Hồi ức của các nhà giáo - chiến sỹ Thủ đô

15:03 | 27/04/2015
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 24/4, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội tổ chức gặp mặt 132 nhà giáo đã từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tại buổi gặp mặt, các nhà giáo từng mặc áo lính đã cùng nhau chia sẻ, ôn lại những kỷ niệm về một thời hào hùng của dân tộc. Những ngày tháng lịch sử ấy sẽ mãi mãi là quãng hồi ức không thể nào quên. 
Gặp Nhà giáo Nhân dân tuổi 90 vẫn dạy học, viết sách

Những nhà giáo tham dự cuộc gặp mặt, phần lớn là những người chưa hoặc vừa mới rời ghế nhà trường đã tình nguyện cầm súng lên đường ra chiến trận, cầm súng đứng trong đội hình toàn dân kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam. Ở các vị trí khác nhau, trên những trận tuyến khác nhau, họ đều góp phần cùng đồng đội lập nên những chiến công. Có những đồng chí đã hy sinh, có đồng chí đã để lại một phần máu thịt của mình ở chiến trường, tất cả đã góp phần vào chiến thắng 30/4 của 40 năm về trước, tiêu biểu như : Dũng sĩ diệt Mỹ Phùng Bá Đam, Chủ nhiệm bộ môn GDQP-AN Trường THPT Đông Đô, người đã tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, cùng đồng đội trực tiếp bắt sống nội các của Dương Văn Minh; ông Phan Tiến Dũng, giáo viên Trường THPT Chu Văn An, thương binh hạng 3/4, người đã tham gia chiến đấu ở mặt trận Buôn Mê Thuột, mặt trận Bình Dương trong cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1975. Hay ông Nguyễn Trí Dũng, trưởng phòng GD Tiểu học Sở GD&ĐT, thương binh hạng 3/4, người đã tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam.

Hồi ức của các nhà giáo - chiến sỹ Thủ đô
Lãnh đạo ngành GD-ĐT Hà Nội chụp anh lưu niệm cùng các nhà giáo đã tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Kể về quãng thời gian mặc áo lính, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cách đây đã 40 năm, nhà giáo thương binh Nguyễn Trí Dũng vẫn còn nguyên cảm xúc. Ông kể, mới 17 tuổi đang còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi như bao người bạn thời đó đã viết đơn xin đi bộ đội. Sau đó, tôi được phân vào đội trinh sát đặc công của Sư đoàn 3 Sao Vàng, vừa tham gia chiến đấu, vừa làm công tác phục vụ chiến đấu. “Nhưng trận chiến mà tôi luôn nhớ mãi đó là trận đánh cuối cùng ở Vũng Tàu. Đêm ngày 29, rạng ngày 30/4, Chính ủy sư đoàn đã giao chỉ thị cho đội chúng tôi làm nhiệm vụ chiến đấu ở cầu Cỏ May- một cửa dẫn vào Vũng Tàu. Mặc dù không phải là đặc công nước chuyên nghiệp nhưng chúng tôi vẫn nhận lệnh cấp trên và với tinh thần quyết tâm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Chúng tôi đã đẩy lui được nhiều đợt tấn công của tàu địch từ phía biển vào, đảm bảo con đường thông suốt qua cầu Cỏ May cho sư đoàn tiến vào giải phóng Vũng Tàu. Trong cuộc giao tranh ác liệt đó, nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống (bản thân tôi cũng từng được báo tử và chỉ đến năm 1975, gia đình mới biết tôi còn sống). Đến 3h chiều ngày 30/4, cả Vũng Tàu được hoàn toàn giải phóng. Không chỉ chứng kiến thời khắc đó, hôm sau tôi còn nằm trong ban quân quản của Quân giải phóng tiếp quản Vũng Tàu. Cảm giác hạnh phúc khi miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất đối với những người lính lúc đó thật khó diễn tả”, nhà giáo Nguyễn Trí Dũng kể.

Là một trong số ít các nữ nhà giáo Thủ đô từng có thời gian phục vụ trong quân ngũ, cô Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường TH Đoàn Thị Điểm kể, khi đang là sinh viên năm thứ 3 khoa tiếng Nga Trường ĐH Sư phạm, tôi đã viết đơn xin gia nhập quân ngũ khi cuộc chiến chống Mỹ cứu nước đang ở một những những giai đoạn ác liệt nhất (năm 1965). Tôi được điều về binh chủng Phòng không không quân và tên lửa làm công tác phiên dịch kỹ thuật hệ thống tên lửa. Lúc đầu công việc gặp nhiều khó khăn khi vốn ngoại ngữ của chúng tôi mới chỉ là dừng lại ở vốn từ xã hội mà không có vốn kiến thức về khoa học kỹ thuật kiến thức kỹ thuật tên lửa. Chưa hết, tôi vừa làm công việc phiên dịch lại vừa làm công tác giảng dạy cho bộ đội kỹ thuật. Song với tinh thần vượt khó của mọi người thời bấy giờ, tôi cũng khắc phục, vượt qua được mọi khó khăn trong công việc khi nỗ lực học hỏi từ các kỹ sư Nga sang. Cô Hiền khẳng định: “Thành công có được trong sự nghiệp giáo dục của tôi ngày hôm nay là thực sự phải cảm ơn những tháng ngày ở trong quân ngũ. Chính quãng thời gian ấy đã rèn luyện cho tôi bản lĩnh vượt khó, tinh thần quyết đoán trong công việc để có thể làm tốt công tác quản lý một trường học lớn hôm nay”.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà nhấn mạnh: “Đối với mỗi con người Việt Nam thì ký ức về chiến thắng 30/4/1975 vẫn còn vẹn nguyên, mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử nước nhà. Trong chiến thắng vẻ vang ấy có một phần đóng góp không nhỏ công sức của các nhà giáo – những người dành trọn tuổi thanh xuân, dành trọn tâm và lực cho việc rèn chữ, dạy người. Các nhà giáo đã tình nguyện gác bút nghiên lên đường chiến đấu, cùng toàn dân kháng chiến chống Mỹ. Đất nước hòa bình, các nhà giáo lại tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Thủ đô làm nổi bật hình ảnh nhà giáo – chiến sĩ trong mỗi trường học. Nhiều đồng chí đã trở thành giáo viên, nhân viên giỏi, cán bộ quản lý có uy tín của ngành. Dù ở bất cứ cương vị công tác nào, các nhà giáo - chiến sỹ vẫn luôn giữ vững, phát huy được phẩm chất tốt đẹp của anh bộ đội cụ Hồ, là những tấm gương bình dị, tỏa sáng giữa đời thường để lớp lớp thế hệ trẻ học tập và noi theo.

K.Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này