Đề xuất xử lý hình sự lái xe uống bia, rượu

Phụ thuộc vào ý thức chấp hành của người dân

15:44 | 24/04/2015
Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), vừa đưa ra đề xuất xử lý hình sự đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 100miligam/100ml máu, hoặc vượt quá 04miligam/1lít khí thở. Liên quan đến vấn đề này, PV báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trao đổi với luật sư Dương Kim Sơn (Đoàn luật sư TP Hà Nội).
Chính thức rút kiến nghị tịch thu xe với tài xế say xỉn
Đề xuất xử lý hình sự việc chở quá tải, lái xe có nồng độ cồn quá mức

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có kiến nghị hình sự hóa đối với lái xe có hành vi điều khiển xe trên đường nhưng trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định. Quan điểm của luật sư về vấn đề này thế nào?

Thực tế cho thấy, ở nước ta trong những năm gần đây, tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia ngày càng gia tăng với mức độ nghiêm trọng. Hệ lụy gây ra không chỉ thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản cho chính người điều khiển phương tiện giao thông, mà còn gây thiệt hại cho cả những người xung quanh và gây mất trật tự, an toàn xã hội. Đứng trước thực tiễn trên, nếu chỉ dừng lại ở mức xử phạt vi phạm hành chính sẽ không đủ sức răn đe đối với người vi phạm, do vậy, việc tăng hình phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông vượt quá nồng độ cồn quy định là cần thiết.

Tuy nhiên, khi đưa ra quy định này các nhà lập pháp cần nghiên cứu một cách khách quan, toàn diện để ban hành ra quy định phù hợp và đảm bảo tính khả thi. Bên cạnh đó, các nhà lập pháp khi tiến hành sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự về quy định này cần tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn về nồng độ cồn bao nhiêu thì có thể gây ra tai nạn giao thông để từ đó đưa ra quy định phù hợp, không thể quy định một cách áp đặt cứ vượt quá nồng độ cồn quy định là xử lý hình sự. Theo các chuyên gia y tế, với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/1lít khí thở, người uống đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ, nói nhiều; 0,1mg/1lít khí thở, gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại vụng về; 0,2mg/1lít khí thở, dễ bị ức chế, dễ giận dữ, đi lại loạng choạng. Nếu cao hơn nữa, tùy mức độ, người uống có thể bị lú lẫn, không nhận thức được mọi việc diễn ra xung quanh…

Phụ thuộc vào ý thức  chấp hành của người dân
Luật sư Dương Kim Sơn

Đây không phải lần đầu tiên ngành giao thông đưa ra các đề nghị tăng hình phạt cho lái xe uống rượu, trước đó là đề xuất tịch thu xe và đã bị tạm dừng. Ở góc độ pháp luật, luật sư đánh giá ra sao về những đề xuất này?

Với mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức khi thực hiện công vụ sẽ có chức năng, nhiệm vụ riêng. Cảnh sát giao thông có chức năng, nhiệm vụ là thực hiện việc tuần tra, kiểm soát, bảo vệ trật tự an toàn giao thông và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật giao thông, theo đó nếu có vi phạm xảy ra cảnh sát giao thông chỉ có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật hành chính. Còn nếu trong trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông vượt quá nồng độ cồn mà pháp luật quy định thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự, điều này là phù hợp và không có sự chồng lấn về chức năng, quyền hạn giữa các cơ quan.

Việc đưa ra đề xuất tăng hình phạt đối với lái xe sử dụng rượu bia vượt quá nồng độ cồn có đúng chức năng của ngành giao thông hay không? Theo tôi, pháp luật được ban hành là để điều chỉnh các quan hệ xã hội mà nhân dân là chủ thể trực tiếp tham gia vào các quan hệ đó, do vậy khi ban hành các văn bản pháp luật mọi người dân đều có quyền đề xuất trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản pháp luật. Trong trường hợp này, Tổng cục Đường bộ là cơ quan có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ GTVT quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về giao thông vận tải đường bộ, do đó Tổng Cục đường bộ hoàn toàn có quyền đề xuất ý kiến trong việc sửa đổi Bộ luật Hình sự.

Việc uống rượu bia rồi tham gia giao thông ở Việt Nam có lẽ đã là chuyện bình thường, vậy quy định này đưa ra nếu được đồng ý liệu có đem lại hiệu quả không, thưa luật sư?

Việc uống rượu bia ở Việt Nam là chuyện bình thường, nhưng với hệ lụy của nó, nếu chúng ta không có biện pháp phòng ngừa mạnh mẽ thì sẽ vẫn xảy ra tai nạn giao thông thương tâm do sử dụng rượu bia và nỗi đau của những người thân trong gia đình sẽ vẫn còn tiếp diễn. Khi một quy phạm pháp luật được ban hành để có hiệu quả trên thực tế phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong đó phải kể tới ý thức chấp hành của mỗi người dân. Trước đây, khi lần đầu tiên nước ta có văn bản bắt buộc người điều khiển phương tiện giao thông phải đội mũ bảo hiểm thì đối với nhiều người đây là quy định vớ vẩn và họ cho rằng việc đội mũ bảo hiểm sẽ tốn thời gian, gây phiền hà và mất thẩm mỹ. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện quy định này, người dân đã thấy được công dụng của chiếc mũ bảo hiểm mang lại sự an toàn khi lưu thông trên đường và từ đó tạo cho họ một thói quen khi ra đường là phải đội mũ bảo hiểm.

Trong quy định hình sự hóa đối với người điều khiển phương tiện giao thông vượt quá nồng độ cồn cũng vậy, để quy định này đạt được hiệu quả như mong muốn phụ thuộc rất lớn vào ý thức chấp hành của mỗi người dân. Khi họ nhận thấy việc lái xe sau khi sử dụng rượu bia là nguy hiểm và có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự thì lúc đó họ mới tuân thủ quy định của pháp luật.

Theo ông, những đề xuất như trên ngành giao thông có nên khuyến khích?

Việc đề xuất ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là rất cần thiết. Đối với những đề xuất hợp lý thì các nhà lập pháp nên lắng nghe, tiếp thu để phục vụ cho quá trình xây dựng và thực thi pháp luật đạt hiệu quả cao. Còn việc đưa ra đề xuất tràn lan, thiếu căn cứ, theo tôi là không nên, bởi những đề xuất đó sẽ khó khả năng thi hành trên thực tế và cuối cùng cũng chỉ nằm trên giấy mà thôi.

Xin cám ơn luật sư!

Thu Trang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này