Thêm giường bệnh thêm nỗi lo viện phí

20:01 | 10/04/2015
Sau khi Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát đi thông điệp sẽ không còn tình trạng quá tải, ghép 3, ghép 4 tại các bệnh viện TW, đến nay tình hình đó đã được cải thiện rõ nét.
Viện phí: Mỗi nơi thu một kiểu
“Rối như canh hẹ” trước giá viện phí mới

Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay 2.000 giường bệnh đã được bổ sung cho tuyến T.W. Trong đó có 200 giường bệnh điều trị nội trú ngoại khoa của Bệnh viện (BV) Đa khoa T.W Thái Nguyên; 1.000 giường bệnh của Khu Khám bệnh thuộc dự án Cải tạo và nâng cấp BV Nhi T.W và 360 giường của Khu kỹ thuật cao thuộc BV Việt Đức; 500 giường thuộc dự án cải tạo BV Thống Nhất TP Hồ Chí Minh và 200 giường bệnh của Trung tâm Ung bướu, BV Việt Nam – Thụy Điển được đưa vào sử dụng.

Cùng với đó, hàng loạt trang thiết bị kỹ thuật được đưa vào sử dụng giúp người bệnh được chẩn đoán, điều trị nhanh hơn, chính xác hơn, đồng thời rút ngắn thời gian điều trị. Tới đây, theo chiến lược phát triển ngành y đã được Thủ tướng phê duyệt, bên cạnh việc xây mới các bệnh viện vệ tinh, thì cơ sở vật chất, giường bệnh trong hệ thống bện viện tuyến TW đến tuyến tỉnh sẽ được bổ sung, nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân.

Thêm giường bệnh thêm nỗi lo viện phí
Nhiều bệnh viện không còn tình trạng nằm ghép

Niềm vui hệ thống giường bệnh, trang thiết bị khám bệnh đang được hiện đại hóa, nâng cấp đến với nhân dân thì cũng là lúc người dân tỏ ra lo lắng về giá viện phí sẽ tăng lên trong thời gian tới. Tại hội nghị cung cấp thông tin về điều chỉnh giá dịch vụ y tế (DVYT) gắn với lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT) tổ chức mới đây, đại diện Bộ Y tế cho hay trong năm nay, giá DVYT sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình giai đoạn 2015 - 2016.

Tại hội nghị cung cấp thông tin về điều chỉnh giá dịch vụ y tế (DVYT) gắn với lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT) tổ chức mới đây, đại diện Bộ Y tế cho hay trong năm nay, giá DVYT sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình giai đoạn 2015 - 2016.

Vì hiện tại, giá DVYT mới chỉ được tính 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp mà chưa tính đến yếu tố tiền lương, khấu hao nhà cửa, khấu hao trang thiết bị, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Trong khi đó, Nghị định 16 của Chính phủ ban hành ngày 14/2 2015 đã quy định lộ trình điều chỉnh giá DVYT chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu từ nay đến năm 2016, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp; năm 2018 sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý; đến năm 2020 sẽ tiến tới tính đúng, tính đủ 7/7 yếu tố.

Vấn đề được nhân dân quan tâm nhất đó là việc điều chỉnh giá DVYT liệu có gây ảnh hưởng tới người bệnh; đặc biệt người nghèo hay không? Đại diện Bộ Y tế cho hay: “Theo quy định người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân tại các huyện đảo, xã đảo và đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi khi đi khám chữa bệnh được bảo hiểm chi trả 100% chi phí, nên sẽ không ảnh hưởng. Cạnh đó, những hộ cận nghèo được tham gia BHYT, khi đi khám chữa bệnh được Quỹ BHYT chi trả 95% chi phí”.

Những đối tượng như trên sẽ được chính sách ưu việt sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Song câu hỏi đặt ra đối với giới công chức, viên chức, công nhân lao động đang hưởng mức lương và thu nhập từ 3- 5 triệu đồng/tháng sẽ như thế nào? Cạnh đó những nông dân, dân thành thị không xếp vào loại cận nghèo, song thu nhập không cao sẽ xoay xở ra sao khi giá dịch vụ y tế tăng?

Đối với những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như tim, tai biến… nhưng thu nhập không cao; thậm chí có bảo hiểm, mỗi ngày nằm viện số tiền chi phí đã từ 1- 5 triệu đồng, nếu tới đây giá dịch vụ y tế điều chỉnh chắc những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân thuộc nhóm làm công ăn lương sẽ khó khăn hơn.

A.Tùng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này