đà Nẵng đã tiếp nhận hơn 1.000 người tốt nghiệp đại học công lập, chính quy trở lên về làm việc, trong đó có nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp 2,… góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Đặc biệt là nguồn lao động trẻ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, thành thạo ngoại ngữ. 

Thành phố cũng có nhiều chính sách hấp dẫn nhân tài. Ngoài chế độ đãi ngộ vật chất ban đầu, hỗ trợ hàng tháng, bố trí nhà chung cư cho nhân tài từ các địa phương khác đến công tác, cán bộ theo chính sách còn được ưu tiên thi tuyển công chức, viên chức.

Nguồn Vnexpress

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này