Án oan sai: Không thể kết luận bừa…

08:33 | 11/04/2015
Sáng nay 10/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe Trưởng Đoàn giám sát của UBTVQH báo cáo kết quả giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”. 
Giải pháp giảm án oan sai: Cần nâng cao vị thế của luật sư

Án oan sai giảm, nhưng tích chất nghiêm trọng tăng

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, Trưởng Đoàn giám sát, trong những năm gần đây, tình hình phạm tội tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng số vụ, số người phạm tội, thủ đoạn phạm tội tinh vi, cơ quan điều tra (CQĐT), Viện kiểm sát (VKS), Tòa án (TA) các cấp đã có nhiều nỗ lực, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Về cơ bản, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các cơ quan đã triển khai áp dụng nhiều biện pháp để chấn chỉnh khắc phục tồn tại, thiếu sót trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; nhờ đó tình hình oan, sai đã giảm so với trước đây. Tuy số người bị oan không nhiều, các trường hợp sai phạm đã hạn chế đáng kể và giảm dần theo từng năm nhưng so với yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 thì việc phòng chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm còn bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Án oan sai: Không thể  kết luận bừa…
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn văn Hiện trình báy báo cáo giám sát

Ông Hiện nhấn mạnh: Qua giám sát cho thấy, một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà dư luận quan tâm thì có những vụ án đã xảy ra từ những năm trước, đến nay, có vụ đã được giám đốc thẩm, quá trình điều tra, truy tố, xét xử lại cơ bản đã khắc phục được những thiếu sót, vi phạm về thủ tục tố tụng.

Đa số các địa phương trong nhiều năm chưa phát hiện thấy trường hợp nào làm oan người vô tội, kể cả những nơi có lượng án rất lớn. Tuy nhiên, có một số địa phương tuy số lượng án không nhiều nhưng lại để xảy ra một số vụ làm oan nghiêm trọng như Sóc Trăng, Bình Phước, Bình Thuận, Bắc Giang.

Thảo luận về đề án oan sai, nhiều đại biểu cho rằng khi bản án được khép, nhưng không đúng (oan sai) không chỉ ảnh hưởng đến danh dự, tiền của mà quan trọng hơn làm suy sụp tinh thần của bị cáo, thân nhân, gia đình, dòng họ… có bồi thường thế nào cũng không lại.

Vấn đề đặt ra, vì sao dẫn đến án oan sai? Tại chất lượng của cán bộ từ cấp điều tra (công an) đến cấp xét xử (tòa án) và tố tụng (kiểm sát) hay còn nguyên nhân nào khác ? Hoặc khó quá cứ kết luận bừa cho xong? Trên tinh thần này, một số đại biểu nêu vấn đề qua thống kê về số lượng án oan sai đa số tập trung vào những đối tượng là nông dân, người nghèo… Phải chăng những đối tượng này không am hiểu pháp luật, không có khả năng tài chính để mời luật sư tranh tụng dẫn đến bản án oan sai? Câu hỏi này cần có lời giải đáp thỏa đáng.

Nhanh chóng ban hành NQ bồi thường án oan sai

Từ những vụ án như ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Văn Lá (Long An), ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) và các trường hợp bị oan khác đã có đơn yêu cầu bồi thường, hiện các cơ quan chức năng cũng đang tiến hành xin ý kiến UBTVQH dự thảo Nghị quyết “về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự” trước khi trình Quốc hội xem xét.

Theo dự thảo này, trong năm 2015 và 2016, VKSND tối cao, Bộ Công an, TAND tối cao theo chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương giải quyết xong 11 vụ án đã kéo dài trên 05 năm và các vụ án khác dư luận quan tâm; sớm kết thúc điều tra, đưa ra truy tố, xét xử lại đối với vụ Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Hàn Đức Long (Bắc Giang), Đỗ Thị Hằng (Bắc Giang) và vụ Đỗ Minh Đức (Hải Phòng).

N. Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này