Nghị định 126/2014/NĐ-CP: Xóa hủ tục, cải thiện cuộc sống

10:00 | 05/05/2015
Sau hơn 2 tháng có hiệu lực (từ 15/2/2015), Nghị định 126/2014/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình, đã thực sự đi vào cuộc sống.
Hậu quả đau lòng từ những hủ tục lạc hậu

Xóa bỏ hủ tục

Kinh tế phát triển không đồng đều, do vậy, văn hóa xã hội của một số dân tộc ở nước ta còn bị chi phối sâu sắc bởi hệ thống tín ngưỡng, phong tục. Trong đó có những phong tục không còn phù hợp với đời sống đương đại, vô hình chung trở thành rào cản cho sự tiến bộ của toàn xã hội. Thực tế, tại một số địa phương hiện nay vẫn tồn tại nhiều tập quán lạc hậu, nhất là những tập quán về hôn nhân gia đình. Có nơi trong lễ cưới khi nhà trai muốn rước cô dâu về phải tặng nhà gái đủ 9 con vật 4 chân, trâu, bò, dê và lợn. Ngoài ra, lễ vật còn có thổ cẩm, cồng, chiêng, chiếu… Chính bởi vậy, nhiều gia đình, đời mẹ chưa trả hết nợ lại kéo theo đến đời con. Bên cạnh đó, nạn tảo hôn vẫn còn phổ biến ở một số vùng miền. Như dân tộc Mông tại một số địa phương thường cho con cái lập gia đình khi tuổi đời còn rất trẻ (13-14 tuổi). Tình trạng cận huyết cũng chưa xóa bỏ được, dẫn đến bệnh tật, giống nòi chậm phát triển, ảnh hưởng đến thế hệ tương lai.

Chính vì thế việc tìm giải pháp khắc phục hủ tục là điều rất cần thiết và Nghị định 126/2014/NĐ-CP đã giải quyết được vấn đề này. Danh mục cấm các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình áp dụng kèm theo Nghị định 126 rất chi tiết và cụ thể bao gồm: Chế độ hôn nhân đa thê; kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người khác có họ trong phạm vi ba đời; tục cướp vợ để cưỡng ép người phụ nữ làm vợ; thách cưới cao mang tính chất gả bán (như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò, chiêng ché... để dẫn cưới); phong tục “nối dây” (khi người chồng chết, người vợ góa bị ép buộc kết hôn với anh trai hoặc em trai của người chồng quá cố; khi người vợ chết, người chồng góa bị ép buộc kết hôn với chị gái hoặc em gái của người vợ quá cố); bắt buộc người phụ nữ góa chồng hoặc người đàn ông góa vợ, nếu kết hôn với người khác thì phải trả lại tiền cưới cho nhà chồng cũ hoặc nhà vợ cũ; đòi lại của cải, phạt vạ khi vợ, chồng ly hôn.

Nghị định 126/2014/NĐ-CP: Xóa hủ tục, cải thiện cuộc sống
Nạn tảo hôn khiến nhiều bé gái phải làm mẹ khi còn rất trẻ.

Ở một số vùng cao ở Thanh Hóa, việc tang lễ, theo phong tục của người Mông, khi có người chết, gia đình để người chết nằm ở bên ngoài từ 3 đến 7 ngày. Theo quan niệm của đồng bào thì khi có người thân chết mà bỏ ngay vào quan tài là trái với tục lệ, làm như vậy sau khi chôn cất, linh hồn người chết sẽ gây hại cho người sống. Vì thế, các gia đình người Mông thường đặt người đã khuất vào cáng hay để trên một tấm ván treo lên sát vách giữa gian nhà. Sau đó, gia chủ phải giết trâu, bò, lợn, gà để thầy cúng cúng bái cho người chết mang đi theo về bên kia thế giới cùng với tổ tiên.

Hủ tục này đã làm tốn kém của cải, vật chất cho tang gia. Hậu quả là nhiều gia đình sau đám tang đã lâm vào cảnh nợ nần vì phải đi vay mượn khắp nơi, mất nhiều năm mới trả hết nợ, đời sống của người dân đã khó khăn càng thêm khó khăn hơn. Theo ghi nhận của PV, một tín hiệu rất đáng mừng là mới đây, đã có một đám ma đầu tiên của người Mông ở bản Pha Đén, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát thực hiện theo nếp sống văn hóa mới. Đó là đám tang của gia đình ông Lâu Chứ Dơ, do nhận thức được cái hay, cái tốt khi làm đám tang theo nếp sống mới, gia đình ông Dơ đã tổ chức lễ tang gọn nhẹ, tiết kiệm…

Cần sự linh hoạt

Nghị định 126/2014/NĐ-CP: Xóa hủ tục, cải thiện cuộc sống
Luật sư Trịnh Khánh Toàn

Theo luật sư Trịnh Khánh Toàn (Đoàn luật sư Hà Nội), một điểm tích cực trong Nghị định 126 hướng dẫn chi tiết cụ thể về tài sản riêng của vợ, chồng có ý nghĩa với thực tiễn cuộc sống. Qua nghị định chúng ta sẽ xác định được những tài sản nào là tài sản riêng của vợ, chồng. Từ đó làm căn cứ xác lập quyền sở hữu tài sản cá nhân. Như hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, chồng mua vé xổ số và trúng thưởng một khoản tiền nhất định, sau đó hai vợ chồng ly hôn. Việc xác định khoản tiền thưởng này là tài sản chung hay tài sản riêng là vấn đề còn nhiều quan điểm và cũng là vướng mắc khi giải quyết chia tài sản vợ chồng khi ly hôn. Tuy nhiên, sau khi nghị định 126 hướng dẫn cụ thể đây là tài sản riêng của chồng thì việc xác định tài sản và chia tài sản vợ chồng khi ly hôn cũng thuận lợi hơn. Điều này tránh được việc khiếu kiện, tiết kiệm thời gian và công sức cho người dân cũng như cơ quan thực thi pháp luật.

“Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 ra đời cùng với Nghị định 126 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành đã thể hiện rõ những quan điểm tiến bộ, nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Nhưng để luật và nghị định này thực sự đi vào cuộc sống, cần có sự tuyên truyền rộng rãi, nhất là việc xóa bỏ và cấm áp dụng các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình hiện nay”, luật sư Trịnh Khánh Toàn chia sẻ.

Phước Long

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này