Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi: Tất cả vì lợi ích người lao động

14:01 | 14/04/2015
Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi là một trong những nội dung được Quốc hội thảo luận kỹ và có hiệu lực từ 1/7/2016. Tuy nhiên, khi luật chưa có hiệu lực, không ít công nhân bày tỏ ý kiến không đồng tình với điều 60. Với tinh thần, cái gì có lợi nhất cho công nhân, người lao động thì làm, tin tưởng tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội diễn ra vào tháng 5 tới, vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận và khi đó lợi ích người lao động sẽ được bảo vệ tối đa.
Phải công bằng khi thực thi Luật BHXH
Giám sát thực hiện pháp luật BHXH trong DN
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, bổ sung: Không nên tăng tuổi nghỉ hưu

Luật BHXH có hiệu lực từ 1/7/2016, tuy nhiên vừa qua trong quá trình tuyên truyền luật này đến công nhân, người lao động, nhiều người cho rằng điều 60 liên quan đến tuổi nghỉ hưu, chi trả BHXH còn bất cập. Ngay sau khi có ý kiến của công nhân, người lao động, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xin ý kiến Quốc hội để đưa ra kỳ họp thứ 9 dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới để xem xét, bổ sung để đảm bảo lợi ích chính đáng cho người lao động.

Thực ra mục tiêu của Chính phủ, Quốc hội khi xem xét thông qua dự luật này là nhằm cụ thể hóa nghị quyết của Đảng theo hướng phấn đấu khi về già đa số người dân đều tham gia BHXH để có lương hưu. Đây là một chính sách rất phù hợp bởi vì thực tế hiện nay, rất nhiều người khi hết tuổi lao động vẫn phải bươn chải kiếm sống, không có lương hưu trong bối cảnh phúc lợi xã hội chưa cao dẫn đến đời sống khó khăn. Thậm chí, có không ít công nhân lao động, khi hết tuổi lao động đã nhận tiền BHXH hoặc trợ cấp chế độ một lần dẫn đến khi rời khỏi nhà máy không có lương hưu, hết tuổi lao động vẫn phải bươn chải kiếm sống.

Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi: Tất cả vì lợi ích người lao động
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, một số người lao động cho rằng quy định này còn bất cập; thậm chí người lao động sẽ bị thiệt. Lý do, đối với những ngành lao động đặc thù như may mặc, da giày rất hiếm công nhân, lao động trụ được đến tuổi 55 - 60 để về hưu, mà thường làm trong thời gian ngắn 10 năm hoặc nếu dài là 20 năm. Nếu chờ đến tuổi mới được thụ hưởng BHXH rất lâu, nên đa số muốn giải quyết theo chế độ hưởng BHXH một lần.

Với công nhân, người lao động đang làm việc trong các ngành, nghề có thời gian công tác không dài cũng nên xác định rõ ràng lợi ích của mình. Đi làm có tiền công, tiền lương và về già nên có lương hưu để trang trải cuộc sống khi sức khỏe ngày một yếu. Nếu hưởng chế độ một lần có thể sẽ có lợi trước mắt, nhưng về già lại gặp khó khăn trong cuộc sống.

Cần khẳng định, trong bối cảnh thực tế, quy định của điều 60 của Luật BHXH là rất đúng. Thứ trưởng Bộ LĐ - TB - XH Doãn Mậu Diệp cho rằng: “Quy định này dựa trên việc cân nhắc giữa lợi thế của việc hưởng lương hưu hàng tháng với hưởng một lần. Hưởng BHXH một lần có thể giúp người lao động giải quyết nhu cầu trước mắt. Nhưng về lâu dài, đến tuổi nghỉ hưu thì tiền lương hưu hàng tháng có thể giúp họ ổn định cuộc sống, hưởng thêm nhiều lợi ích như: Bảo hiểm y tế, ốm đau, bệnh tật...”.

Còn Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi cho rằng: “Điều 60 Luật BHXH được Chính phủ trình Quốc hội năm 2014 nhằm tăng số người lao động được hưởng lương hưu khi về già. Quan điểm của Chính phủ và Quốc hội mong muốn là thực hiện mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người lao động”. Một chuyên gia chính sách lao động bình luận, nếu mỗi năm mấy trăm ngàn người lấy tiền một lần để chi tiêu mà không có hoạt động sản xuất, kinh doanh gì, vậy đến lúc về già, lúc đó thì ai nuôi?.

Tuy nhiên trong quá trình soạn thảo, các cơ quan chức năng dường như chưa đi sâu, đi sát công nhân, lao động để tìm hiểu tuyên truyền nên đã dẫn đến tình trạng như vừa qua. Nên chăng khi tiến hành soạn thảo luật, các nhà soạn thảo lấy ý kiến đóng góp và ghi vào điều 60 liên quan đến chế độ, tuổi nghỉ hưu hai lựa chọn: Hoặc là người lao động lấy tiền một lần, hoặc người lao động chờ đến độ tuổi nghỉ hưu để hưởng BHXH để công nhân, người lao động lựa chọn.

Mục tiêu để đa số công dân, trong đó đó có công nhân, người lao động khi về già có phúc lợi xã hội, được hưởng lương hưu thông qua hình thức đóng BHXH là một chính sách phù hợp của Đảng, Nhà nước. Chắc chắn với tinh thần đặt quyền, lợi ích công nhân, người lao động lên trên hết, kỳ họp Quốc hội tới sẽ tiến hành điều chỉnh vướng mắc này. Khi đó, chắc chắn quyền, lợi ích của công nhân, người lao động sẽ được đảm bảo trong mọi điều kiện.

L. Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này